Các thí sinh trong hoạt động trải nghiệm làm người khiếm thị - Ảnh: H.HG.
Đó là chia sẻ của Bùi Ngọc Hân (lớp 9/4 Trường THCS Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp, TP.HCM) tại lễ trao giải cuộc thi "Văn hay chữ tốt" năm học 2019-2020 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 15-1 ở Đường sách TP.HCM.
Đề thi năm nay mang tính giáo dục rất cao, giáo dục bằng việc cho thí sinh được trải nghiệm với nhiều hoạt động khác nhau. Từ đó, các em viết về những trải nghiệm rất thật ấy, viết bằng cảm xúc của trái tim mình chứ không gượng ép, màu mè.
Cô Phan Thị Song Phương (giáo viên môn văn Trường THCS Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Bật khóc từ trải nghiệm
Điều bất ngờ đầu tiên đối với các thí sinh là thí sinh đeo băng bịt mắt tìm đường đi trong bóng tối, sau đó ngồi vào bàn ăn và dùng bữa sáng như một người khiếm thị.
Với trải nghiệm này, Ngọc Hân viết trong bài thi của mình: "Toàn là bóng tối! Bóng tối khiến cho con đường trở nên gồ ghề hơn và đầy khó khăn để bước tiếp. Bóng tối ấy còn làm tôi xấu hổ vô cùng khi không với được một chiếc muỗng nào trên bàn ăn. Ôi! Chiếc băng bịt mắt thật đáng ghét! Tôi ăn bữa sáng thật nhanh và gỡ ra ngay tức khắc. Nhưng bạn tôi ơi! Trẻ khiếm thị sẽ chẳng bao giờ tháo "chiếc băng bịt mắt" ấy ra được đâu. Tôi xót quá, thương quá những mảnh đời ấy. Nhưng đồng thời cũng cảm ơn bóng tối vì đã giúp tôi thêm thấu hiểu, thêm cảm thông cho các bạn khiếm thị và vững bước sống tiếp cuộc sống trọn vẹn của chính mình".
Với trải nghiệm "Lắng nghe lời tâm sự của thiên nhiên", thí sinh bị lạc vào một vùng ô nhiễm, tăm tối, tràn ngập rác thải nhựa, sau đó thoát ra một khu vườn xanh mát với nhiều cây xanh. Hoàng Ngọc Minh Anh, lớp 7A12 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, viết: "Đó phải chăng chính là sự mô phỏng về ô nhiễm môi trường, tàn phá thiên nhiên của con người hiện nay. Con người ta bây giờ có lẽ chỉ để ý đến những lợi ích, tiền bạc trước mắt mà quên mất đi thiên nhiên - cội nguồn của họ"...
Không màu mè với ngôn từ hoa mỹ
Ông Trần Tiến Thành - chuyên viên môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP.HCM, thành viên ban ra đề cuộc thi "Văn hay chữ tốt" - cho biết: "Năm nay Sở
GD-ĐT TP.HCM tiếp tục đổi mới cách thức thi theo hướng cho học sinh được trải nghiệm, sau đó mới làm bài thi chính thức với đề bài: "Tình yêu khơi lên từ những trải nghiệm" (thí sinh khối 6-7); "Tôi trải nghiệm - Tôi trưởng thành" (thí sinh khối 8-9). Từ những trải nghiệm này, ban tổ chức cuộc thi kỳ vọng các thí sinh sẽ có những nhận thức đúng đắn và biến nhận thức ấy thành thái độ, hành vi trong cuộc sống của mình".
Dương Vân Hương - học sinh lớp 7/1 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, thí sinh đoạt giải nhất khối 6-7 - đã không giấu giếm: "Em cảm thấy rất hứng thú với đề thi năm nay, bởi chúng em được trải nghiệm rồi được viết về những cảm nhận của chính bản thân mình". Còn Ngọc Hân đúc kết: "Em đã làm bài thi bằng những cảm nhận từ con tim của mình, tràn trề cảm xúc chứ không màu mè với những ngôn từ hoa mỹ".
Có lẽ vì thế mà trong bài thi của mình, rất nhiều thí sinh đã viết "cảm ơn cuộc thi": "Cảm ơn cuộc thi đã giúp tôi trải nghiệm và trưởng thành. Cảm ơn chuyến đi đáng nhớ nhất của năm" - Châu Nguyễn Ái My (Trường THCS Chánh Hưng, Q.8).
Trải nghiệm để trưởng thành
"Có thể nói một lần trải nghiệm, một lần trưởng thành. Nhưng tiếc thay, có những bạn trẻ chỉ vùi đầu trong chăn êm nệm ấm, "trải nghiệm" thế giới qua màn hình điện thoại vô hồn, vô nghĩa. Bạn tôi ơi, sao có thể trưởng thành khi không sử dụng các giác quan mà thượng đế đã ban cho mình?" - trích bài thi của Bùi Ngọc Hân (lớp 9/4 Trường THCS Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp, TP.HCM - giải nhất khối 8-9).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận