15/12/2011 11:47 GMT+7

Lắm chiêu khuyến mãi

TRẦN VŨ NGHI - N.BÌNH
TRẦN VŨ NGHI - N.BÌNH

TT - Cuối năm, nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ... liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi. Thế nhưng, do sức mua thấp so với mọi năm nên nhiều nhà bán lẻ, nhà kinh doanh phải tung đủ “chiêu” lách khuyến mãi để kéo khách.

3StXukx0.jpgPhóng to

Các doanh nghiệp liên tục đưa ra chiêu khuyến mãi trong những tháng cuối năm - Ảnh: T.T.D.

Người tiêu dùng thường cho rằng khuyến mãi chính là dịp để họ có cơ hội mua hàng giá rẻ nhưng không hề biết mình đang bị móc hầu bao nhiều hơn thế.

Giảm... giảm nữa!

Chị Kim Lan, nhân viên văn phòng ở Q.1, TP.HCM, cho biết hồi đầu tháng 12 nhận được tin nhắn giảm giá mạnh của một nhãn hiệu thời trang ưa thích trên đường Đồng Khởi (Q.1), nhiều mặt hàng giảm đến 30-50%. Với suy nghĩ đi sớm sẽ lựa chọn được hàng đẹp, trong ngày đầu tiên giảm giá chị Lan và đồng nghiệp cùng hàng chục người khác đã chen chúc ở cửa hàng, cật lực chọn, ướm thử và rinh về những chiếc áo hàng hiệu giá không dưới 2 triệu đồng/chiếc.

Một tuần sau, chị Lan tiếp tục nhận được tin nhắn thông báo khuyến mãi, lần này khách sẽ được “giảm thêm 20%” cho mức giảm cũ, tổng cộng nhiều mặt hàng sẽ được giảm 70% với lý do: vào mùa mua sắm cao điểm, mừng giáng sinh và năm mới. Quay trở lại cửa hàng, chị Lan hụt hẫng khi cầm chiếc áo từ 2,5 triệu đồng “bỗng nhiên” còn 1,9 triệu. “Sao nghi ngờ được khi tận mắt mình chứng kiến người ta giảm giá, tận tay mình sờ, ai lừa được nhau chỗ nào đâu mà ngờ vực?”, chị Lan bức xúc.

Theo kinh nghiệm của những người rành mua sắm, mặt hàng thời trang luôn nằm trong nhóm khuyến mãi có sức hấp dẫn cao và dễ lời nhất do chất lượng rất nhập nhằng. Dọc con đường Hai Bà Trưng (Q.3), Nguyễn Trãi (Q.5) rợp đầy các loại băngrôn ghi mức giảm giá 30-50-70%, “xả hàng tết giảm đến 50%”, “giảm giá cuối năm”... nhưng khi ghé vào cửa hàng, nhóm giảm giá chỉ xếp một nhúm nhỏ, mẫu mã lèo tèo, chất lượng kém.

Thậm chí như cửa hàng thời trang B. trên đường Hai Bà Trưng (Q.3) hàng giảm giá là những mặt hàng hết size, lỗi thời, hàng xuống chất do trưng bày được tập hợp từ các điểm bán khác.

Khuyến mãi “đồng giá”

Trong khi đó ở nhóm hàng điện máy, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng nhất hiện nay vẫn là mặt hàng LCD, trong đó có ít nhất bốn trung tâm là Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn và Ideas đều đồng loạt giảm cho sản phẩm LCD Sony 32BX320. Có điều, dù mỗi nơi đều có một tên gọi khác nhau cho việc giảm giá, như Nguyễn Kim thì dùng cụm từ “giá tài trợ”, Thiên Hòa dùng “giá cảm ơn”, Ideas dùng “giảm 20%” nhưng tất cả đều đưa ra mức giảm từ 8,7 triệu đồng xuống còn 6,9 triệu đồng/máy, đồng thời tặng kèm bộ đồ ăn bằng sứ trị giá 500.000 đồng!

Lý giải về hiện tượng này, ông Đ. - một nhà bán lẻ hàng điện máy có quy mô lớn hiện nay - thừa nhận bản thân các nhà sản xuất cũng muốn “đẩy” hàng đi nên sau khi chiết khấu một tỉ lệ nhất định cho nhà bán lẻ, họ còn khống chế cả mức giá sàn để tránh tình trạng các trung tâm phá giá lẫn nhau. Theo ông Đ., với mức giá nói trên, các trung tâm bán lẻ vẫn còn lời “dù tỉ lệ ở mức thấp hơn trước rất nhiều, tối đa 50.000-100.000 đồng/sản phẩm”.

Không chỉ quần áo thời trang, điện máy mà ngay cả rau củ quả, gạo... đều nằm trong diện khuyến mãi của nhà kinh doanh, miễn là có thể hút càng nhiều khách đến mua sắm càng tốt. Bà Tú (Q.11) cho biết gần đây thường xuyên ghé siêu thị mua thịt, cá, rau củ do siêu thị hay giảm giá những mặt hàng này.

Cũng từ những lần ghé siêu thị, bà tranh thủ chọn mua thêm mắm muối, đồ dùng gia đình... dù những mặt hàng này đắt hơn bên ngoài từ vài trăm đến cả ngàn đồng. Nỗi lo về tính toán bữa cơm sao cho tiết kiệm nhất khiến nhiều bà nội trợ vô tình “rơi bẫy” siêu thị.

Giám đốc một siêu thị thừa nhận khác với mọi năm, chương trình khuyến mãi hiện nay không còn tập trung vào mặt hàng gia dụng, làm đẹp mà đánh mạnh vào nhóm thiết yếu, thực phẩm tươi sống gắn với bữa cơm hằng ngày. Thực tế lợi nhuận ngành thực phẩm không cao nhưng được xem như một chiêu hút khách của các siêu thị trong thời buổi cạnh tranh về dịch vụ, giá cả ngày càng khốc liệt.

“Thả săn sắt, bắt cá rô”

Phụ trách kinh doanh một trung tâm điện máy tiết lộ việc lôi kéo khách hàng đến mua hàng trong bối cảnh nguồn tài chính bị eo hẹp như hiện nay không đơn giản chút nào. “Chúng tôi phải tạo cho người tiêu dùng cảm giác rất nhiều sản phẩm được giảm giá, dù số lượng, chủng loại sản phẩm thực chất giảm không nhiều như công bố, vì nếu họ không mua cái này thì biết đâu lại chọn mua cái khác”, ông này nói.

Điều này cũng khá đúng với thực tế khi trong danh mục khuyến mãi của các trung tâm điện máy hiện nay, số sản phẩm khuyến mãi chỉ dao động vài chục sản phẩm (của vài nhóm ngành hàng) nhưng băngrôn treo đập vào mắt người tiêu dùng rất “kêu” với hàng loạt cụm từ “giảm giá sốc nhất chưa từng có”, “giá giảm bứt phá”, “Big Sale - Big Bang”... Cho nên mới có chuyện không ít người tiêu dùng lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” vì cái họ cần mua không giảm giá, trong khi cái đang giảm giá lại không đủ hấp dẫn để họ rút “hầu bao”.

Chưa kể tình trạng nhân viên bán hàng luôn đưa ra thông báo “hàng vừa hết”, “hàng chưa về kịp” và nhiệt tình hướng dẫn khách chuyển sang tìm hiểu sản phẩm cùng chủng loại, tính năng nhưng giá không giảm, khiến không ít người tiêu dùng bực mình.

Rầm rộ khuyến mãi nhất và đều đặn nhất có lẽ là các siêu thị. Tháng nào các siêu thị cũng có chương trình khuyến mãi, hết khuyến mãi mừng sinh nhật đến khuyến mãi mùa hè, khuyến mãi dịp ngày quốc tế thiếu nhi, khuyến mãi năm học mới, thậm chí TP.HCM với đặc thù thời tiết nóng quanh năm nhưng có siêu thị lại thực hiện khuyến mãi “mùa đông ấm áp”.

Thực tế cho thấy lượng người đến mua sắm tại các trung tâm điện máy, siêu thị trong khoảng thời gian khuyến mãi chủ yếu chỉ để xem, “còn mua thì không bao nhiêu vì tài chính ai cũng eo hẹp”, một nhân viên bán hàng của trung tâm H nhận xét.

Hà Nội: khuyến mãi nhưng vẫn đắt

wV62vlX1.jpgPhóng to
Mặt hàng quần áo thường có mức giảm khủng nhất nhưng giá cả, chất lượng lập lờ - Ảnh: T.T.D.

Tại Hà Nội, nhiều sản phẩm khuyến mãi ở các siêu thị chỉ rẻ hơn hoặc bằng, thậm chí đắt hơn những nơi chưa khuyến mãi.

Tại siêu thị điện máy Pico trên đường Nguyễn Trãi, các dòng sản phẩm khuyến mãi nhiều nhất là tivi, tủ lạnh, máy giặt. Một chiếc tủ lạnh của Hãng Sharp có mã SJ 195SSL giá đặc biệt 4.990.000 đồng/chiếc, nhưng khi so sánh giá tại cửa hàng điện máy Hùng Sơn vẫn đắt hơn gần 400.000 đồng. Hay chiếc tủ lạnh của Hãng Sanyo SR11NMH, dung tích 110 lít giá khuyến mãi là 3,79 triệu đồng/chiếc nhưng tại một số cửa hàng bán lẻ mức giá cũng chỉ khoảng 3,7-3,8 triệu đồng.

Tại siêu thị Big C Thăng Long, nồi cơm điện của Hãng Sharp mã KS-1802V có giá khuyến mãi 799.000 đồng/chiếc tặng sáu bát sứ, trong khi giá bán lẻ tại một số cửa hàng dao động từ 700.000-730.000 đồng/chiếc. Máy xay ép thực phẩm đa năng của Hãng Magic Bullet tại siêu thị Big C có giá khuyến mãi 1,69 triệu/bộ tặng hộp chứa thực phẩm Wow trị giá 375.000 đồng, nhưng so với giá bán lẻ (980.000 đồng/bộ) tại cửa hàng Dũng Yến, đường Cầu Giấy thì vẫn đắt hơn. Hay tivi LCD Sony 40BX420 giá khuyến mãi 11,290 triệu đồng/chiếc, tuy nhiên khi so với giá của Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Hoàng Hải ở đường Hai Bà Trưng (có giá 9,9 triệu đồng) thì tại Big C vẫn đắt hơn 1 triệu đồng.

Lý giải của các siêu thị khi giá các sản phẩm khuyến mãi nhưng cũng chỉ bằng giá bên ngoài thường là do nhiều dịch vụ đi kèm để chăm sóc khách hàng như vận chuyện lắp đặt, bảo hành sửa chữa, chi phí mặt bằng...

TRẦN VŨ NGHI - N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp