Chòi, tum để du khách ăn uống, giải trí đang bức tử những ruộng sen tỏa sắc của ngày nào - Ảnh: NGỌC TÀI
Xin nói rõ rằng tui là người con ở Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Tía má tui hồi xưa trồng rất nhiều sen. Tuổi thơ tui là chín tháng đi học và ba tháng hè đi hái sen. Tui được ăn học cũng nhờ cây sen quê tui nên tui thương cây sen, xem chúng như cội rễ của chính mình.
Nói rõ thế để những dòng thật lòng dưới đây cũng đã làm tui thổn thức rất nhiều. Còn đâu đồng sen bình dị, thân thương ở Tháp Mười quê tui!
Mỗi lần có bạn bè, người quen có dịp về nhà tui chơi thì nhất quyết đòi đi ngắm sen cho bằng được. Cũng dễ hiểu khi những cánh sen hé nở trong nắng mới mang theo hương thơm dịu nhẹ đem đến cảm giác thư thái, dễ chịu biết chừng nào.
Còn chưa kể chụp ảnh với hoa sen, ruộng sen thì còn gì lung linh bằng. Chính vì thế hễ ai ở xa về quê tui, tui đều cân nhắc đi đồng sen đầu tiên. Nhưng rồi tui bắt đầu sợ một nỗi sợ của sự thất vọng.
Đồng sen bây giờ thương mại hóa rất dữ. Nhiều ruộng sen khai thác du lịch san sát nhau nhưng khổ nỗi sen thì không thể ra hoa, còn chòi, tum để khách vào ăn uống, vui chơi thì ngày một nhiều. Sen đang bị bức tử từ chính chủ ruộng lẫn những du khách hồ hởi đến đồng sen vì yêu sen chăng?
Cũng phải nói rõ thêm rằng sen đang bị thoái hóa giống, thối ngó - một căn bệnh trầm kha với những thửa ruộng thâm canh sen. Nhà tui cũng phải "quay lưng" với sen vì không trị được bệnh này. Nhưng cũng có thể đâu đó nguyên do còn đến từ sự bức tử của chính những chủ ruộng chỉ chăm chăm đến việc khai thác khách du lịch.
Hồi tháng 12 năm ngoái, tui dẫn nhóm bạn đến đồng sen. Khi các thửa ruộng xung quanh bao la nước thì ruộng sen nơi tui dừng chân được làm đê bao cao vút. Nước lũ không thể tràn đồng, tưới mát thửa ruộng bằng vị ngọt phù sa chỉ vì chủ ruộng muốn sen vẫn phải nở, phải sinh sôi để khai thác du lịch.
Nhưng cây cỏ nào có làm theo ý người, chúng cũng xác xơ, cằn cỗi và chỉ lác đác vài bông.
Xa xa khu vực có nhiều chòi, tum sen mới có lác đác vài bông - Ảnh: NGỌC TÀI
Vì bị "hố" rất nhiều lần khi dẫn bạn bè, người thân đi đồng sen nên tết này tui phải gọi điện thoại hỏi trước: Sen đang có vào mùa đẹp nhứt hay không? Vì đặc tính cây sen không có mùa cố định trong năm. Tùy vào thời điểm chủ ruộng cày đất để sen lên lứa tiếp theo hoặc còn tùy vào tay nghề của người trồng.
Trả lời tui là câu nói khá lập lờ của một điểm khai thác du lịch. Không khẳng định sen có vào mùa hay không nhưng dám chắc sen đẹp. Đến nơi, thì hỡi ôi không còn muốn miêu tả. Nhưng có một điều tui nhận ra rằng khu vực có các chòi, tum phục vụ khách thì cây sen héo rũ, xác xơ còn các nơi xa xa mới có lác đác vài bông sen.
Bên dưới ruộng sen rác do chính du khách vứt xuống cũng nhiều vô số kể. Nào lon bia, nào túi nilông... Một số chòi còn có hẳn loa bluetooth hát nhạc sàn dậy trời. Tết mà! Người ta cũng dễ cười xòa và không mấy khó chịu nhưng với tui, điều đó trỗi lên một nỗi buồn: đồng sen hay quán nhậu "sinh thái".
Rồi lại nói về ẩm thực ở các điểm tham quan, phải thừa nhận rằng rất sơ sài. Lần trước nhóm bạn gọi một dĩa cúm núm (gần giống với cò nhưng nhỏ hơn) xào mướp. Dọn món lên thì dĩa cúm núm có một nửa là cánh và chân. Rất có thể chúng là "xà bần" của những nhóm khách trước.
Còn tết này, nhóm bạn tui chú trọng gọi món đặc sản nên đã chọn gỏi ngó sen. Khi dùng thử mới phát hiện ngó sen không phải ngó tươi mà đã làm dưa và để lâu ngày nên mất hẳn vị giòn, ngọt mà chỉ còn vị chua của giấm.
Tám người chúng tôi gọi 4 món và thức uống (không nhậu bia) với giá khá rẻ là gần 700.000 đồng. Rẻ nhưng nếu chất lượng tệ như thế thì rõ ràng dấu ấn để lại chỉ có thể là sự thiếu chăm chút của chính người làm bếp.
Năm năm trước tui từng có bài viết giới thiệu về đồng sen. Ngày ấy, người dân ở đây bắt tay làm du lịch cộng đồng chơn chất lắm, nhưng giờ...
Tui cũng chỉ có thể giải thích rằng, có lẽ chính họ cũng bất lực vì bệnh thoái hóa giống, mở điểm tham quan, có khách đến ăn uống, có đồng ra đồng vào cũng là một cứu cánh để tiếp tục gắn bó với cây sen.
Không thể trách họ nhưng tui vẫn cứ buồn, có thể đọng lại trong ký ức của nhiều khách phương xa là sự thực dụng của chính người dân địa phương. Tui có hỏi cảm nhận của anh bạn đi cùng, ảnh bảo đi cho biết chứ sẽ không quay lại, cũng sẽ không giới thiệu ai vào đây nữa.
Sự việc làm tui chợt nhớ một lão nông trồng quýt ở Lai Vung. Tết này chú không mở cửa cho khách tham quan vì với chú vườn quýt không đẹp như ý muốn. Với người chủ vườn ấy, thu vé 50.000 đồng/người mà khi về họ lại nghe tiếng chậc lưỡi tiếc rẻ rồi hình ảnh cây quýt, chủ vườn bị "xem nhẹ" thì đó mới đáng sợ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận