Trả lời:
Hiện nay, trình tự và quy định cụ thể liên quan đến "phạt nguội" người vi phạm giao thông thông qua hệ thống camera giám sát giao thông vẫn chưa được ban hành nên căn cứ áp dụng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính để thực hiện các thủ tục trong quá trình xử phạt vi phạm này. Tại điều 70 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về Gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành như sau:
"Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.
Đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao".
Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận; quyết định xử phạt đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt hoặc có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận quyết định xử phạt thì được coi là quyết định đã được giao."
Thông thường cơ quan có thẩm quyền sẽ thông qua hệ thống giám sát phát hiện thấy hành vi vi phạm của người tham gia giao thông lập biên bản, có giấy mời chủ xe theo thông tin trên đăng ký xe để đến làm việc xác định người vi phạm sau đó mới ra quyết xử phạt, thông qua chứng cứ thu thập từ hệ thống giám sát đó. Nếu sau khi có giấy mời mà chủ xe không đến thì thông thường hiện nay cơ quan cảnh sát giao thông sẽ thông báo đến Cục Đăng kiểm để phối hợp yêu cầu chủ xe đến làm việc khi xe đến hạn đăng kiểm. Sau khi làm việc với chủ xe để xác định người điều khiển phương tiên vi phạm thì sau đó mới ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định thì quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được cơ quan có thẩm quyền giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho bạn biết trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày lập biên bản xử phạt.
Mặt khác, điều 61 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về giải trình như sau:
"1. Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trước khi ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức không có yêu cầu giải trình trong thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Đối với trường hợp giải trình bằng văn bản, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn không quá 05 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền có thể gia hạn thêm không quá 05 ngày theo đề nghị của cá nhân, tổ chức vi phạm.
Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính tự mình hoặc uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp của mình thực hiện việc giải trình bằng văn bản.
3. Đối với trường hợp giải trình trực tiếp, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản yêu cầu được giải trình trực tiếp đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Người có thẩm quyền xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho người vi phạm về thời gian và địa điểm tổ chức phiên giải trình trực tiếp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người vi phạm.
Người có thẩm quyền xử phạt tổ chức phiên giải trình trực tiếp và có trách nhiệm nêu căn cứ pháp lý và tình tiết, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả dự kiến áp dụng đối với hành vi vi phạm. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, người đại diện hợp pháp của họ có quyền tham gia phiên giải trình và đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Việc giải trình trực tiếp được lập thành biên bản và phải có chữ ký của các bên liên quan; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ thì các bên phải ký vào từng tờ biên bản. Biên bản này phải được lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc người đại diện hợp pháp của họ 01 bản".
Căn cứ quy định này thì quyền giải trình chỉ được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên.
Tuy nhiên, trong trường hợp bạn chưa nhận được thông báo lên làm việc yêu cầu bạn lên làm việc để lập biên bản xử phạt vi phạm và quyết định xử phạt của cơ quan chức năng mà chỉ nhận được quyết định truy thu từ cơ quan thuế thì bạn có thể đề nghị bên thuế cung cấp biên bản xử phạt cũng như quyết định xử lý vi phạm và các giấy tờ liên quan để sao chụp tài liệu để làm căn cứ khiếu nại đến cơ quan ra quyết định xử phạt bạn theo quy định pháp luật.
Luật sư Đặng Thành Chung - Công ty luật An Ninh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận