20/07/2012 00:08 GMT+7

Lạm dụng chiếm đoạt tài sản hay trộm cắp tài sản?

Ths HOÀNG MINH KHÔI(phó chủ tịch Hội Luật gia quận 2, TP.HCM)
Ths HOÀNG MINH KHÔI(phó chủ tịch Hội Luật gia quận 2, TP.HCM)

TT - Nhân đọc bài “Luộc” phụ tùng ngay bãi giữ xe, nêu vụ việc tráo đổi phụ tùng xe của khách gửi tại bãi giữ xe thuộc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Q.10, TP.HCM), tôi xin có một số ý kiến như sau:

Trước hết, theo điều 140 Bộ luật hình sự, “tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản”, thì giữa người chiếm đoạt và người bị chiếm đoạt tài sản phải có giao kết hợp đồng và sự tín nhiệm. Ý thức khi giao kết ban đầu là ngay tình. Quá trình thực hiện hợp đồng, một bên nảy sinh ý muốn chiếm đoạt và có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của bên kia - đây là dấu hiệu đặc trưng của “lạm dụng tín nhiệm”.

Trong vụ việc nói trên, giữa khách gửi xe và nhân viên trông xe không có quan hệ hợp đồng gửi giữ, nhân viên chỉ là những người thừa hành, được thuê để trông giữ xe. Về pháp lý, họ chỉ có quan hệ hợp đồng với người thuê, nên không thể là chủ thể lạm dụng tín nhiệm. Giả sử có sự thông đồng giữa chủ bãi xe và nhân viên trông xe thì vẫn không phải là hành vi lạm dụng tín nhiệm mà chỉ có thể là hành vi lừa đảo hoặc trộm cắp.

Quy định của Bộ luật hình sự (điều 138) không mô tả hành vi trộm cắp tài sản là như thế nào. Song vì là hành vi “cổ xưa” và phổ thông nhất nên rất dễ dàng nhận biết dấu hiệu đặc trưng của nó là lén lút - lén lút tiếp cận tài sản, lén lút chiếm đoạt và lén lút cất giấu tài sản đã chiếm đoạt. Hành vi của các nhân viên trông giữ xe đã thể hiện rất rõ chuỗi dấu hiệu đó. Có thể thấy thời điểm nhân viên trông giữ dẫn xe giao cho thợ “luộc” là đã hoàn thành hành vi trộm cắp tài sản rồi, việc có lấy được phụ tùng hay không, không làm thay đổi bản chất hành vi. Hậu quả thiệt hại chỉ có ý nghĩa định khung phạt và mức bồi thường dân sự. Việc dùng phụ tùng “dỏm” tráo đổi sau khi hành vi chiếm đoạt đã hoàn thành, chỉ được xem là thủ đoạn nhằm che giấu.

Vấn đề thứ hai cần đề cập, theo tôi, là phải quản lý tốt hơn đối với các bãi giữ xe công cộng. Đã đến lúc cần biện pháp có hệ thống như ban hành quy chế về tiêu chuẩn, điều kiện quản lý người trông giữ xe; tiêu chuẩn điều kiện tối thiểu của một bãi giữ xe; cùng với quy định tiêu chuẩn hóa trình độ, nghiệp vụ tối thiểu của nhân viên trông giữ xe. Với nhịp độ đô thị hóa hiện nay, cần nhận thức việc trông giữ xe là một nghề nghiệp có yếu tố kỹ thuật; đồng thời nên chăng quy định chế độ bảo hiểm bắt buộc đối với người kinh doanh ngành nghề trông giữ bãi gửi xe nhằm đảm bảo trách nhiệm liên đới của họ khi xảy ra những vụ việc tương tự và theo đó cần có bộ phận chuyên trách kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động này.

Ths HOÀNG MINH KHÔI(phó chủ tịch Hội Luật gia quận 2, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp