Phóng to |
Chị Lê Thị Hồng Thúy bên vườn rau Việt Nam của mình - Ảnh: Thế Anh |
Vừa về đến nhà, cô lao ngay vào bếp để chuẩn bị bữa tối cho kịp giờ chồng đi làm về. Chẳng có thời gian để tiếp khách, câu chuyện giữa chúng tôi và cô được thực hiện ngay tại bếp, nơi nồng mùi kim chi. Cô phân bua: “Nếu ai nghĩ lấy chồng Hàn Quốc sẽ được nhàn hạ thì nhầm to. Qua bên này chúng tôi phải làm việc nhiều hơn người Hàn thì mới mong tồn tại được...”.
Chinh vốn là nhân viên tại một cửa hàng chuyên bán bánh đậu xanh ở Hải Dương. Chồng cô là anh Song Chung Ho, 43 tuổi, nhân viên ở Trường đại học Hankyong. Trong một chuyến du lịch năm 2003, anh tình cờ gặp cô rồi đem lòng yêu mến. Chinh kể lại chuyện tình duyên của mình: “Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ lấy chồng Hàn Quốc, tất cả như là duyên số... Khi anh ấy ghé cửa hàng tôi mua bánh, tôi cũng chỉ xem như bao người khách khác. Sau lần gặp tình cờ đó, hôm sau anh ấy quay lại rồi nhờ người phiên dịch mời tôi đi ăn cơm trưa. Tưởng chuyện đến đó rồi thôi, ai ngờ mấy tháng sau anh ấy đưa hình tôi lên một diễn đàn và nhờ người tìm địa chỉ nhà tôi. Năm sau anh ấy lại đến Việt Nam, tìm đến nhà tôi và nhất quyết đòi cưới”. Trước tình cảm của người đàn ông Hàn Quốc si tình ấy, Chinh đồng ý về làm dâu xứ Hàn từ năm 2003 đến nay.
Mời bạn đọc đón xem loạt phim Những người con xa xứ, một phóng sự thực tế về cuộc sống của người Việt trên đất nước Hàn Quốc. Phim dài 32 tập, phát sóng trên kênh HTV2 và trang truyền hình Tuổi Trẻ (tv.tuoitre.vn) lúc 19g30 từ thứ hai đến thứ tư trong tuần, bắt đầu từ ngày 17-10-2011. Phim do truyền hình báo Tuổi Trẻ và tổ hợp truyền thông đa phương tiện Đất Việt VAC phối hợp thực hiện. |
Dẫu xác định sẽ gặp khó khăn khi chấp nhận làm dâu xứ lạ, nhưng Chinh không thể nào hình dung được hết những trở ngại đang chờ cô phía trước. Cô tâm sự: “Nghĩ lại những ngày đầu mới qua mà đến giờ tôi còn nguyên cảm giác sợ hãi. Chẳng biết một từ tiếng Hàn, làm gì cũng phải nhìn thái độ chồng, mẹ chồng để phán đoán đúng sai.
Sáng phải dậy sớm cơm nước cho chồng, tối đến phải chờ mẹ chồng đi ngủ để chào mới được nghỉ ngơi. Cả năm trời tôi chỉ biết ở trong nhà, không trò chuyện, không bạn bè. Mẹ chồng thì không tin tưởng, cuộc sống vợ chồng thường xuyên lục đục do sự khác biệt văn hóa... Nhiều lần tôi từng nghĩ đến cái chết, nhưng rồi tôi nghĩ mình chỉ có một cuộc đời, phải làm một điều gì đó để các cô dâu Việt không còn bị khinh rẻ...”.
Chinh lao vào học tiếng Hàn bất kể ngày đêm. Để xóa đi những định kiến từ gia đình chồng, cô đành quên đi bản thân để chăm lo cho mẹ chồng, cho chồng từ những điều nhỏ nhặt nhất. Những đêm trái gió trở trời, cô phải thức suốt đêm bên mẹ chồng để chăm nom. Nhờ kiên trì, nhờ sự chân thành, dần dà gia đình chồng cũng thấu hiểu tấm lòng của cô. Từ đó, Chinh được gia đình chồng cho ra ngoài nhiều hơn, được tham gia những khóa học ngôn ngữ và văn hóa dành cho cô dâu. Khi ngôn ngữ đã khá hơn, cô ngỏ ý muốn thi vào trường cảnh sát.
Cô kể: “Khi tôi vừa nói đến ý định đi học thì ai cũng tròn mắt nhìn tôi. Họ chưa bao giờ tin tưởng rằng một cô dâu Việt có thể làm được điều đó. Nhưng họ càng nghi ngại tôi lại càng quyết tâm!”. Nhưng rồi chuyện học của Chinh cũng phải tạm hoãn lại ba năm để sinh con. Khi con vừa chập chững biết đi cũng là lúc cô nhận được giấy báo đậu vào trường cao đẳng cảnh sát.
Đối với người bản xứ, việc học nghề này đã khó, với cô lại càng vất vả bội phần. Chinh tâm sự: “Nhiều lần tôi đã bật khóc khi đám bạn chế nhạo vì phát âm sai. Khổ nhất là môn võ và thể lực, tôi phải tập gấp đôi, gấp ba người ta mới vượt qua được các kỳ thi!”. Không chỉ nổi tiếng về nghị lực, Chinh còn là cô dâu Việt được giới truyền thông Hàn Quốc đặc biệt quan tâm bởi sự sắc sảo và thông minh. Chinh thường xuyên xuất hiện trên truyền hình để nói với những người bản xứ về bản lĩnh của cô dâu Việt, để thổi vào hồn những người đồng hương cùng cảnh ngộ ý chí vươn lên. Chỉ còn kỳ thi cuối cùng nữa là Chinh đã có thể trở thành cô dâu Việt đầu tiên làm cảnh sát nơi xứ Hàn.
Vượt qua gió tuyết
Thành phố Suwon hiện có khoảng 400 cô dâu Việt, là nơi được nhắc đến nhiều trong cộng đồng người Việt bởi vườn rau Việt Nam của cô dâu Lê Thị Hồng Thúy. Ngày chúng tôi đến, dù tuyết phủ trắng cả cánh đồng nhưng vợ chồng chị vẫn trần mình cày cuốc trong nhà kính giữa tiết trời lạnh giá. Quê chị ở Đồng Tháp, năm nay 38 tuổi, còn chồng chị đã 65. Câu chuyện cưới hỏi giữa ông chồng người Hàn và chị cũng hết sức buồn cười, chị kể: “Khi gặp nhau ổng chẳng hỏi gì nhiều, chỉ biểu tôi xòe bàn tay ra để xem. Sau khi xem chỉ tay xong ông nói “OK”, thế là chúng tôi thành vợ thành chồng...”.
Qua Hàn với hai bàn tay trắng, chồng lại già nua, nghèo khổ nên mọi gánh nặng đều đổ lên đầu chị. Sau nhiều ngày làm lụng vất vả ở các công xưởng, chị bàn với chồng trồng rau Việt Nam để phục vụ cộng đồng người Việt đông đảo ở thành phố Ansan. Nghề nông ở quê nhà đã vất vả, ở đất Hàn lại cơ cực hơn. Mùa hè thì nắng cháy da, mùa đông thì buốt da buốt thịt! Vậy mà hằng ngày chị phải dậy từ tờ mờ sớm để chăm bón, hái rau, rồi lặn lội gõ cửa từng nhà có cô dâu Việt để bán đến tối mịt. Chị kể: “Những vụ đầu do chưa quen nên tôi gieo hạt không đúng lịch, nhiều khi rau đang mơn mởn vậy mà chỉ một đêm tuyết rơi là xem như tay trắng. Để có khách, tôi phải lặn lội khắp mọi nơi mời chào, nhiều khi phải biếu không cho họ để ăn thử...”.
Để có thêm tiền lo cho cuộc sống, lo cho con và phụ giúp gia đình còn khó khăn ở Việt Nam, những lúc rảnh rỗi chị còn gói bánh tét để kiếm thêm thu nhập. Để có được đồng lời, chị phải nhờ người nhà gửi từng tàu lá chuối từ quê nhà sang. Nhân đậu xanh thì chị lặn lội ở những khu chợ người Hoa để mua được giá rẻ. Để tiết kiệm, chị đi nhặt từng cành cây khô rồi đưa bánh ra vườn rau để nấu. Nấu xong lại lặn lội cả trăm cây số để giao hàng giữa gió tuyết. Tính ra mỗi đòn bánh tét sau khi trừ mọi chi phí chị chỉ kiếm được hơn 10.000 đồng tiền Việt. Nhưng chị gắn bó với nghề gói bánh tét như là một cách để sẻ chia nỗi nhớ nhà với những chị em làm dâu xứ Hàn. Chị tâm sự: “Nhiều chị em ở xa, đặt chỉ một đòn bánh tôi cũng làm rồi gửi theo đường bưu điện cho họ. Cái bánh ở đây không chỉ là chút quà quê, mà còn là hơi ấm giúp chị em vơi đi nỗi nhớ nhà...!”.
_______________
Phía sau câu chuyện về cô dâu Việt trên đất Hàn còn nhiều những khoảng sáng - tối, những tranh luận xã hội, nhưng con đường nào để hỗ trợ cộng đồng những cô dâu Việt cũng như những cô gái sắp trở thành cô dâu Việt ở xứ người, đó mới là điều đáng bàn nhất.
Kỳ cuối: Nẻo đường phía trước
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận