Phóng to |
Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi vẫn còn nhiều điểm đang thi công (ảnh chụp chiều 4-8-) - Ảnh: quang định |
Sáng 1-8, đi dọc đoạn đầu dự án đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài, chúng tôi ghi nhận đường Bạch Đằng và đường Hồng Hà (P.2, Q.Tân Bình) vẫn chưa được thi công.
Thi công chậm
Dự án chậm hơn hai năm rưỡi Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - TP.HCM, vừa qua lãnh đạo TP đã gút thời gian hoàn thành dự án này vào cuối tháng 12-2014. Như vậy, dự án chậm hơn hai năm rưỡi so với kế hoạch ban đầu. Một cán bộ tư vấn giám sát nhà nước cho biết nếu nhà thầu không tăng cường tài chính cho dự án và cơ quan thẩm quyền không tăng cường quản lý dự án về mặt nhà nước nhằm đẩy nhanh tiến độ, quản lý chất lượng thì công trình sẽ còn thi công ì ạch. Dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài có tổng chiều dài gần 13,7km, chạy từ sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) tới Xuân Hiệp (Q.Thủ Đức) với tổng vốn đầu tư khoảng 340 triệu USD. Dự án do GS E&C đầu tư theo hình thức BT (xây dựng và chuyển giao). |
Đi từ giao lộ Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám đến ga Gò Vấp (P.3, Q.Gò Vấp), chúng tôi ghi nhận mặt đường đã được thảm một lớp nhựa bằng phẳng và người dân có thể đi lại, nhưng vẫn còn nhiều hạng mục chưa làm như vỉa hè, dải phân cách... Bên trong hàng rào tôn của công trường, các thiết bị máy, hàng trăm ống cống và các cục bêbông làm dải phân cách nằm la liệt và không có bóng dáng công nhân. Mặt bằng công trường trống trải được sử dụng làm sân đá bóng hoặc bãi giữ xe. Tại một số đoạn đường đang làm dở, người dân vô tư phơi đồ ăn như cơm nguội, bánh tráng. Còn đoạn đường gần ga Gò Vấp hiện vẫn chưa được thi công, hai bên đường cây cối còn y nguyên.
Chỉ có đoạn từ đường Lê Quang Định đến hết địa phận quận Bình Thạnh là có đơn vị thi công. Cụ thể, đoạn đi qua P.11, Q.Bình Thạnh có công nhân thi công ở khu vực xây dựng cầu Rạch Lăng. Khoảng 30 công nhân đang tiến hành đóng cọc, đổ dầm cho cây cầu này hoặc làm nền đường tại một số đoạn khác. Mặt đường chưa được thảm nhựa, đá dăm chất thành đống ngổn ngang trong công trường.
Vì sao nên nỗi?
Sau hơn bốn năm xây dựng, dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài mới đạt được 60% khối lượng. Trước đó ngày 9-6-2008, tại lễ động thổ, các cơ quan chức năng dự kiến hoàn thành dự án trong năm 2012. Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - đơn vị tư vấn giám sát nhà nước đối với dự án này - cho biết nguyên nhân chậm tiến độ là do các thủ tục pháp lý của dự án vẫn chưa hoàn tất, hồ sơ thiết kế chưa được phê duyệt. Cụ thể, các thủ tục pháp lý cho hạng mục thay đổi thiết kế như xử lý đất yếu bằng cọc ximăng đất, hệ thống thoát nước trên đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức), thủ tục điều chỉnh hợp đồng BT (đầu tư và chuyển giao) vẫn chưa được hoàn tất...
Ông Đỗ Tiến Dũng - phó Ban quản lý dự án đầu tư, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - đơn vị quản lý nhà nước về dự án này - cho biết nguyên nhân chậm còn do đền bù giải tỏa đạt 98%, còn 2% mặt bằng chưa được giải tỏa lại nằm ở vị trí trọng yếu nhất là khu vực Q.Tân Bình và một phần Q.Thủ Đức. Bên cạnh đó, Công ty GS E&C (Hàn Quốc - chủ đầu tư) đã dừng thi công làm đường trong nhiều tháng để chờ UBND TP có chủ trương đầu tư xây dựng hào kỹ thuật (để lắp đặt các công trình ngầm điện, bưu điện, chiếu sáng). Vì cho làm đường trước rồi sau đó đào lên lắp đặt hào kỹ thuật sẽ gây thiệt hại và lãng phí. Mãi đến tháng 7-2012, UBND TP mới đồng ý chủ trương trên.
Trong khi đó theo tư vấn giám sát nhà nước, tiến độ thi công dự án có chiều hướng làm cầm chừng, nhỏ giọt. Chủ đầu tư chỉ tập trung làm nền đường và đang hoàn tất cầu Bình Lợi. Còn các hạng mục khác nhà thầu chỉ làm với các khối lượng nhỏ, không tập trung, dẫn đến tiến độ thực hiện chậm và kéo dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận