Hồ Bắc và Hồ Nam là hai tỉnh miền trung của vùng nam Trung Quốc vốn thuộc đất Sở xưa.
1. Hai tỉnh này có rất nhiều danh lam thắng cảnh. Hồ Bắc có sông Trường Giang, đập Tam Hiệp, khu công viên rừng quốc gia Thần Nông Giá, các thành phố có nhiều di tích văn hóa như Vũ Hán, Nghi Xương, Kinh Châu, Mạch Thành, Bạch Đế Thành, Xích Bích…
Địa phương chứa đựng rất nhiều dấu tích các trận đánh trong Tam quốc chí mà tôi đã đọc từ nhỏ. Nghi Xương còn là quê thi hào Khuất Nguyên và nàng Vương Chiêu Quân - một trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa.
Còn Hồ Nam có hồ Động Đình (có trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ của Việt Nam), có sông Tương và sông Tiêu - hai nhánh sông Trường Giang có trong thơ ca, mà khi Nguyễn Du và các sứ đoàn của ta đi sứ thường ngồi thuyền qua sông Tương.
Ở đây cũng có khu tự trị dân tộc Miêu và Thổ Gia là Tương Tây mà Phượng Hoàng cổ trấn và Phù Dung cổ trấn mấy trăm năm tuổi cực kỳ xinh đẹp nằm trong khu tự trị này. Trung Quốc có 56 dân tộc thì 51 trong số đó sinh sống ở Hồ Nam.
Sau đại dịch, dân bản địa cho hay đời sống nhiều người còn khó khăn vì kinh tế đang từ từ phục hồi. Vì vậy, du lịch nổi lên như cứu cánh cho nhiều địa phương nơi này.
Du lịch ở Hồ Bắc, Hồ Nam hay Trung Quốc nói chung chủ yếu đông khách nội địa, khách quốc tế ra đường thấy không nhiều. Một phần vì ở quốc gia đông dân này có lượng du khách nội địa quá lớn.
Hai là vì khách quốc tế vào một đất nước rộng lớn, nhiều thắng cảnh như Trung Quốc thì sẽ nhiều chọn lựa, như khách Âu Mỹ thường đi các vùng mà họ quan tâm nhiều về văn hóa như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiểm Tây, Hà Bắc… Khách châu Á thì ở Hồ Bắc, Hồ Nam thấy nhiều hơn.
2. Đặc biệt, điểm dễ thấy ở nhiều vùng Trung Quốc, trong đó có Hồ Bắc và Hồ Nam, là chính quyền và nhân dân cùng làm du lịch rất bài bản, có phối hợp chặt chẽ.
Chính quyền thường đầu tư có tầm chiến lược vào hạ tầng cơ sở, như những thứ quan trọng nhất để du khách di chuyển là tàu cao tốc và đường cao tốc đã được phủ kín từng tỉnh, do đó có thể di chuyển dễ dàng.
Tàu cao tốc trung bình chạy 250km/h và cao nhất hơn 400km/h. Còn đường cao tốc có tốc độ khoảng 120km/h. Nếu khách tự đi hay đi tour cũng thuận tiện.
Giá vé tàu cũng không mắc. Trên các tuyến cao tốc đều có hệ thống trạm dừng chân ngăn nắp, cung cấp đủ dịch vụ như các trạm dừng này cho khách đi vệ sinh miễn phí, cung cấp nước uống miễn phí, có tủ thuốc cấp cứu…
Còn tại các điểm du lịch, nhà nước đầu tư đường sá, bến bãi, văn phòng cung cấp thông tin và đón tiếp du khách; các phương tiện phục vụ như xe cộ, thang máy, cáp treo, dịch vụ cứu hộ, nhà vệ sinh, hệ thống quản lý cho toàn khu tới từng chi tiết. Nhà nước cũng đầu tư các show diễn lớn cho từng điểm du lịch lớn.
Họ khai thác rất kỹ lịch sử địa phương, văn hóa dân tộc đặc sắc và kết hợp các đạo diễn nổi tiếng. Ở Trương Gia Giới, thành phố 1,5 triệu dân nhưng có show diễn thu hút du khách lớn và hay bậc nhất Trung Quốc do đạo diễn Trương Nghệ Mưu thực hiện.
Trong khi các điểm du lịch khác trong thành phố này đều có show diễn riêng như khu Thiên Môn Sơn, khu công viên quốc gia Trương Gia Giới và khu 72 kỳ lầu…
Với du khách nước ngoài, Trung Quốc cho du khách 12 nước chủ yếu là châu Âu miễn visa tới hết 2025. Họ áp dụng quá cảnh miễn visa trong 144 giờ cho du khách tới 20 thành phố lớn.
Du khách Việt, Thái Lan, Philippines, Nhật và Mexico được giảm 25% phí visa tới hết 2024 và visa đoàn đi Trung Quốc hiện nay ở Việt Nam chỉ làm trong hai ngày. Các doanh nghiệp được khuyến khích kinh doanh các sản phẩm du lịch.
Người nghèo được bán hàng rong dọc các phố, điểm du lịch với điều kiện không chèo kéo khách, không cản trở luồng giao thông.
Là quốc gia đông dân nên có thể thấy hệ thống du lịch chính quyền Trung Quốc đầu tư nhằm phục vụ lượng du khách cực lớn cùng một lúc. Ở thành phố Nghi Xương, du khách muốn thăm sông Trường Giang thì có thể đi tàu chứa tối đa 2.000 khách một lúc với ba tầng.
Sàn tàu lát gỗ rộng rãi để khách dễ dàng ngắm cảnh sông. Khách có thể mua vé ngắn hạn vài giờ để đi sông Trường Giang từ trung tâm thành phố Nghi Xương tới đập Tam Hiệp, nhưng cũng có thể đi dài từ thành phố này tới tận Trùng Khánh để xem hết những điểm hấp dẫn nhất. Tàu có phòng giường nằm cho khách ăn nghỉ trên đó vài ngày.
Ở Phượng Hoàng cổ trấn (xây năm 1704, đời Khang Hy) tại khu tự trị Tương Tây, du khách trước khi vào cổ trấn sẽ qua phần thị trấn hiện đại mới phát triển.
Khu mới này làm nơi ở chủ yếu của dân toàn trấn, cũng như là nơi để khách ở lại. Khu này được xây rộng rãi, đường phố to rộng, nhiều cây xanh. Còn khu cổ trấn chỉ chuyên phục vụ tham quan để bảo tồn.
3. Về phía người dân cũng có nhiều sáng kiến phục vụ du khách. Hàng quán họ bán đủ thứ sản vật địa phương, các món ăn hay đồ uống ngon và đặc sắc nổi bật tại vùng quê họ.
Ví dụ thịt muối xông khói dân tộc Miêu và Thổ Gia, đèn lồng tre hình đầu con thỏ, món "tôm tươi" - tức bánh lọt đặc sản Nghi Xương, món tôm mặn Hồ Bắc, thổ cẩm người dân tộc Miêu và Thổ Gia ở Tương Tây… Nhưng họ cũng làm nhiều loại đồ ăn thức uống theo trend hiện đại. Kiểu như trà sữa hay kem trong ống tre, xiên que mùi vị mới… nhằm thu hút giới trẻ.
Đặc biệt, họ cũng nghĩ ra nhiều dịch vụ phong phú như dịch vụ massage chân cho du khách phải leo núi nhiều.
Đặc sắc nhất là dịch vụ cung cấp các loại trang phục dân tộc và cổ trang cho khách. Khách có thể mua nhưng đa phần họ thuê trang phục trọn gói. Cửa tiệm sẽ dùng máy vi tính để khách chọn kiểu trang phục nào xứng với diện mạo và vóc dáng.
Sau đó cho thử, nếu đẹp thì trang điểm cho khách rồi đưa đi khắp cổ trấn để chụp hình ban đêm với máy ảnh và đèn flash chuyên dụng. Kế đó sẽ chỉnh sửa hình và gửi cho khách. Kiểu này họ có thể thu vài trăm tệ một lần.
Một loại dịch vụ chụp ảnh khác là dân làm nghề chụp ảnh đứng ở nơi khách thường thích chụp nhất và chụp rất đẹp, giá 5 tệ ba hình.
Thú vị là có cả những người chỉ cầm trong tay nắm chỉ ngũ sắc mà đi khắp nơi. Họ làm dịch vụ tết tóc cho các cô gái trẻ có quấn chỉ vào từng bím tóc nhỏ xíu, kiểu như tóc của người da đen hay tết nhưng đơn giản hơn. Có nhiều cô gái có tóc dài một chút cũng dùng dịch vụ này với giá 5 tệ trông rất dễ thương...
Đảm bảo môi trường xanh
Tất cả du khách tới Phượng Hoàng cổ trấn phải tuân thủ quy định, như toàn bộ xe chở khách phải đậu ở bãi xe trong khu mới. Sau đó, khách mua vé xe điện để vào cổ trấn. Có hai loại xe điện, loại 26 khách và loại 72 khách.
Bến xe rộng hàng chục ngàn mét vuông với hai tầng rộng rãi. Họ bán vé xe buýt điện cho khách vào chơi ở đây ba ngày giá 27 tệ, khuyến mãi còn 13,5 tệ, khoảng 50.000 đồng. Còn ai vào một ngày thì 7 tệ, khuyến mãi còn 3,5 tệ, cỡ 10.000 đồng.
Cổ trấn rộng 10km2 hoàn toàn không có phương tiện đi lại nào khác ngoài đi bộ. Họ làm ngăn nắp, trật tự để đón lượng khách cực lớn tới đó mà bảo đảm môi trường xanh.
Bằng những cách làm du lịch quy mô lẫn chi tiết này, các địa phương ở Trung Quốc đang thu hút thêm du khách trong và ngoài nước để giúp tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn khó khăn.
Tôi nghĩ các nhà làm du lịch Việt Nam nên tham khảo và áp dụng những gì có thể, đặc biệt là trong hoàn cảnh đất nước đang rất cần phát triển kinh tế du lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận