17/04/2013 07:15 GMT+7

Lắm cảng nhưng chẳng có hàng

CHÍ QUỐC - ĐỨC VỊNH
CHÍ QUỐC - ĐỨC VỊNH

TT - Hàng chục cảng lớn đã được đầu tư nhưng các doanh nghiệp tại khu vực ĐBSCL khi xuất khẩu hàng hóa vẫn phải vận chuyển lên cảng Cát Lái, TP.HCM.

6M1Lhyxp.jpgPhóng to
Cảng Mỹ Thới, An Giang - Ảnh: Đức Vịnh

Theo báo cáo của Cảng vụ hàng hải Cần Thơ, 15 bến cảng tại ĐBSCL hiện nay khai thác chưa đến 50% công suất, trong đó nhiều cảng hoạt động cầm chừng.

Cảng trống vắng

Theo Cảng vụ hàng hải Cần Thơ, lượng hàng hóa qua cảng trong các năm qua rất thấp. Năm 2010 là 1,2 triệu tấn, năm 2011 được 1,4 triệu tấn và năm 2012 là 773.000 tấn. Tại cảng Trà Nóc - chuyên về xuất nhập khẩu lương thực, tổng lượng hàng hóa trong năm 2012 chỉ hơn 1,1 triệu tấn và kế hoạch năm 2013 là 1,2 triệu tấn. Theo lãnh đạo cảng Trà Nóc, lượng hàng hóa qua cảng mỗi tháng hơn 100.000 tấn, chủ yếu là ximăng, sắt thép được vận chuyển bằng sà lan. Trong tháng 3-2013 chỉ có ba tàu chở gạo cập cảng nhưng không tàu nào trên 4.000 tấn.

Tháng 5-2011, Công ty cổ phần vận tải thủy Tân Cảng (thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) ký hợp đồng với Đồng Tháp thuê hai cảng Cao Lãnh và Sa Đéc trong vòng 20 năm với giá 450 triệu đồng trong năm đầu, từ năm thứ hai trở đi là 500 triệu đồng/năm. Trước đó, từ tháng 8-2007, hai cảng này được Công ty TNHH MTV vận tải Shipmarin thuê trong vòng mười năm nhưng khai thác không hiệu quả nên trả lại cho địa phương này.

Ông Lê Hoàng Linh - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần vận tải thủy Tân Cảng - cho biết với việc thuê lại hai cảng này, công ty đặt mục tiêu phát triển thị trường vận tải bằng container, mở rộng dịch vụ logistics để biến các cảng của Đồng Tháp thành nơi trung chuyển container, hàng hóa giữa ĐBSCL, Campuchia với các cảng ở TP.HCM và cảng nước sâu Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Sau khi thuê lại, công ty đã đầu tư cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị chuyên dụng đồng bộ để phát triển dịch vụ vận chuyển container, dịch vụ logistics.

Thế nhưng từ đó đến nay, cảng Cao Lãnh đều luôn trống vắng, tại bến chẳng mấy khi có tàu neo đậu, lên xuống hàng. Cảng Sa Đéc có khá hơn nhưng lượng tàu, sà lan đến giao nhận, bốc dỡ hàng cũng thưa thớt. “Cảng Sa Đéc có khả năng tiếp nhận tàu 5.000 tấn, cảng Cao Lãnh tiếp nhận tàu 3.000 tấn trở lại. Sản lượng hàng hóa bốc dỡ, vận chuyển qua cảng có tăng nhưng chưa nhiều, bởi các doanh nghiệp vận chuyển hàng còn sử dụng đường bộ” - ông Linh nói.

Tương tự, cảng Bình Long tại Khu công nghiệp Bình Long (An Giang) do Bộ Giao thông vận tải đầu tư sau nhiều năm vẫn trong cảnh trống vắng, bởi mấy nhà máy trong khu công nghiệp hoạt động ì ạch, lượng hàng xuất khẩu còn lẻ tẻ. Tại TP Cần Thơ, các cảng Cái Cui, Cần Thơ và Trà Nóc đều có thể tiếp nhận tàu 10.000-20.000 tấn nhưng lượng hàng hóa vào các cảng này thời gian qua khá khiêm tốn, tàu hàng giao dịch qua cảng chủ yếu vẫn là... sà lan.

Thừa cảng nhưng thiếu đường vào

Cảng Trà Nóc (Cần Thơ) được Công ty lương thực Sông Hậu xây dựng từ những năm 2003 với ba bến phao có thể tiếp nhận tàu 10.000-15.000 tấn nhằm phục vụ việc vận chuyển gạo xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bích - phó giám đốc Công ty lương thực Sông Hậu kiêm giám đốc Cảng Trà Nóc, hiện 90% lượng gạo của công ty phải vận chuyển lên cảng Cát Lái (TP.HCM) bằng sà lan để xuất khẩu vì tàu trọng tải lớn không thể vào cảng.

Ông Võ Minh Tiến - phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ - cho biết các “ông lớn” trong ngành xăng dầu như Petrolimex, Petro Mekong, PV Oil... đều có tổng kho xăng dầu tại Cần Thơ, nhưng cũng phải dùng sà lan chuyển dầu từ TP.HCM về do tàu lớn không vô trực tiếp tổng kho được.

Theo ông Bùi Thành Hiệp - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cảng An Giang, cảng Mỹ Thới (TP Long Xuyên, An Giang) hoàn toàn có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 tấn, nhưng do luồng Định An - cửa biển vào các cảng tại Cần Thơ, Đồng Tháp và An Giang - bị cạn nên chỉ có thể tiếp nhận và vận chuyển hàng hóa với tàu trọng tải 5.000 tấn trở lại. Loại tàu nhỏ này chỉ có thể vận chuyển hàng đến các nước trong khu vực Asean, Đông Bắc Á. Còn để nhận hay chở hàng qua lại châu Phi, châu Mỹ, châu Âu và xa hơn thì phải trung chuyển hàng lên cảng Cát Lái (TP.HCM) hay cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) để sang tàu lớn.

Theo Cảng vụ hàng hải Cần Thơ, từ năm 2009 đến nay mỗi năm cơ quan chức năng đều chi 18-30 tỉ đồng nạo vét luồng Định An nhưng không mang lại kết quả như mong muốn, độ sâu nạo vét chỉ đạt -3,5 đến -3,7m nên tàu trên 10.000 tấn vẫn không vào được. Nguyên nhân là do sử dụng các tàu nạo vét cũ (đóng từ năm 1970), công nghệ lạc hậu, công suất hút thấp.

Phát sinh nhiều chi phí

Ông Nguyễn Văn Bích cho biết việc vận chuyển gạo lên cảng Cát Lái, TP.HCM để xuất khẩu đã làm phát sinh thêm chi phí từ 50.000-60.000 đồng/tấn hàng, làm tăng giá thành gạo xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Có - cục trưởng Cục Hải quan TP Cần Thơ, cho biết trên địa bàn hiện chỉ có khoảng 130 doanh nghiệp làm thủ tục tại đơn vị và trong số này chỉ có 60 doanh nghiệp liên hệ thường xuyên, hầu hết doanh nghiệp đều làm thủ tục xuất nhập khẩu tại TP.HCM. Nguyên nhân là các doanh nghiệp xuất khẩu một số mặt hàng rời không có tàu lớn vào hệ thống cảng ở Cần Thơ, hoặc xuất khẩu mặt hàng nhỏ nên phải đóng chung hàng với các đơn vị khác ở TP.HCM.

Theo TS Võ Hùng Dũng - giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN chi nhánh TP Cần Thơ, khảo sát giai đoạn 2007-2010 của đơn vị này cho thấy do không xuất nhập hàng trực tiếp từ ĐBSCL mà phải chuyển lên TP.HCM, các doanh nghiệp phải chi thêm 8-10 USD cho mỗi tấn hàng. “Các mặt hàng thế mạnh của ĐBSCL như thủy sản, rau quả không thể xuất hàng ngay tại địa phương mà phải chuyển qua TP.HCM, khiến phát sinh thêm chi phí là một thiệt thòi rất lớn cho khu vực này” - ông Dương Nghĩa Hiệp, phó giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, nói.

CHÍ QUỐC - ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp