PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, giảng viên ĐH Luật Hà Nội, cho rằng Hiến pháp đã thừa nhận quyền sử dụng đất đai là quyền tài sản đặc biệt của người dân nên Nhà nước cần hạn chế thu hồi đất: chỉ thu hồi đất phục vụ quốc phòng, an ninh. Không thu hồi đất để làm dự án phát triển kinh tế vì giá đất bồi thường (do Nhà nước xác định) rất thấp, người dân bị thiệt thòi.
Thực tế cho thấy rất nhiều nơi, người dân được bồi thường mấy chục ngàn đồng/m2 đất, sau đó nhà đầu tư san lấp thành nền đất bán đến mấy triệu đồng/m2, như vậy ai chấp nhận được? “Thu hồi đất trong trường hợp này không đem lại lợi ích cho Nhà nước, cũng không đem lại lợi ích cho người dân. Dân bức xúc là phải. Nếu tôi là người bị thu hồi đất, tôi cũng không “tâm phục khẩu phục”. Cứ tiếp tục cơ chế này thì khó giải quyết hết khiếu kiện về đất đai” - ông Tuyến khẳng định.
Đồng ý với quan điểm của ông Tuyến, TS Nguyễn Ngọc Điện, phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế - luật TP.HCM, cũng đề nghị phải sửa điểm này từ điều 58 dự thảo Hiến pháp: Nhà nước không thu hồi đất sử dụng vào mục đích kinh tế mà nên trưng mua đất để giao cho các tổ chức làm dự án kinh tế. Ông Điện thông tin thêm: Ở một số nước trên thế giới, nhà nước xây dựng một bộ quy tắc ứng xử dựa trên những tiêu chí chung.
Những tiêu chí này áp dụng để tính toán các lợi ích và thiệt hại do dự án mang lại cho nhà nước, cộng đồng (người dân) và chủ đầu tư. Chỉ khi nào lợi ích cho cộng đồng rất lớn, gấp nhiều lần thiệt hại gây ra nhà nước mới đứng ra thu hồi đất. Những dự án không đáp ứng đủ các điều kiện trong tiêu chí nhà nước phải trưng mua đất của dân. Theo ông Điện: “Không có lý do gì để dùng quyền lực nhà nước nhằm ưu ái cho một nhóm người này (nhà đầu tư) mà gây thiệt hại cho nhóm người khác (người dân)”.
Ông Bùi Mạnh Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Phước, đề xuất giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải cao... gấp hai lần giá đất thị trường. Ông Hùng lập luận trong trường hợp này, người dân không chủ động bán đất. Họ đã phải hi sinh rất nhiều bởi phải thay đổi kế hoạch cuộc sống một cách bất đắc dĩ. Người dân xứng đáng nhận được những giá trị khác để bù đắp lại những thiệt hại mà họ phải chịu.
Trong phần thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ chưa hài lòng với dự thảo Luật đất đai sửa đổi. “Dự thảo gần như chỉ tập trung vào việc đưa ra những quy định để giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật đất đai hiện hành chứ chưa có một nghiên cứu căn cơ và chiến lược rõ ràng” - TS Phạm Văn Võ, giảng viên ĐH Luật TP.HCM, nhận định. Các ý kiến đề nghị nên lùi thời hạn Quốc hội thông qua Luật đất đai sửa đổi vì còn quá nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Nếu thông qua quá sớm tuổi thọ của luật mới cũng sẽ không dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận