Nhiều nàng dâu về quê chồng ăn tết cũng chỉ phải phụ việc lặt vặt, đi chợ hoa xuân - Ảnh minh họa: TRẦN GIA TIẾN
Gần 12 năm làm dâu trong gia đình có 5 chị em, chồng chị Ngọc Lan (Vũng Tàu) lại là con út, nhưng chưa năm nào chị phải tất tả, bận rộn hay mệt mỏi với chuyện làm dâu mấy ngày tết như các "chị em bạn dì".
"Dù một cảnh hai quê, những ngày tết thật sự là những ngày vui trọn vẹn của gia đình tôi. Ngày 30 tết, vợ chồng tôi và hai con nhỏ về nhà bà nội đã có đồ ăn, đi chợ 30 tết với bà nội cho thêm phần không khí vui xuân. Đến tối, tất cả gia đình các chị chồng đều tụ tập về đón giao thừa. Chúng tôi chỉ ăn uống, các chị và cháu chia nhau ra dọn dẹp, rửa chén. Con dâu như tôi được miễn làm vì ở xa về sợ mệt.
Nhóm còn lại chia tụ ra đánh bài, hoặc cánh đàn ông nhâm nhi vài li rượu nói chuyện thâu đêm. Ai mệt thì lăn ra ngủ. Sáng sớm mùng 1, cả nhà ra nghĩa trang thắp nhang cho bố chồng tôi, về nhà ăn bữa cơm đầu năm, sau đó nhà ai nấy về" - chị Lan kể hành trình ăn chơi đầu năm của mình thật giản đơn và thoải mái.
Chị Lan chia sẻ, nhiều khi thấy chị thật may mắn được là dâu con trong nhà chồng chị. Trong khi một số nàng dâu khác tất tả cúng kiếng ngày hai lần, nấu ăn ngày ba bữa cho cả đại gia đình, thì với ba ngày tết của chị Lan quả là mong ước, không cúng kiếng, không nấu nướng cầu kỳ, không phải dọn dẹp, cũng chẳng phải "phục dịch" cho cả đại gia đình.
"Tôi rất quý các chị chồng, không phải vì một mình tôi là dâu mà phải lo đủ bổn phận đối với mẹ già. Tất cả chúng tôi chia đều nghĩa vụ và trách nhiệm chung. Gia đình ai có điều kiện hơn thì chăm lo cho mẹ nhiều hơn. Như chị chồng thứ 3 của tôi rất khá giả, lo cho mẹ rất nhiều, từ sức khỏe đến sinh hoạt, nhưng lễ tết hay gia đình có đám xá, chị đều là người trong bếp nấu ăn, vì chị nấu rất ngon.
Còn các việc nhỏ đến việc lớn khác, các chị cũng chẳng phải để tôi đụng tay vào, lúc nào cũng bảo ngồi chơi đi. Mẹ chồng bảo tôi cả năm vất vả, được mấy ngày lễ tết cứ thoải mái.
Hàng xóm quở trách sao để tôi ngồi chơi đánh bài với các cháu, còn mẹ chồng cứ ‘tiếp tế’ đồ ăn, mẹ tôi cũng bênh ‘đánh bài để xả stress thôi mà’. Năm nào tôi cũng tăng cân sau tết"- chị Lan cười kể mà xúc động về sự bao dung của gia đình chồng.
Còn nàng dâu trẻ Vũ Nghi (Biên Hòa) về nhà chồng được 2 năm, nhưng chưa năm nào tết là nỗi ám ảnh của chị. Nhà chồng chị là người miền Trung, cũng cúng giao thừa và các ngày đầu năm. Nhưng tất cả đều tự tay mẹ chồng chị làm. Chị chỉ phụ làm những việc vặt như cắm hoa, phụ rửa rau, rửa chén với em chồng.
"Nhiều khi mình hay đùa với em chồng là cô đừng lấy chồng nữa, ở nhà cho chị được nhờ khỏi rửa chén. Nói đùa là vậy, nhưng thật sự gia đình chồng cũng không quá hà khắc con dâu phải làm cái này cái kia đến đầu tắt mặt tối như những gì người ta vẫn hay nói về mẹ chồng người miền Trung kỹ tính" - chị Nghi nói.
Theo chị Nghi, vui nhất vẫn là những ngày chuẩn bị tết, mấy mẹ con dẫn nhau đi chợ sắm đồ, trang hoàng nhà cửa, rồi cùng nhau đi làm đẹp. Tối 29 tết, cả nhà cùng gói rồi nấu bánh tét, bánh chưng. "Ở nhà mình rất đơn giản, không phải làm mâm cúng hay gói bánh, nên khi về nhà chồng, mình lại thấy vui hơn, không khí tết nhiều hơn. Mình lại được ba chồng chỉ cho cách gói bánh, cùng chồng ngồi canh bánh ban đêm rất vui. Có năm vớt ra cái bánh tự tay mình làm mà cảm xúc lâng lâng, gọi điện khoe cả mẹ mình" - chị Nghi chia sẻ.
"Mình nghĩ ý nghĩa tết là được sum vầy, ông bà con cháu được gần gũi nhau, cùng nhau sẻ chia để gia đình thêm ấm cúng, mỗi năm lại mong tết đến, con cháu lại muốn được về quê đón tết. Đừng để để ngày vui gia đình sum họp là nỗi ám ảnh cho các nàng dâu, chỉ làm gia đình xa cách, không khí thêm nặng nề, tết chỉ là gánh nặng..." - các chị đều cùng quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận