16/08/2019 08:17 GMT+7

Làm đẹp hơn hình ảnh thanh niên Việt Nam

QUỐC LINH thực hiện
QUỐC LINH thực hiện

TTO - “Sức hút của phong trào tình nguyện, nhu cầu tham gia hoạt động tình nguyện trong thanh niên còn rất lớn. Với người thiết kế phong trào, đấy là bài toán không dễ khi vừa phải tiếp nối thành quả, vừa phải đổi mới sao chongày càng hấp dẫn hơn".

Làm đẹp hơn hình ảnh thanh niên Việt Nam - Ảnh 1.

Chiến sĩ Mùa hè xanh ĐH Sài Gòn năm 2013 - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN

Đó là chia sẻ của Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn LÊ QUỐC PHONG với Tuổi Trẻ khi nhìn lại 20 năm chiến dịch thanh niên tình nguyện hè (2000-2019) và hoạch định hướng đi mới.

Tạo cảm hứng và thôi thúc

* Đâu là điểm sáng nhất mà tuổi trẻ Việt Nam đã tạo nên trong chặng đường 20 năm chiến dịch tình nguyện hè?

- Có thể nói chiến dịch thanh niên tình nguyện hè đã đạt hiệu quả việc thu hút, tập hợp, phát huy thanh niên và cả trong khẳng định vai trò xung kích, tính tiên phong, trách nhiệm của tuổi trẻ trước những vấn đề còn nhiều khó khăn của đất nước. 

Đây là hoạt động đáp ứng được nguyện vọng của thanh niên trong việc khẳng định bản thân, trải nghiệm, cống hiến và thu hoạch được nhiều bài học thực tiễn quý giá để trưởng thành cả về nhận thức và hành động.

Thanh niên tình nguyện đã làm đẹp thêm hình ảnh thanh niên Việt Nam trong 20 năm qua. Với hơn 70 triệu lượt thanh niên tham gia trên phạm vi cả nước, giá trị mang lại cả về vật chất và tinh thần to lớn. Có thể nói hoạt động tình nguyện là niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

* Đã xuất hiện các trào lưu, xu hướng tình nguyện mới, không ít câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện của giới trẻ tự hình thành và hoạt động hiệu quả. Làm sao để Đoàn vẫn giữ được vai trò định hướng, dẫn dắt phong trào tình nguyện chung sau 20 năm đạt nhiều thành quả lớn lao?

- Đoàn luôn cổ vũ và khuyến khích thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện. Bởi đó là môi trường thực tiễn sinh động để thanh niên chia sẻ, trải nghiệm, cống hiến và trưởng thành.

Tôi tin chính phong trào thanh niên tình nguyện của Đoàn với nhiều hoạt động hiệu quả như chiến dịch thanh niên tình nguyện hè đã lan tỏa, tạo cảm hứng và thôi thúc nhiều bạn trẻ tham gia tình nguyện hơn. Quan trọng nhất là nội dung hoạt động phải bắt nhịp kịp với những đòi hỏi của người dân, địa phương, phương thức cần phù hợp điều kiện cụ thể của các nhóm thanh niên.

Nhìn vào chặng đường 20 năm của chiến dịch tình nguyện hè, chúng ta có thể thấy rõ sự chuyển mình rất cụ thể. 

Từ một chiến dịch chung đã hình thành một chương trình và bốn chiến dịch cho các nhóm đối tượng thanh niên khác nhau. Từ việc điều chỉnh mỗi năm một địa bàn đã xuất hiện ngày càng nhiều sự gắn bó 2-3 năm với một địa bàn để hoàn thành những công trình lớn hơn. Từ một đội hình làm nhiều nhiệm vụ đã ra đời nhiều đội hình chuyên. 

Từ việc chủ yếu dựa vào thanh niên tình nguyện đã chuyển sang kết hợp và vận động thanh niên địa phương, người dân cùng làm, cùng gìn giữ công trình, thành quả đạt được...

Làm đẹp hơn hình ảnh thanh niên Việt Nam - Ảnh 2.

Chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh làm sạch môi trường ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi năm 2014 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bám sát nhu cầu thực tế của địa phương

* Từng có phàn nàn về tính hình thức, cách làm "phong trào" trong quá trình hoạt động. Liệu đã cần nghĩ đến một phương thức nào khác thay cho phong trào, hoạt động tình nguyện hiện có, thưa anh?

- Đúng là trong triển khai, có lúc, có thời điểm, có đội hình chưa chuẩn bị kỹ lưỡng dẫn đến hiệu quả, chất lượng chưa cao. Nhưng đó chỉ là thiểu số. Giá trị của phong trào thanh niên tình nguyện với sự trưởng thành của thanh niên Việt Nam đã được khẳng định, sự góp sức của thanh niên tình nguyện và phong trào thanh niên tình nguyện trong sự phát triển của đất nước cũng rất rõ nét.

Đó là sự đồng tình cao của dư luận, của xã hội, của các cấp lãnh đạo khi đánh giá về thanh niên, ghi nhận và kỳ vọng ở thanh niên. Đó cũng là lý do mà Đại hội Đoàn toàn quốc lần XI xác định đưa phong trào thanh niên tình nguyện là một trong ba phong trào lớn của thanh niên cả nước giai đoạn 2017-2022.

* Anh cho rằng đâu là những thách thức đặt ra với phong trào và cả với người thiết kế hoạt động, chương trình tình nguyện? Có thể dự báo gì về xu hướng, cách tiếp cận, phương thức của phong trào tình nguyện trong thời gian tới?

- Thực tiễn phát triển của đất nước đặt ra rất nhiều việc cần sự tham gia, tính xung kích của thanh niên, nhưng làm thế nào để khơi gợi, mời gọi thanh niên tham gia. Tôi cho rằng phương thức tổ chức trong giai đoạn này cần được điều chỉnh để đảm bảo diện rộng của phong trào nhưng cũng phải đảm bảo cả chiều sâu ở tính hiệu quả, thiết thực, chuyên nghiệp.

Phong trào thanh niên tình nguyện thời gian tới vẫn rất cần bám sát những nhu cầu mà thực tế xã hội của các địa phương đặt ra. Cùng với đó, cần nhân rộng việc gắn bó với một địa phương trong một thời gian đủ dài để tham gia chuyển biến hoặc tạo công trình, dấu ấn ý nghĩa, đặc biệt với những vùng khó khăn, biển đảo của quê hương, đất nước.

Từ TP.HCM lan tỏa cả nước

* Trung ương Đoàn đánh giá sự đóng góp, vai trò của tuổi trẻ TP.HCM thế nào trong bức tranh tổng thể phong trào tình nguyện cả nước?

- Tôi nghĩ tuổi trẻ TP.HCM, Thành đoàn, Hội LHTN, Hội Sinh viên TP.HCM có quyền tự hào là nơi khởi xướng mô hình này với những thành công, cách làm sáng tạo để Trung ương Đoàn nhân rộng cả nước vào năm 2000.

Qua 20 năm, TP.HCM luôn là đơn vị đi đầu cả nước về tính hiệu quả trong chiến dịch tình nguyện hè. Trung ương Đoàn luôn đánh giá cao sự chuẩn bị, đầu tư của Đoàn - Hội và các chiến sĩ tình nguyện của TP.HCM.

Từ "Ánh sáng văn hóa hè" đã phát triển thành "Mùa hè xanh", tiếp tục hình thành "Hoa phượng đỏ", "Kỳ nghỉ hồng", "Hành quân xanh". Từ chương trình "Hỗ trợ thí sinh dự thi đại học" chuyển mình, phát triển thành "Tiếp sức mùa thi" đầy nhân văn. Các bạn không chỉ tự làm mới, làm phong phú hoạt động tình nguyện hè mà còn có giá trị thúc đẩy, lan tỏa trong thanh niên cả nước.

Anh PHẠM HỒNG SƠN (bí thư Thành đoàn TP.HCM):

Đổi mới là tất yếu

Chiến dịch tình nguyện ra đời tại TP.HCM ban đầu không nghĩ nhiều đến việc đóng góp cho phong trào chung mà chỉ là tuổi trẻ góp phần giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn của TP.HCM đang đặt ra khi ấy. Khi chúng tôi mở mũi đi tỉnh, được trung ương nhân rộng, tuổi trẻ TP.HCM ý thức hơn trong việc phải sẻ chia với những nơi còn khó khăn hơn, chia sẻ mô hình có thể nhân rộng thành phong trào chung của tuổi trẻ cả nước.

Tuổi trẻ TP.HCM tự hào vì đóng góp của mình trong thành quả chung nhưng cũng nhận thấy trách nhiệm của mình. Bây giờ là một chương trình và bốn chiến dịch tình nguyện vào hè mỗi năm nhưng sắp tới sẽ là gì, thêm cái nào, bớt cái nào rất cần được nghĩ thấu đáo. Yêu cầu đổi mới là tất yếu. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi vẫn luôn tự đòi hỏi chính mình để tình nguyện không chỉ khơi được sức trẻ mà còn phải trả lời được những câu hỏi phù hợp với thực tiễn đặt ra.

Anh NGUYỄN NGỌC VIỆT (bí thư Thành đoàn Hà Nội):

Xây dựng hình ảnh thanh niên thủ đô thời đại mới

Thực tiễn 20 năm triển khai, hoạt động tình nguyện trở thành môi trường tốt để thanh niên thủ đô rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Trung bình mỗi năm có khoảng 30.000 - 40.000 thanh niên, HSSV Hà Nội tham gia hoạt động tình nguyện với nhiều công việc ý nghĩa cho cộng đồng. Đặc biệt, từ năm 2006, chúng tôi đã có đội hình tình nguyện hoạt động tại thủ đô Vientiane (Lào), thắt chặt tình hữu nghị giữa thanh niên và người dân hai bên với nhau.

Hoạt động tình nguyện giúp phát huy tính chủ động, sáng tạo, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mỗi cơ sở, từng khối đối tượng. Qua đó, góp phần xây dựng thế hệ thanh niên thủ đô thời đại mới với 6 tiêu chí: bản lĩnh vững vàng, ứng xử văn hóa, tuân thủ pháp luật, tri thức phong phú, sức khỏe dồi dào, kỹ năng thành thạo.

HÀ THANH ghi

PGS.TS HUỲNH THÀNH ĐẠT (giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM):

Hình thành và lan tỏa giá trị nhân văn

Gắn kết, phục vụ cộng đồng là một trong những giá trị cốt lõi mà ĐH Quốc gia TP.HCM xây dựng. Cùng với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hoạt động tình nguyện của sinh viên là minh chứng tiêu biểu cho giá trị này.

Ý nghĩa thực sự của hoạt động tình nguyện mà sinh viên chúng tôi mang lại không chỉ là các công trình tại địa phương mà chính là môi trường rèn luyện lối sống, tu dưỡng đạo đức, nhân cách, góp phần hình thành và lan tỏa những giá trị nhân văn ra cộng đồng.

Đó là nền tảng để các kỹ sư, cử nhân trở thành những trí thức dấn thân, cống hiến cho đất nước khi rời khỏi giảng đường.

Ông TAN SRI LEE LAM THYE (chủ tịch Tổ chức sinh viên tình nguyện, Bộ Giáo dục đại học Malaysia):

Nhiều trải nghiệm khó quên

Chúng tôi gửi tình nguyện viên tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh tại TP.HCM để sinh viên của chúng tôi tìm hiểu quá trình thanh niên Việt Nam nhiệt tình và luôn sẵn sàng đóng góp xây dựng quê hương, quốc gia của họ. Mùa hè xanh đã dạy cho các tình nguyện viên của chúng tôi những điều cần thiết, giúp họ phân tích, xem xét vấn đề và tìm giải pháp phù hợp để giúp những người đang cần sự giúp đỡ.

Sinh viên Malaysia phải chuẩn bị, học và làm việc cùng tình nguyện viên trong một tháng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng. Đây là yếu tố quan trọng trong quá trình học tập của sinh viên chúng tôi. Các bạn học được những kỹ năng, bài học và trải nghiệm khó quên khi tham gia hoạt động tình nguyện tại TP.HCM hằng năm.

Những cái ôm, nắm tay ân cần trên đất Lào

Cô gái Trần Hà My (29 tuổi) - đoàn viên của Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM) - có lần đã không kiềm được nước mắt khi rời Attapeu (Lào). Trong 13 ngày chiến dịch tình nguyện hè tại Lào hồi tháng 7-2019 của My là lần thứ tư liên tiếp My đặt chân đến đất nước triệu voi.

"Năm nào Thành đoàn cũng tổ chức các đội hình khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho người dân Lào tại các bản làng khó khăn tỉnh Attapeu. Nơi ấy giống như là quê hương thứ hai của tôi" - My kể.

tinh nguyen he_3 2(read-only)

Các bác sĩ Kỳ nghỉ hồng khám chữa bệnh cho trẻ em Lào tại tỉnh Attapeu - Ảnh: VŨ THỦY

My nhớ như in mùa chiến dịch năm ngoái: "Hôm tổng kết cũng là hôm đập Attapeu bị vỡ. Phần lớn người dân Lào nơi chúng tôi đặt chân đến còn nghèo khó. Lúc rời đi, tôi đã hứa sẽ quay lại để xem cuộc sống của người dân sau sự cố có ổn không và được tiếp tục làm công việc khám chữa bệnh ở đây. Hôm quay lại, đường sá bằng phẳng hơn, nhiều cây cầu mới đã được xây...".

Anh Lê Hoàng Minh - trưởng ban quốc tế Thành đoàn TP.HCM, chỉ huy chiến dịch tình nguyện hè tại Lào 2019 - cũng đã có ba mùa chiến dịch ở Lào. Mùa đầu tiên trong màu áo chiến sĩ khi anh còn là sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM và hai mùa trong hai năm vừa qua trong vai trò chỉ huy trưởng.

"Các chiến dịch tình nguyện hè tại Lào đã bước sang năm thứ 16. Các chiến sĩ đến với các bản làng xa xôi làm sân chơi cho trẻ em, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân, dạy tiếng Việt, hỗ trợ xây dựng nhà hữu nghị, giao lưu với các bạn trẻ ở Lào và học hỏi lẫn nhau" - anh chia sẻ.

Anh cũng đã có những khoảnh khắc không thể nào quên trên đất Lào, là những cái ôm và giọt nước mắt của bà mẹ Lào khi nhận căn nhà hữu nghị mà Thành đoàn TP.HCM trao tặng, là cái nắm tay ân cần như người thân của những ông bố, bà mẹ người Lào...

VŨ THỦY

QUỐC LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp