Những lăng mộ hoành tráng ở An Bằng, Phú Vang (Thừa Thiên Huế) là cả gánh nặng cho gia đình người sống - Ảnh: Tư liệu TT
Đọc những bài viết về chuyện Đám tang thành gánh nặng gia đình người mất, khách viếng chia sẻ gì?, và Sống không được ăn, chết mới mổ heo đãi khách tôi nhận ra rằng đó là một hủ tục, nhưng thay đổi không dễ.
Có lẽ bao lâu nay chuyện khó xử của những gia đình có đám tang ai cũng biết nhưng ngại nói ra, ngại thay đổi vì sợ bị chê trách là đồ bạc tình bạc nghĩa vì làm đám tang sơ sài, đến ly rượu cũng chẳng có.
Tôi rất ngại phải ngồi ăn uống ở đám tang. Cái cảnh trong nhà thì người than kẻ khóc, khói hương nghi ngút còn ngoài sân thì ồn ào rượu thịt, thỉnh thoảng lại có tiếng cười thật sự không được hay lắm nếu không muốn nói là có hơi phản cảm.
Thật sự thì không phải gia đình nào cũng muốn làm tiệc linh đình đãi khách viếng đám ma nhưng vì cả làng cả xã đều làm như thế mà mình không làm thì ngại bị dị nghị nên dù muốn dù không cũng phải cố mà làm cho giống, dù có nhà tiền bạc chẳng dư dả gì.
"Chứng kiến cuộc chạy đua của người sống có lẽ nếu người chết có linh thiêng thì hẳn không thể ngậm cười nổi ở thế giới bên kia."
Đại Lâm
Hậu quả là cả gia chủ lẫn khách viếng đều có thêm gánh nặng tiền bạc khi mà tang gia đang phút bối rối còn khách đến viếng vì đã ăn tiệc không lẽ lại không bỏ phong bì?
Thành ra cái vòng luẩn quẩn, trả nợ miệng cứ làm cho nhiều người phải thiếu trước hụt sau vì đủ thứ tiền hiếu hỉ, đầy tháng, thôi nôi, tân gia, sinh nhật… để đến nỗi cứ nghe nhạc đám hiếu hỉ vang lên trong xóm là lại đau đầu tiền đâu mà đi?
Nhưng tiệc đãi khách viếng đám ma chưa phải là nỗi niềm khó nói duy nhất của những gia đình có người thân qua đời.
Còn có một câu chuyện khó xử không kém, đó là việc xây mộ. Vì lý do cá nhân mà sau 2 năm, Tết nay tôi mới lại ra thăm mộ ông bà. Chỉ sau 2 năm mà khu nghĩa trang của một xã vùng ven thành phố đã thay đổi một cách chóng mặt.
Trước đây, nghĩa trang chủ yếu là những ngôi mộ được xây đơn giản, có nhiều ngôi mộ đất hoặc chỉ xây cao hơn mặt đất một chút. Nhiều ngôi mộ còn có những tấm bia do gia chủ tự làm bằng cách khắc chữ lên tấm bê tông còn ướt mới làm xong.
Vậy mà nay xuất hiện nhiều ngôi mộ mới được xây to lớn, nguy nga như một căn hộ, có tường cao khoảng 3m, lợp mái tôn đỏ, ốp đá sáng bóng.
Một số ngôi mộ cũ cũng đã được sửa sang, tu bổ cho tương đương đẳng cấp với những mộ mới bên cạnh. Những ngôi mộ mới xây cạnh nhau có lẽ người sau nhìn người trước để làm nên chiều cao của mái sau chỉ có bằng hoặc hơn chứ không thua mái trước.
Đi vào nghĩa trang của xã mà cứ ngỡ như đang đi lạc vào khu nghĩa trang của dân nhà giàu nào đó.
Theo ước tính sơ sơ của tôi thì chi phí để xây 1 ngôi mộ đẳng cấp sang chảnh này chắc cũng cả trăm triệu.
Đời sống của bà con ở đây nhìn chung chỉ ở mức trung bình chứ không phải giàu có gì cho lắm, vẫn còn nhiều nhà xây cấp 4 lâu năm cũ kỹ đến bạc cả màu sơn.
Nhưng nhìn nghĩa trang xã đang được thay lớp áo đẹp tôi thấy dường như ẩn sau sự im ắng, vắng vẻ của nó là một cuộc chạy đua ngầm của thế giới người sống đang mượn người chết làm lý do.
Có ai lại nỡ để mộ ông bà mình đơn sơ, giản dị bên cạnh ngôi mộ quá lộng lẫy của hàng xóm? Dù muốn dù không, có nhiều người sẽ phải cố gắng chạy ngược chạy xuôi để có tiền xây mộ cho coi được với xóm giềng.
Nghĩ đến đó thôi là đã thấy khổ cho gia đình của người quá cố! Người Việt mình vốn coi trọng thể diện nên ít khi dám làm khác với nếp suy nghĩ, với tập quán lâu đời của quê hương vì sợ người đời khen chê, sợ bia miệng trơ trơ đến ngàn năm.
Chính sự e ngại làm không giống người khác đã đẩy nhiều người vào tình thế không làm không được mà điển hình là sự lãng phí trong ma chay, đám đình, cạnh tranh hơn thua kể cả chuyện xây mộ cho người chết.
Làm gì để đám tang vừa là thương tiếc người đã mất, đồng thời không thành gánh nặng cho gia đình? Mời bạn chia sẻ ý kiến của mình qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận