17/03/2016 09:35 GMT+7

Làm chính trị phải “cool”!

VIỄN SỰ thực hiện (viensu@tuoitre.com.vn)
VIỄN SỰ thực hiện ([email protected])

TT - TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ - giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế (SCIS), Đại học KHXH & NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) nói như vậy khi trò chuyện về “người trẻ và chính trị”.

TS Trương Minh Huy Vũ - Ảnh: Thuận Thắng
TS Trương Minh Huy Vũ - Ảnh: Thuận Thắng

* Cool? Một thuật ngữ rất lạ trong chính trị nhưng rất gần gũi?

- Đúng vậy! Đừng nghĩ chính trị là cái gì đó nặng nề quá, chính trị cũng là việc mà làm cho người khác vui hơn, cuộc sống ý nghĩa và đáng sống hơn thì người ta sẽ theo.

Chính trị là phải “cool”! “Cool” không phải là đi nhảy, múa hát như ca sĩ nhạc rock, rap mà đơn giản là sự lôi cuốn. Như vậy vấn đề của chính sách là phải sát sườn nhưng cách thức thể hiện phải làm cho người ta cảm giác là chính sách đó vừa có ý nghĩa vừa tạo hứng khởi.

Cho nên Nhà nước nên lập luật cho bạn trẻ chơi trong “sân chơi chính trị” và cùng chơi với họ, chứ đừng nói là quản lý họ.

Trên căn bản, việc giới trẻ quan tâm đến chính trị cũng không có gì mới mà chính là những chuyện gần gũi: thuế, cây xanh, nhà cửa, học phí, vé xe buýt, kẹt xe... Đó là những câu chuyện sát sườn mà ai cũng quan tâm cả.

Nhà nước phải làm sao để những người trẻ quan tâm đến chính trị có một sân chơi hợp pháp và hãy chơi cùng với họ. Lập ra luật để họ chơi, thay vì cấm đoán hay kiểm soát sẽ không bao giờ có hiệu quả.

Người trẻ bây giờ quan tâm chính trị hơn nhiều so với trước vì họ đang sống trong một không gian mở về thông tin. Không nên nghĩ rằng bạn trẻ quan tâm đến chính trị là phải theo Đoàn, Đảng hay cơ quan nhà nước nào đó mà bất kỳ việc làm nào - dù là tự phát có tác động - hưởng ứng chính sách đều có thể gọi là tham gia chính trị.

Vấn đề là các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan chính quyền có những cách thức đủ “cool” - lôi cuốn, hấp dẫn các bạn trẻ vào hoạt động chính trị hay không.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ

* Trong vài năm gần đây, mối quan tâm của người trẻ về chính trị dường như có sự chuyển biến rõ rệt, chẳng hạn với Đại hội Đảng, họp Quốc hội hay bầu cử... Theo anh, điều này nằm trong một chuyển biến chung của xã hội hay do lớp trẻ Việt Nam đang có sự thay đổi riêng biệt?

- Tôi nghĩ cả hai. Trước đây, các bạn trẻ Việt Nam sống trong môi trường hạn chế hơn về phương tiện liên lạc. Họ khó có thể nói chuyện chính trị ở tầm quốc gia, quốc tế được mà chỉ có thể nói chuyện lòng vòng quanh “làng” hay trong nhà ngoài phố. Nhưng Internet và sự tương tác thông tin đang thay đổi luật chơi.

Không những đóng vai trò cung cấp thông tin và kiến thức, Internet và các phương tiện tương tác còn mở rộng tầm nhận thức ra xa hơn phạm vi mỗi người đang sống. Từ đó họ có sự so sánh, hình dung. Chính trị chỉ trở thành một vấn đề khi người ta hiểu và luôn có sự so sánh. Thời chưa có Internet thì các hình dung chỉ tăng tốc ở cấp số cộng, thời này là ở cấp số nhân.

Cho nên việc tuyên truyền chính trị cũng phải thay đổi, cách thức làm đã khác đi nhiều và phải tiếp tục điều chỉnh để thích nghi. Bởi vì không thể nói điều người ta biết rồi, cũng không thể nói khác đi, các bạn trẻ sẽ dễ dàng kiểm tra và đối chiếu. Những nỗ lực để tiếp cận giới trẻ gần đây của các cơ quan nhà nước, chính phủ thể hiện rõ xu thế đó.

Còn việc giới trẻ quan tâm hơn đến chính trị là do sự tương tác nhiều thứ. Nếu phân tích kỹ giới trẻ quan tâm gì trong chính trị thì bức tranh tuy đa dạng nhưng luôn có điểm nhấn.

Ở cấp độ vĩ mô là vấn đề biển đảo, các hành động của Trung Quốc đe dọa chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ở cấp độ vi mô là vấn đề rất địa phương như chặt cây xanh ở Hà Nội, xây tượng đài trăm tỉ ở các địa phương...

*Anh vừa nói đến chuyện cây xanh, tôi nhớ khi có dự định chặt hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng (TP.HCM) để xây cầu Thủ Thiêm 2, có những bạn trẻ đã dán những mảnh ruybăng màu vàng lên thân cây, bày tỏ mong muốn hàng cây được giữ lại. Như vậy chuyện chính trị càng gần gũi thì người trẻ càng dễ thẩm thấu và quan tâm?

- Vâng, đó là chuyện thường ngày trong mỗi người. Các chính trị gia đi ứng cử tổng thống hay thủ tướng ở Mỹ, châu Âu khi đến địa phương nào đó đều cố gắng “biến mình” thành người của vùng đó, họ nhớ tên những người đối thoại nhiều nhất có thể và luôn đề cập đến trường hợp nào liên quan đến vấn đề địa phương, từ đó khái quát lên thành chính sách vĩ mô, gần gũi, điển hình, đi vào lòng người.

Chính trị là phương thức huy động và tập hợp mọi người bằng mọi con đường và phương tiện (hợp pháp). Chẳng hạn vừa rồi trên Facebook có chương trình Công lý cho Toàn (một bạn trẻ qua đời sau khi mổ dây chằng gối với nhiều khuất tất về nguyên do tử vong) tạo nên nhiều quan tâm và ủng hộ.

Nhà nước phải chơi cùng với người trẻ

* Dường như trong lòng giới trẻ vẫn có hai khía cạnh chính trị tách biệt, một khía cạnh chính trị rất “cool”, rất gần gũi. Nhưng vẫn còn khía cạnh khác là những bạn trẻ đang giữ nòng cốt trong tổ chức Đoàn, Đảng, chính quyền và mối quan tâm, sự tiếp cận về chính trị của họ là có khoảng cách với khái niệm chính trị như anh nói?

- Theo tôi thì không phải là khoảng cách, cả hai nhóm - các bạn trẻ sinh hoạt trong tổ chức Đoàn và nhóm không nằm trong tổ chức Đoàn - họ cùng có một mục tiêu nhưng khác cách tiếp cận, vị trí và cơ chế.

Một bạn trẻ trong tổ chức Đoàn thì không thể nào rần rần chạy ra đường treo bảng đòi bảo vệ môi trường, ủng hộ chống chặt cây, mà phải thông qua các chương trình chính thống như Mùa hè xanh, Chủ nhật hồng...

Vấn đề đặt ra là cách thức đó có còn hiệu quả, có còn có sức hút và quan trọng là có còn tập hợp được lực lượng hay không. Nếu các cơ sở đoàn thể, không chỉ là Đoàn mà các đơn vị khác nhìn nhận rằng cách thức tập hợp lực lượng hiện tại đang chậm nhịp, chưa hiệu quả thì cần phải điều chỉnh và thích nghi.

Không có cách thức nào sai hay đúng mà chỉ có “chạm” hay không “chạm” vào được giới trẻ. Chúng ta không nên phán xét rằng người trẻ không còn niềm tin hay hào hứng với tinh thần cách mạng. Hai chuyện đó khác nhau. Nhưng có một số việc người trẻ nghĩ rằng phải làm sao “cool” hơn, vui hơn, hấp dẫn hơn để lôi cuốn nhiều người khác tham gia.

* Mối quan tâm về chính trị của người trẻ trong những năm qua có những chuyển biến nhưng có vẻ vẫn chưa thu hút tối đa các bạn trẻ vào các hoạt động chính trị, chẳng hạn những người trẻ ra ứng cử Quốc hội hay HĐND là rất hạn hữu?

- Đừng đơn giản hóa việc làm chính trị là phải tranh cử. Tranh cử hoặc làm trong cơ quan nhà nước chỉ là một hình thức để tham gia quá trình hoạch định chính sách hay tham gia chính trị. Ở Việt Nam, mặc dù đây là hình thức quan trọng nhưng đó không phải là duy nhất.

Còn nhiều cách thức khác: viết báo, giảng dạy, làm khoa học, doanh nghiệp xã hội, lãnh đạo cộng đồng... đều là những hình thức tham gia chính trị. Họ có thể ngồi ở bất kỳ đâu đó nhưng vẫn có hoạt động tạo ra sự tương tác đến cộng đồng và chính sách.

Các bạn trẻ có rất nhiều ý tưởng, vẽ tranh, chạy bộ, làm nhạc, tổ chức các hoạt động xã hội. Họ có năng lượng cần được tiêu thụ và tiêu thụ cho cộng đồng. Những người trẻ đó tham gia chính trị không thông qua hệ thống chính trị mà họ có cộng đồng, có “cử tri” riêng của mình.

Điều quan trọng là Nhà nước giúp họ có một sân chơi hợp pháp và tham gia vào như một tác nhân cùng tương tác.

Chính trị cần trí tuệ

*Như vậy để người trẻ và số đông dân chúng quan tâm, góp sức vào các vấn đề chính trị thì phải “mềm hóa” các vấn đề chính trị, đưa chính trị gần gũi hơn?

- Tùy vấn đề. Chính trị vốn là chuyện vừa phức tạp nhưng cũng vừa đơn giản. Có những vấn đề cần được “phân giải” cho gần gũi hơn. Nhưng có những vấn đề cần phải ý thức được sự phức tạp và đa chiều của nó.

Tôi ví dụ năm 2014 khi sự kiện giàn khoan 981 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cuộc tranh luận Việt Nam có nên kiện Trung Quốc như Philippines hay không diễn ra gay gắt. Đa số ý kiến trên mạng kêu gọi Việt Nam cần theo chân Philippines đưa Trung Quốc ra tòa án để đòi lại chủ quyền biển đảo. Những ý kiến này rất đáng trân trọng về mặt tâm huyết nhưng lại đơn giản hóa về mặt vấn đề.

Philippines không kiện Trung Quốc cái “sổ đỏ” liên quan đến chủ quyền biển đảo mà tập trung vào việc yêu cầu Tòa trọng tài diễn dịch công ước Luật biển, trong đó cả Trung Quốc lẫn Philippines đều là thành viên.

Philippines nhờ trọng tài đưa ra một lý giải về những điều mà Trung Quốc đang tự diễn dịch, chứ không phải là chuyện đòi lại chủ quyền như đại đa số dư luận vẫn hiểu. Lãnh đạo Việt Nam có thể đang suy tính để tìm một cách tiếp cận phù hợp, có thể nói họ vẫn còn cân nhắc, nhưng không thể đánh giá việc không theo chân Philippines là yếu đuối và thiếu tự tin (ít nhất về mặt pháp lý).

Ví dụ đó để thấy chính trị là một vấn đề rất gần gũi nhưng để tham gia được thì cần phải nghiên cứu và đào sâu. Học và nghiên cứu ở đây không phải là tìm kiếm bằng cấp giáo sư hay tiến sĩ mà cần tìm hiểu để rõ vấn đề, lăn lộn để vỡ ra cùng nó.

Trong thời đại thông tin ngày càng minh bạch hóa, mọi ý kiến sẽ được sàng lọc và lựa chọn. Một dòng quan điểm theo đuổi cực đoan, đơn giản hóa sự vụ có thể lôi kéo số đông trong ít phút nhưng không thể lâu dài. Tự nó - với thời gian - sẽ bị các dòng ý kiến khác đào thải khỏi xu hướng chủ lưu.

VIỄN SỰ thực hiện ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp