Triệu chứng của thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng - khoa A17, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho hay đây là những biểu hiện liên quan đến thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay thường gặp.
Theo bác sĩ Hùng, thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay có thể xuất hiện các dấu hiệu như đau khớp, cứng khớp, phát ra tiếng kêu lục cục tại các khớp.
Đau khớp là triệu chứng phổ biến ở người bệnh thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay. Trong giai đoạn đầu, người bệnh có cảm giác đau nhức âm ỉ, khó chịu tại các khớp.
Theo thời gian, các cơn đau trở nên trầm trọng hơn, kéo dài liên tục. Người bệnh sẽ bị đau nhói, khó thực hiện thao tác gấp/duỗi khớp ngón tay. Ngoài ra, các cơn đau khớp còn trở nặng khi thời tiết thay đổi, vận động khớp nhiều…
Người bệnh cũng có thể có biểu hiện cứng khớp. Cứng khớp khiến người bệnh khó gấp hay duỗi các khớp ngón tay. Cứng khớp thường nghiêm trọng vào buổi sáng sau khi thức dậy hay khi nghỉ ngơi, không sử dụng tay. Triệu chứng có thể thuyên giảm khi người bệnh xoa bóp các đầu ngón tay trong khoảng 5 - 10 phút.
"Người bệnh nhận thấy tiếng kêu lục cục khi cử động bàn tay, âm thanh do các đầu xương ma sát ở khớp, nơi có sụn khớp bị thoái hóa. Cùng với những triệu chứng trên, người bệnh thỉnh thoảng có cảm giác nóng ran tại các khớp bị tổn thương, nhất là khi vận động khớp. Ngoài ra, thoái hóa khớp còn làm mất tính linh hoạt của khớp", bác sĩ Hùng thông tin.
Theo bác sĩ Hùng, thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay là tình trạng xương dưới sụn, sụn khớp bàn tay, ngón tay bị mài mòn và viêm gây cứng khớp, khó vận động, dẫn tới các cơn đau nhức nghiêm trọng.
Khi bị thoái hóa nặng, hai đầu xương sẽ va vào nhau gây biến dạng khớp. Thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như tuổi tác, chấn thương, dùng bàn tay nhiều trong công việc như đánh máy, thợ máy.
Bệnh thường xảy ra trên bệnh nhân nữ hơn là bệnh nhân nam.
Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay
Theo bác sĩ Hùng, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là do lão hóa tự nhiên do tuổi tác, khi càng lớn tuổi, quá trình lão hóa tự nhiên diễn ra nhanh chóng. Thoái hóa khớp thường gặp ở người bệnh từ 55 tuổi trở lên.
Lúc này, lượng máu tới nuôi dưỡng vùng khớp giảm sút, bao khớp bị thiếu chất nhầy và dịch khớp bị khô. Tình trạng này làm tăng ma sát, sụn bị bào mòn, va chạm vào gây đau, đồng thời hình thành nhiều ổ tiêu xương nhỏ.
Thứ hai là do chấn thương, đây là một trong các nguyên nhân thường gặp làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp, nhất là những khớp ngón tay và khớp nhỏ tại bàn tay. Sau chấn thương, sự liên kết giữa những khớp xương trở nên lỏng lẻo, khớp trở nên nhạy cảm, rất dễ bị tổn thương.
Thứ ba là do tính chất công việc, những người sử dụng bàn tay nhiều khi làm việc rất dễ bị thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay.
Để chẩn đoán thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay, bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá mức độ tổn thương qua khám lâm sàng, thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như chụp X-quang, siêu âm khớp, thậm chí chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI), xét nghiệm máu.
Các khám xét này còn để phân biệt với một số bệnh lý khớp khác như: bệnh gút, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến và các bệnh tự miễn dịch khác, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh xét nghiệm máu.
Để phòng ngừa thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay, bác sĩ Hùng khuyến cáo người dân cần tránh lao động nặng trong thời gian dài mà không nghỉ ngơi xen kẽ. Khi làm việc liên tục với tay, nên cho bàn tay có thời gian nghỉ ngơi, massage nhẹ bàn tay và các ngón tay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận