Sáng 29-4, trong lúc Thủ tướng Phạm Minh Chính đang phát biểu tại lễ khánh thành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, hàng dài xe đã nối đuôi nhau trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và quốc lộ 1 ở Đồng Nai để chờ thời khắc lăn bánh vào cao tốc mới này.
Việc này cũng dễ hiểu bởi trong khoảng thập niên qua, quốc lộ 1 từ Đồng Nai đến Bình Thuận song song với cao tốc này luôn là nỗi khiếp đảm của giới tài xế bởi tình trạng kẹt đường, tai nạn kinh hoàng, xe cộ chèn ép nhau. Đoạn đường chưa đầy 200km nhưng phải mất 5 giờ đồng hồ di chuyển.
Nay có cao tốc mới, mọi bực dọc như xua tan hết. Tài xế lái xe bon bon, thời gian lẫn quãng đường rút ngắn một nửa. Quốc lộ 1 được giảm tải, người dân hai bên đường cũng nhẹ nhõm…
Cao tốc mới này như "sải tay" dang rộng thêm để đưa TP.HCM xích lại gần hơn phố biển du lịch Phan Thiết và các tỉnh duyên hải miền Trung. Cao tốc này còn là dự án hạ tầng trục Bắc - Nam đầu tiên liền mạch với nhau, tức kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ở vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Người dân có thêm lựa chọn du lịch, nghỉ ngơi mỗi dịp cuối tuần, hàng hóa lưu thông nhanh hơn, động lực phát triển mới hình thành từ đây. Sẽ là hoàn hảo hơn nếu tất cả các hạng mục của dự án hoàn thiện dịp lễ vừa qua như: nút giao, đường gom dân sinh, hệ thống an toàn giao thông…
Quay ngược quá trình làm dự án, có lúc tưởng chừng nhiều nhà thầu phải buông xuôi vì tình hình dịch bệnh căng thẳng, bão giá vượt tầm kiểm soát, thời tiết cực đoan kéo dài… Nhiều nhà thầu trải lòng nếu buông ngay từ sớm sẽ không lỗ thêm.
Hơn nữa, đây là dự án cao tốc hiếm hoi khi thời gian hoàn thành trong vòng 24 tháng, trong khi dự án khác ít nhất 36 tháng. Nếu trừ đi thời gian hoàn thiện các thủ tục cấp phép khai thác đất đắp, xếp hàng mua dầu, bớt dịch bệnh… thì dự án gói gọn khoảng một năm thi công.
Có thể thấy rõ sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ, các cấp bộ ngành trung ương và địa phương với dự án này. Điển hình là phong trào thi đua "120 ngày đêm trên công trường" mà Bộ Giao thông vận tải phát động để đốc thúc các nhà thầu quyết tâm thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022.
Rồi những chuyến vi hành liên tục từ các thứ trưởng đến bộ trưởng. Có lúc bộ trưởng phải gay gắt, "dọa" cách chức các cán bộ điều hành, loại những nhà thầu yếu kém ra khỏi dự án vì sốt ruột với kiểu thi công cầm chừng.
Vượt qua hằng hà khó khăn, các đơn vị đã phấn đấu hoàn thành mục tiêu thông xe kỹ thuật. Nhưng mọi việc đâu lại vào đấy khi thời điểm kết thúc Tết Nguyên đán 2023, công trường tiếp tục ì ạch, nguy cơ không thể khai thác dịp lễ vừa qua.
Nếu không sát sao hơn nữa, có lẽ dự án sẽ không đạt tiến độ như vậy. Các nhà thầu thi công đến "phút 90" thừa nhận nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, áp đặt các mốc mục tiêu như vậy thì dự án còn lâu mới xong.
Cao tốc hình thành sẽ tạo ra một không gian phát triển mới, khu kinh tế mới, khu công nghiệp mới, khu đô thị mới… Nói rộng thêm, hạ tầng hoàn thiện sẽ thay đổi bộ mặt địa phương và tương lai đất nước.
Nhiệm vụ làm cao tốc giai đoạn tới rất nặng nề khi phải hoàn thành công việc gấp 4 lần so với 20 năm qua, để đến năm 2025 thông suốt từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến đất mũi Cà Mau.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng mọi khó khăn cỡ nào cũng vượt qua nếu từng đơn vị cùng bắt tay vào làm quyết liệt, không đùn đẩy né tránh trách nhiệm.
Đã một lần "vượt nắng - thắng mưa - vượt qua đại dịch, bão giá" như Thủ tướng từng nói thì không cớ gì mục tiêu như vậy không hoàn thành. Làm cao tốc phải thần tốc hơn nữa…
Mong những quyết sách gỡ khó
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thông xe thật sự là tin vui lớn trong đợt lễ này. Từ đây mở ra bao nhiêu hy vọng giao thương, phát triển du lịch Bình Thuận, Ninh Thuận khi quãng đường và thời gian từ TP.HCM đến đây đã gần, thật gần. Mong đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng sớm hoàn thành với quyết tâm cao như vậy. Và trong tương lai gần Việt Nam sẽ có thêm hàng nghìn km đường cao tốc.
Mong chờ nhất là những quyết sách từ trung ương tháo gỡ khó khăn cho những dự án cao tốc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để kết nối giao thương mạnh hơn nữa giữa miền Tây Nam Bộ và các tỉnh thành kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bạn đọc PHƯƠNG NGA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận