30/01/2018 08:26 GMT+7

Làm ăn đàng hoàng để giữ uy tín cho Hội An chứ!

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Quán ăn, xe buýt “chặt chém” du khách, khách Tây bị hành hung ngay tại phố cổ Hội An, đô thị cổ vốn bình yên này đang cho thấy một hình ảnh đáng lo ngại.

Làm ăn đàng hoàng để giữ uy tín cho Hội An chứ! - Ảnh 1.

Hội An được du khách biết đến là chốn bình yên, người dân hiếu khách, thân thiện. Trong ảnh: Không gian bình yên của phố cổ Hội An trên đường Nguyễn Thái Học - Ảnh: T.B.D.

Trưa 29-1, chúng tôi chứng kiến cảnh ông L.N., một người dân Hội An, đi đòi quyền lợi cho hai người bạn nước ngoài tại phòng vé của nhà xe chở khách theo tour.

Nạn "chặt chém"

Ông L.N. kể hai người bạn nước ngoài của ông tới VN du lịch, do không quen đường sá nên họ nhờ ông đặt hai cặp vé để đi từ TP Đồng Hới (Quảng Bình) ra Hà Nội ngày 16-1 và Hà Nội đi Sa Pa ngày 19-1. 

Đầu tháng 1, ông N. đến phòng vé của Hãng xe Queen Cafe đặt tại Hội An đặt hai cặp vé nói trên thì nhân viên hãng xe này thu trên 1,7 triệu đồng. Tuy nhiên, trên vé không ghi giá tiền nên ông N. đi dò giá thì biết giá vé cho hai người đi hai chặng đường nói trên chỉ 900.000 đồng!

Sau khi hành trình của hai người bạn kết thúc, trưa 29-1 ông N. đến phòng vé thắc mắc, nhân viên tại đây giải thích do giá vé bán ra để dự phòng dịp tết, nếu ngày khách đi không nằm trong khung này thì nhà xe sẽ trả lại tiền cho khách. 

Ông N. không đồng ý với giải thích này và cho rằng đây là hành vi làm ăn gian dối, mập mờ và nếu người mua vé là khách nước ngoài không thể đòi lại quyền lợi. 

Thấy ông N. to tiếng, một người quản lý của hãng xe thừa nhận nhân viên của mình đã gian dối, thu tiền vượt của khách. Người này đã yêu cầu nhân viên trả lại số tiền hơn 500.000 đồng cho ông N., đồng thời xin lỗi khách hàng.

Các anh cần phải làm ăn thật đàng hoàng để không chỉ giữ uy tín cho nhà xe mình mà còn giữ cho Hội An này nữa.

Ông L.N. nói với quản lý nhà xe Queen Cafe

Một chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm trên đường Nguyễn Thái Học nói rằng chuyện "chặt chém" du khách hiện nay không hề cá biệt mà rất phổ biến. Đặc biệt là tại các quán ăn và trên xe buýt. 

"Hầu như chuyến đi nào từ Đà Nẵng - Hội An tôi cũng chứng kiến việc khách Tây bị nhân viên xe buýt lấy tiền vượt giá quy định. Vé cho tuyến này 16.000 đồng, nhưng khi khách Tây đưa tiền chẵn thì nhân viên không hề thối lại. Khách Tây phản ứng thì bị ném một cái nhìn sắc lạnh, thiếu thiện cảm" - vị này kể.

Nhiều đêm có mặt ở tuyến du lịch đi bộ Nguyễn Phúc Chu, chúng tôi chứng kiến không ít tốp xe ôm chạy xe quần đảo tìm khách bước ra từ quán bar để gạ gẫm, mồi chài. 

"Nhiều khách Tây say rồi cứ thế lên xe ôm để họ chở về và lúc đó muốn hay không, bao nhiêu tiền cũng phải đưa" - một người dân phố cổ chia sẻ.

Làm ăn đàng hoàng để giữ uy tín cho Hội An chứ! - Ảnh 3.

Nhân viên nhà xe Queen Cafe trả lại tiền đã thu lố cho ông L.N. trưa 29-1 - Ảnh: T.B.D.

"Chính quyền rất đau đầu"

Đại tá Đinh Xuân Nghĩ - trưởng Công an Hội An - thừa nhận hiện nay một số địa điểm ở phố cổ đang "rất lộn xộn". 

"Năm 2017, Hội An đạt lượng khách tham quan kỷ lục với 3,2 triệu lượt, nhưng nhiều vấn đề phát sinh như tình trạng chèo kéo, "chặt chém" du khách, không gian đô thị bị biến đổi đã khiến Hội An chịu nhiều tai tiếng trong lòng du khách" - ông Nghĩ nói.

Trả lời PV Tuổi Trẻ về việc này, ông Nguyễn Văn Sơn, phó chủ tịch UBND TP Hội An, nói chính quyền cũng rất đau đầu. Ông Sơn còn nói những chuyện như vụ khách Tây bị đánh phải nhập viện cấp cứu ngày 25-1 không phải là cá biệt.

Theo ông Sơn, câu chuyện quản lý đô thị Hội An hiện nay đang là một bài toán rất khó bởi lượng khách tới Hội An mỗi năm đã tăng lên 2-3 lần so với trước đây. Trong khi đó, số lượng các cơ sở lưu trú thuộc sở hữu, quản lý của người từ các tỉnh khác gia tăng kéo theo sự làm ăn chụp giật, lấy giá cao đối với khách du lịch mà bỏ qua các nguyên tắc vì cái chung.

Theo ông Sơn, từ trước đến nay việc giữ cho Hội An bình yên là dựa vào những quy định cũ và hiện nay không phù hợp, nếu thực hiện dễ phát sinh khiếu nại. 

"Nếu như trước đây chúng tôi yêu cầu quán bar ngưng hoạt động sau 24h đêm thì nay không thể làm như vậy được nữa bởi quy định này là tự Hội An sinh ra, không có một căn cứ pháp lý nào. Trước đây doanh nghiệp không kiện, nay hở ra là chính quyền ra tòa ngay. Riêng tôi trong năm 2017 ít nhất 3 lần hầu tòa vì những vụ như thế rồi" - ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng nói nhiều lần Hội An đề xuất các cơ chế riêng, các quy định riêng để quản lý đô thị linh hoạt, hiệu quả hơn nhưng đều bị các cơ quan có thẩm quyền "tuýt còi" vì vi hiến.

Xin cơ chế riêng để cứu phố cổ

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Hội An đang làm lại toàn bộ quy hoạch để đưa đô thị đi vào khuôn khổ. Trước mắt, tới đây TP sẽ ngồi lại với các quán bar, các cơ sở dịch vụ để tìm tiếng nói chung.

Dự kiến, các cơ sở này sẽ di dời ra một khu vui chơi giải trí riêng, tách khỏi thành phố. Lượng người bán hàng rong cũng sẽ được tập trung tại một địa điểm.

Về cơ chế, Thủ tướng đã đồng ý để Hội An có một số thẩm quyền ngang với tỉnh, cho thành phố giữ lại nguồn tài chính chi cho công tác quản lý hiệu quả hơn.

Hội An cũng đã trình UBND tỉnh Quảng Nam cho các cơ chế để TP có thể điều chỉnh kịp thời khi có những hành vi không đúng đối với từng lĩnh vực kinh doanh đặc thù như vải vóc, ăn uống, quán bar...

Ngoài ra, TP sẽ làm một cuộc vận động, thuyết phục để mỗi người sống, làm việc ở Hội An phải có ý thức giữ gìn tiếng thơm, nét riêng cho đô thị cổ này.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp