Người dân mang chuối chín về cho bò, dê ăn - Ảnh: A LỘC |
Trước đây, tôi cũng nhiều lần rơi vào cảnh thu hoạch rồi không biết bán cho ai như vậy.
Có lúc trắng tay, nợ nần chồng chất, cuộc sống bế tắc nên tôi hiểu được cảm giác của họ những lúc như thế.
Mới đầu, tôi hăm hở trồng mía vì trong nước thiếu đường, còn nhà máy không có nguyên liệu sản xuất. Khai hoang được bao nhiêu tôi trồng mía hết bấy nhiêu. Nhưng rồi khi thu hoạch thì giá mía rẻ như bèo do nhà nhà cùng trồng mía. Rồi tôi trồng dưa hấu.
Ban đầu ít người trồng nên bán được giá cao. Dần dần mọi người đổ xô trồng dưa. Thế là dội chợ. Dưa chín phải bỏ la liệt ngoài đồng. Tôi chuyển sang trồng ớt. Rút kinh nghiệm thất bại trước đó, trước khi trồng tôi cũng dò la tin tức khắp nơi xem vùng nào trồng, diện tích trồng bao nhiêu.
Vậy mà cũng chỉ vài vụ, ớt chín rục bỏ rụng luôn vì chẳng có ai mua. Tôi tự bảo vệ mình bằng cách chỉ trồng một loại trong thời gian ngắn. Khi thấy nhiều người khác làm theo thì tôi ngưng.
Nhưng chẳng lẽ cứ chơi trò đuổi bắt nhau hoài? Tôi quyết định chuyển hướng làm ăn lớn, đầu tư kỹ thuật bài bản, tìm thị trường rồi mới trồng. Nhờ vậy mà nhiều năm nay tôi không còn lo có dội chợ hay không, giá cả thế nào.
Gần đây nông dân Đồng Nai phải kêu gọi giải cứu chuối, nhưng 190ha chuối cấy mô của tôi vẫn thu hoạch, đóng gói, xuất khẩu sang Nhật bình thường. Sản lượng gần 10.000 tấn chứ có ít đâu.
Tôi chia sẻ với nông dân và cũng thông cảm với lãnh đạo huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Tôi tin chính quyền đã khuyến cáo trước, nhưng nông dân không làm theo nên bây giờ mới bị “vỡ trận” khi thương lái Trung Quốc không mua.
Chuyện chính quyền nói, nông dân không làm theo là bình thường, ở đâu cũng vậy. Sở dĩ nông dân không tin khuyến cáo của chính quyền vì những thông tin mà phía chính quyền đưa ra thường không chắc chắn, không có bảo chứng.
Thông tin không chính xác thì kể cả ngày không hết. Đơn cử là chuyện Bộ NN&PTNT và các địa phương vận động nông dân giảm diện tích lúa IR50404 còn 15-30%.
Thế nhưng giá lúa này luôn ở mức cao, xấp xỉ lúa hạt dài. Lúa IR50404 năng suất cao hơn nên lợi nhuận nhiều hơn lúa hạt dài. Thế là nông dân không tin khuyến cáo nữa, tự chọn giống gieo sạ theo ý họ.
Còn nông dân vẫn có tư tưởng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, làm theo kinh nghiệm chứ ít chịu học hỏi kỹ thuật mới. Kiểu sản xuất “thấy người ta ăn khoai thì vác mai đi đào” xưa nay vẫn chưa bỏ được.
Làm sao để không còn cảnh nông sản dội chợ, nông dân thua lỗ? Theo tôi, Nhà nước phải chủ động lo cho dân bằng việc nắm chắc thông tin thị trường và định hướng trồng cây gì, thời điểm nào.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản rất lớn. Cho nên Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phải có trách nhiệm nắm rõ các tỉnh, thành của nước này có những loại nông sản gì, trồng và thu hoạch thời gian nào; họ có nhu cầu nhập khẩu nông sản gì của Việt Nam?
Khi đã nắm chắc thị trường thì thông tin cho Bộ NN&PTNT và các địa phương. Bộ phải xác định loại nông sản đó chỉ trồng ở các tỉnh nào, diện tích bao nhiêu… Chính quyền nói đúng một vài lần thì chắc chắn nông dân sẽ tin.
Về phần mình, nông dân phải mạnh dạn từ bỏ những mảnh ruộng bé xíu, giao cho hợp tác xã canh tác hay cho hộ khác thuê (hoặc đứng ra thuê) để sản xuất quy mô lớn. Nhà nước sắp luật hóa việc tích tụ ruộng đất.
Đây là cơ hội cho các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, hình thành các trang trại sản xuất hiện đại, sản phẩm có chất lượng cao, xuất khẩu dễ dàng.
Từ kinh nghiệm của mình, tôi tin nếu sản xuất lớn, bài bản và có sự tham gia hỗ trợ đắc lực của Nhà nước thì nông sản Việt không lo bị “vỡ trận”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận