18/12/2015 08:55 GMT+7

​Làm ăn kiểu may rủi

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Giá gà công nghiệp ở các trang trại chỉ còn 15.000 - 16.000 đồng/kg một lần nữa cho thấy sự bất ổn và rủi ro của ngành chăn nuôi.


Công nhân cho gà ăn tại một trang trại ở xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai - Ảnh: A Lộc
Công nhân cho gà ăn tại một trang trại ở xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai - Ảnh: A Lộc

Đợt giảm giá vào tháng cuối năm này đánh dấu một năm “kinh hoàng” của người nuôi gà công nghiệp khi giá bán thấp hơn giá thành diễn ra gần 9 tháng trong năm. 

Trong ngành chăn nuôi, nuôi gà công nghiệp được xem là đầu tư bài bản nhất. Nhiều trang trại trên toàn quốc đã áp dụng công nghệ tiên tiến. Giá thành gà thịt của VN giảm dần và đã tiệm cận với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia…

Thế nhưng, trong khi Thái Lan xuất khẩu đến 4 - 5 tỉ USD thịt gà mỗi năm thì người nuôi gà VN lại đang lâm vào tình cảnh rủi ro trước thịt ngoại.

VN hội nhập sâu, thịt gà Mỹ giá rẻ nhập về nhiều là không tránh khỏi. Thịt nhập khẩu với giá cả phải chăng và chất lượng tốt đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời thúc ép người chăn nuôi nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tuy nhiên, để thịt gà nhập khẩu vào VN ồ ạt với giá rẻ đến khó tin lại là điều dư luận đặc biệt quan tâm.

Có rất nhiều câu hỏi đặt ra. Nước Mỹ có lợi thế về nguồn nguyên liệu chăn nuôi giá rẻ nhưng chi phí nhân công, chi phí chế biến, vận chuyển… lại khá đắt đỏ ảnh hưởng khá lớn đến giá thành.

Thế nhưng chưa có cuộc điều tra cụ thể nào của cơ quan chức năng trả lời cho người dân biết tại sao giá thịt gà Mỹ về VN lại rẻ đến như vậy.

Có phải thật sự giá đùi gà Mỹ rẻ do người Mỹ không ăn, đem xuất khẩu, hay là do các hành vi gian lận thương mại trên quy mô lớn diễn ra suốt mấy năm qua?

Nông sản của VN xuất khẩu sang các quốc gia khác ngày càng trở nên khó khăn do phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật. Mới đây, Mỹ đã áp dụng quy định mới trong quản lý cá tra xuất khẩu vào thị trường này.

Theo đó, doanh nghiệp VN phải chứng minh quy trình nuôi cá tương đồng với người nuôi bên Mỹ. Nhưng ngược lại, hàng rào kỹ thuật của VN đối với hàng nhập khẩu, nhất là thịt đông lạnh, lại không hiệu quả.

Nếu một vùng nào đó của VN bùng phát dịch bệnh, cơ quan chức năng sẽ phong tỏa cả vùng để dập dịch.

Thế nhưng dịch cúm H5N1 xảy ra tràn lan trên đất Mỹ từ cuối năm 2014 khiến hơn 30 quốc gia cấm nhập khẩu thịt gà từ nước này, thì mãi đến tháng 6-2015 VN mới áp dụng lệnh cấm.

Hay như sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, quy định của VN cấm hoàn toàn nhưng vẫn cho nhập khẩu gà Mỹ, quốc gia đang cho phép dùng chất ractopamine trong chăn nuôi…

Người chăn nuôi đang cần một hàng rào kỹ thuật để kiểm soát thịt nhập khẩu như nhiều nước đã làm.

Chờ mãi, quá sốt ruột với các kiến nghị không được xem xét, mới đây Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ đã thuê các công ty tư vấn tìm kiếm tài liệu về các hàng rào kỹ thuật của các quốc gia trong khu vực và châu Âu để gửi cho các cơ quan quản lý của VN với hi vọng hàng rào bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước sớm được hình thành.

Người chăn nuôi không thể tự dựng lên hàng rào kỹ thuật. Thẩm quyền đó thuộc về cơ quan chức năng. Nhưng đến nay họ vẫn phải chờ.

Và trong lúc chờ, không có luật chơi công bằng, người chăn nuôi khi bỏ đồng vốn ra chẳng khác nào đang tham gia một trò chơi may rủi mà phần rủi luôn rơi về phía họ.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp