Công nhân trong dây chuyền sản xuất tại một công ty cổ phần may ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hiện tại, chị Phương có thu nhập khoảng 6,5 triệu đồng/tháng.
Ngồi trong căn phòng trọ ở gần Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), chị Phương cho hay chị sinh ra trong một gia đình nhà nông. Cả ba chị em đều học hành dang dở.
"Tôi lấy chồng từ lúc 18 tuổi. Hai vợ chồng tôi dìu nhau vào Sài Gòn mưu sinh với mong muốn có đồng ra đồng vào để gửi về quê nuôi con. Vào Sài Gòn, tôi làm công nhân cho một công ty may, đến nay cũng hơn 10 năm rồi đó!" - chị Phương kể lại.
Chị nói nhờ đi làm công nhân mà chị có tiền nuôi hai con ăn học, giờ đứa lớn đã đi làm, đứa nhỏ thì sắp hết phổ thông rồi.
Theo chân chị Phương, hai người em gái của chị cũng đi làm công nhân may từ nhiều năm nay. "Ở quê làm ruộng mà ruộng nhà có mấy sào, tới mùa thì trồng lúa, hết mùa ở không, thôi thì vào Sài Gòn đi làm công nhân, ít ra hằng tháng còn có lương chứ ở quê lấy gì mà sống" - chị Nguyễn Thị Trâm, em chị Phương, chia sẻ.
Quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất ở khu vực TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, công nhân đa số là người dân vùng nông thôn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây đến làm việc.
Dáng người thấp bé, vẻ mặt mang đậm nét khắc khổ của một người từng lam lũ trên ruộng đồng, chị Huỳnh Thị Bé (40 tuổi, quê Quảng Ngãi), công nhân Nhà máy sản xuất giày thể thao xuất khẩu Duy Hưng (Khu công nghiệp Sóng Thần), chia sẻ: "Ở quê làm ruộng không đủ sống. Tôi để hai con lại cho chồng chăm sóc, tôi vào trong này làm công nhân cũng 3 năm nay rồi. Nói chung là đi làm công nhân có lương hằng tháng đều đặn.
Cố gắng chi tiêu tiện tặn, mỗi tháng có dư được ít tiền gửi về quê phụ chồng. Mỗi năm, chỉ có dịp giỗ hay tết thì tôi mới tranh thủ về thăm gia đình".
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Có các chế độ phúc lợi
Khảo sát nhanh một số công nhân tại các khu công nghiệp như Linh Trung 1, Sóng Thần, Bình Đường... cho thấy phần lớn chọn đi làm vì có các chế độ phúc lợi như bảo hiểm, phụ cấp các loại: thai sản, nhà trọ, thưởng lễ, tết...
Chị Nguyễn Thị Nga, 27 tuổi, công nhân Công ty CP dệt may Liên Phương (Q.9), chia sẻ đi làm công nhân có hợp đồng lao động, có nhiều chế độ phúc lợi. "Tuy làm công nhân thu nhập không cao bằng một số việc bên ngoài nhưng có tính ổn định lâu dài" - chị Nga nói.
Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh một trường CĐ tại TP.HCM, trong thời gian chờ xin việc đúng chuyên ngành, chị Hồ Thị Bé (quê Bến Tre) đi làm công nhân tại Công ty TNHH Golden Hill VN (Q.9). Nói làm tạm nhưng rồi chị bén duyên với nó đến nay đã 4 năm.
"Trước đây tôi đi tìm những công ty tuyển đúng ngành học, nộp 3 nơi nhưng chờ hoài không thấy họ gọi phỏng vấn. Tôi nộp hồ sơ làm công nhân thì được nhận vào ngay và ký hợp đồng lao động với nhiều chế độ đãi ngộ. Giờ thì mỗi tháng thu nhập của tôi hơn 6 triệu đồng" - chị Bé chia sẻ.
Doanh nghiệp nào quan tâm nhiều đến các phúc lợi thì thu hút người lao động nhiều hơn
Ông TRẦN ANH TUẤN (phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM)
Mời tham gia diễn đàn
Hưởng ứng Tháng công nhân năm 2018, báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn mang tên "Nâng chất đời sống công nhân" với mong muốn nhận được nhiều ý kiến, giải pháp, đề xuất, hiến kế từ bạn đọc để giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ công nhân lao động trên cả nước.
Diễn đàn cũng là nơi để người công nhân nói về cuộc sống mình, những trăn trở, suy tư và những mong muốn của họ. Mọi ý kiến đóng góp cho diễn đàn xin gửi về địa chỉ email: [email protected].
Khuyến khích công nhân sáng tạo
Một thợ trẻ đặt câu hỏi tại diễn đàn “Thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong thanh niên công nhân” - Ảnh: H.THANH
Sáng 13-5, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Lao động - thương binh và xã hội tổ chức diễn đàn "Thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong thanh niên công nhân", trong khuôn khổ giải thưởng "Người thợ trẻ giỏi" năm 2018.
Diễn đàn bàn về các mô hình, giải pháp sáng tạo được áp dụng ở đơn vị và đề xuất mô hình sáng tạo hay; giải pháp và vai trò của Đoàn nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong thanh niên công nhân.
Tại diễn đàn, ông Lê Quân, thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, nhấn mạnh doanh nghiệp muốn người lao động sáng tạo cần phải có cơ chế, tạo môi trường huy động sáng tạo.
Thợ trẻ giỏi Phan Văn Hồng Thắng - Công ty CP thép tấm lá Thống Nhất, Tổng công ty Thép Việt Nam - đặt câu hỏi về giải pháp của Trung ương Đoàn và Bộ Lao động - thương binh và xã hội để sinh viên trường nghề hiện nay được tăng cường kiến thức thực tiễn và ý tưởng sáng tạo của sinh viên giỏi được kết nối với doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến mong mỏi được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ hay có một trang web, group như "Ngân hàng sáng kiến" tập hợp các ý tưởng sáng tạo để thanh niên học hỏi lẫn nhau.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, bí thư thường trực Trung ương Đoàn, cho biết Trung ương Đoàn xác định 4 nhóm giải pháp thúc đẩy hoạt động sáng tạo. Đó là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, trang bị kiến thức cho thanh niên và cán bộ Đoàn để làm cầu nối giữa người sử dụng sáng kiến và người có sáng kiến; bản demo của "Ngân hàng sáng tạo" (http://ytuongsangtao.net/) đang hoàn thiện để chạy trên các thiết bị, cụ thể hóa hoàn thành chỉ tiêu 5 triệu ý tưởng sáng tạo trong 5 năm; triển khai nhiều cuộc thi về ý tưởng sáng tạo trong các khối đối tượng; tạo môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo, có chính sách khen thưởng, hỗ trợ tư vấn pháp luật.
HÀ THANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận