Một thanh niên say, bỏ xe máy và nằm lăn ra đường ngủ không biết gì - Ảnh: T.T.D.
Sau đây là một số ý kiến mà Tuổi Trẻ ghi nhận
Ông TONY SHEPHERD (người Úc):
Giáo dục về an toàn giao thông
Nhân viên của tôi từng có người bị thương nặng và thậm chí qua đời do hậu quả của những vụ tai nạn liên quan đến hành vi uống rượu khi lái xe.
Một người bạn của tôi ở Sài Gòn cũng từng bị xe máy đụng khi đang đi qua đường. Người lái xe thì say xỉn và lúc đó chỉ mới 5 giờ chiều. May là bạn tôi không sao.
Tôi nghĩ hành vi lái xe khi say xỉn là vô cùng vô trách nhiệm, ích kỷ và gây nguy hiểm cho tất cả mọi người đi xe và cả đi bộ.
Ở Úc, những người lái xe khi say xỉn không bao giờ nhận được sự thông cảm từ người khác, dù là nhỏ nhất, tuy nhiên vẫn có những người lái xe sau khi đã uống.
Cơ quan chức năng cũng thường xuyên có những cuộc kiểm tra độ cồn đột xuất trên đường.
Để chấm dứt tình trạng này, giáo dục về an toàn giao thông nên được thực hiện ở trường, trên TV, và băngrôn trên đường với nội dung nhấn mạnh hậu quả của việc lái xe sau khi uống rượu bia. Tuy nhiên có những người xỉn vẫn nghĩ rằng họ sẽ lái được, không chịu nghe ai.
Ngoài mối lo do cồn gây ra, các chất gây nghiện cũng là vấn đề đáng lưu ý với người lái xe. Một số hành vi khác người điều khiển phương tiện giao thông cũng không nên làm là vừa lái xe vừa nhắn tin hay xem Facebook.
Tôi cho rằng cảnh sát cần tích cực hơn trong nhiệm vụ của mình và đảm bảo rằng những ai đã uống rượu mà lái xe sẽ bị phạt nặng.
Điều này sẽ bảo vệ được tính mạng của những người khác và giúp chúng ta hiểu rằng lái xe khi đã uống rượu là rất nguy hiểm. Nó không chỉ làm chúng ta bị mất bằng lái mà có thể hủy hoại danh dự, sự nghiệp và nhiều thứ khác của chúng ta.
Ông TIM RUSSELL (người Anh):
Các hình phạt cần nghiêm khắc hơn
Tôi nghĩ nguyên nhân khiến Việt Nam vẫn còn nhiều người lái xe khi say xỉn là do các hình phạt vẫn chưa thật sự được áp dụng nghiêm. Giá rượu ở Việt Nam rẻ hơn nhiều so với những nơi khác trong khu vực. Giao thông công cộng ở đây cũng chưa phải là phương tiện hiệu quả để người sau khi đi uống có thể sử dụng.
Tôi từng chứng kiến tại một đám cưới ở Bến Tre, một người đã lái xe đâm thẳng vào vách tường sau khi uống nhiều giờ liền. Cũng như nhiều người, tôi lên án hành vi lái xe sau khi uống rượu bia, dù tôi từng có lần làm vậy. Tôi nghĩ các hình phạt cần phải nghiêm khắc hơn và cơ quan chức năng nên giám sát chuyện này chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, những người vi phạm nên bị "bêu xấu" công khai. Tháng 9 năm nay, báo chí rầm rộ đưa tin thủ quân câu lạc bộ bóng đá Tottenham Hugo Lloris đã bị phạt gần 64.000 USD và bị cấm lái xe trong 20 tháng sau khi bị buộc tội lái xe khi say xỉn.
Ở Anh, bạn có thể bị phạt hàng ngàn bảng Anh, bị cấm lái xe trong một năm và khả năng ở tù lên tới 6 tháng; nếu đang say xỉn mà lái xe gây chết người, có thể phải ở tù lên tới 14 năm.
Để chấm dứt tình trạng lái xe khi say, tôi nghĩ phương pháp quan trọng nhất là giáo dục. Hãy giáo dục cho các bạn trẻ từ khi còn nhỏ rằng hành vi đó là sai, công khai chỉ trích những người vi phạm. Cũng như cần cải thiện hệ thống phương tiện giao thông công cộng.
Anh MIKE D. (người Ireland):
"Cảm giác" luật thực thi chưa nghiêm
Nhiều người Việt Nam không tuân thủ luật lệ giao thông, gồm việc lái xe sau khi uống rượu bia, tôi nghĩ không phải do họ mà do môi trường họ đang ở.
Nhiều lần tôi chứng kiến việc bạn bè hay đồng nghiệp lên xe sau khi đã uống rượu bia và luôn viện cớ "Tôi sẽ chẳng làm vậy ở nhà đâu, nhưng ở đây không sao cả".
Tôi phải thú thật rằng tôi từng lái xe ở Việt Nam sau khi uống rượu bia. Có lẽ do sự lỏng lẻo của luật pháp. Nhưng quan trọng hơn hết là do cảm giác luật pháp sẽ không được thực thi.
Mặc dù mức phạt ở Việt Nam có thể nói là khá cao so với thu nhập của người dân, nhưng trên thực tế nó vẫn chưa được thực thi. Bản thân tôi, dù biết việc lái xe sau khi uống rượu bia là sai nhưng vẫn làm vì biết nếu bị bắt, hậu quả không quá nghiêm trọng.
Lái xe sau khi uống rượu bia là vấn đề không chỉ tại Việt Nam mà còn được phần lớn các nước trên thế giới chú ý.
Một số giải pháp các nước đang xem xét mà tôi nghĩ có thể áp dụng ở Việt Nam, gồm việc thiết kế phương tiện không nổ máy khi nồng độ cồn của người lái trên mức quy định, quy trách nhiệm cho các quán ăn, quầy bar nơi khách hàng đã uống. Trong trường hợp khách hàng đã uống rượu bia, nhà hàng cần đảm bảo cho khách hàng nơi gửi xe qua đêm.
Anh TOM OKON (người Úc):
Chia sẻ chuyện "người thật việc thật"
Ở Úc, việc tịch thu bằng không được tính theo đơn vị tháng, mà được tính theo đơn vị năm. Anh trai tôi đã hai lần bị bắt vì lái xe khi uống rượu bia. Lần đầu anh ấy bị thu bằng lái trong 2 năm, lần thứ hai 5 năm. Hiện nay anh ấy vẫn chưa lấy lại được bằng lái. Tòa tuyên anh ấy chỉ có thể lái khi lắp đặt bộ máy chỉ cho phép mở động cơ xe khi nồng độ cồn nằm dưới mức quy định. Tuy nhiên, bộ máy này quá đắt đỏ nên anh ấy cũng vẫn không lấy lại được bằng lái.
Tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề hạn chế lái xe khi say xỉn không thể đơn giản vì để đạt được hiệu quả thật sự cần có sự thay đổi rất lớn, gồm giải pháp từ phía chính quyền, luật pháp, đến ý thức người dân. Tuy nhiên, điều chính phủ có thể làm ngay là tuyên truyền và giáo dục người dân.
Khi anh trai tôi phải dự một khóa cải tạo vì lái xe sau khi uống bia, họ cho anh ấy xem hàng loạt những hình ảnh rùng rợn của những người đã thiệt mạng, hoặc những tai nạn xe thảm khốc. Các trường cấp III ở Úc mời những người đã từng gây ra, hoặc là nạn nhân, của những tai nạn giao thông thảm khốc đến nói chuyện. Đây lại là thời gian ngay trước khi phần lớn học sinh chuẩn bị thi lấy bằng lái xe.
Anh BRYANT BENNETT PAYNE (người Mỹ):
Quán rượu cần có trách nhiệm
Mẹ tôi là người Việt Nam và bố tôi là cựu phi công. Tôi lấy vợ Việt Nam và trở về sống ở Sài Gòn đã được 2,5 năm.
Tuy có bằng lái xe hơi ở Mỹ và ở Việt Nam, tôi chỉ chạy xe máy để đi lại ở Sài Gòn. Ở Mỹ, luật đối với hành vi say xỉn mà lái xe rất nghiêm khắc. Người vi phạm lần đầu có thể bị tước bằng lái xe trong một năm và phải trả đến 15.000 USD cho chi phí pháp lý. Nếu gây chết người hay làm bị thương người khác, họ thường phải nhận án tù. Dù luật mạnh tay như vậy nhưng đôi khi vẫn không đủ sức để răn đe một số người bất chấp.
Tôi đã chứng kiến nhiều người uống bia rượu rồi lái xe. Bạn cứ ra khu vực phố Tây Bùi Viện hay bất cứ quán nhậu nào trong thành phố, bạn sẽ thấy nam nữ ngồi uống bia la liệt và thường họ tự lái xe về nhà. Dĩ nhiên họ lái loạng choạng và thường rất nhanh, kết hợp với việc cơ thể người say sẽ phản ứng chậm hơn, là công thức dễ dẫn đến tai nạn. Điều đau lòng nhất là nạn nhân của những người lái xe say xỉn là người vô tội, đang trên đường về với gia đình.
Tôi tin có một cách giảm tình trạng say xỉn lái xe là buộc các nhà hàng, quán rượu phải chịu trách nhiệm vì bán quá nhiều rượu bia cho khách hàng. Nếu có khách đến nhà bạn và bạn mời họ 20 chai bia, để họ lái xe về và người đó chết vì tai nạn giao thông, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Tương tự, là quản lý nhà hàng, bạn phải chịu trách nhiệm với khách hàng của mình.
Nếu khách quá say, nhà hàng phải ngưng bán và giúp họ về nhà an toàn. Ở Mỹ, nếu phục vụ nhiều bia rượu, và người khách đó bị tai nạn sau đó, nhà hàng và người phục vụ có thể bị kiện. Hơn nữa, nếu có người khác bị thương hoặc chết trong vụ tai nạn, người phục vụ này cũng có thể bị tù.
Nếu chủ nhà hàng và người phục vụ ở Việt Nam bị truy cứu trách nhiệm nhiều hơn, họ sẽ giúp ngăn không cho văn hóa nhậu nhẹt được chuyển giao cho thế hệ tiếp theo.
Hãy bắt đầu một chiến dịch truyền thông xã hội, để mọi người lên tiếng phản đối việc uống rượu và lái xe, và khuyến khích mọi người mạnh dạn nói về vấn đề này. Tất nhiên, cần có mức phạt rất rất nặng với những người lái xe sau khi uống bia rượu.
Về vụ tai nạn khi chờ đèn đỏ ở Hàng Xanh mới đây, tôi cảm thấy đau đớn cho nạn nhân không may đã chết và bị thương, và hi vọng những nạn nhân trong vụ tai nạn sẽ sớm bình phục.
HỒNG VÂN ghi
Đã uống rượu bia thì không lái xe
Diễn đàn "Đã uống rượu bia thì không lái xe" do báo Tuổi Trẻ và Ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức với sự đồng hành của Heineken Việt Nam khởi đăng trên Tuổi Trẻ từ ngày 23-10-2018 đến 15-11-2018.
Tuổi Trẻ trân trọng kính mời bạn đọc chia sẻ ý kiến, câu chuyện, hình ảnh liên quan đến thực trạng tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia. Có thể là câu chuyện của bạn - người trong cuộc, những câu chuyện nghề lái xe và những tai nạn liên quan đến bia rượu. Có thể là câu chuyện đầy tâm trạng âu lo về giao thông khi bạn chờ người thân tiệc tùng quá khuya chưa về... Và những đề xuất của bạn về việc "uống có trách nhiệm" để an toàn về nhà cùng những đề xuất kéo giảm tai nạn giao thông do rượu bia.
Tin, bài diễn đàn sẽ đăng tải trên Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online, Truyền hình Tuổi Trẻ. Bài, ảnh cộng tác xin gửi đến email [email protected], hoặc trang GÓC NHÌN BẠN ĐỌC, báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Trân trọng.
TUỔI TRẺ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận