Theo dõi thông tin nhiều vụ tai nạn giao thông gây chết người, tôi có cảm giác mức xử phạt cho tội vi phạm quy định an toàn giao thông chưa đủ nghiêm khắc, dẫn đến việc người ta phi xe ra đường, bất chấp tính mạng của mình và những người tham gia giao thông khác.
Chỉ vài năm tù là xong!
Thầy giáo dạy lái xe cho tôi khi hướng dẫn tôi lái xe qua những đoạn đèo cua khó, ông không chỉ dạy tôi về kỹ thuật lái xe sao cho an toàn, mà còn dạy cả tính năng của xe, chuyển động vật lý của xe, cơ chế của từng bộ phận xe khi tham gia giao thông ở những địa hình khác nhau.
Ông ấy còn dặn tôi lái xe không phải chỉ an toàn cho mình, mà còn an toàn cho người khác, người đi xe máy, nhiều khi tội nghiệp, xảy ra tai nạn, dù đúng dù sai thì họ sẽ thiệt hại trước, nhiều khi mất mạng. Còn người trên xe hơi chắc sẽ ít rủi ro hơn.
Ông thầy cũng dạy tránh những xe hơi khác, tránh xe tải, tránh cả xe khách đến mức tối đa, dù ở cua dốc hay đường đèo hay đường bằng phẳng. Bởi người lái xe nào cũng vì tính mạng của mình trước. Xe của họ to hơn, họ ép mình xuống vực, bất quá họ ngồi mười mấy năm tù. Còn ai mất người mới là mất hết.
Nhiều cách giảm nhẹ hình phạt!
Và thực tế tôi đã chứng kiến nhiều phiên tòa xử người điều khiển phương tiện giao thông làm chết người. Nhiều thì bồi thường vài trăm triệu, nghèo thì bồi thường tiền làm đám ma… đều được coi là tình tiết giảm nhẹ khi HĐXX xác định mức án.
Chỉ có cha mẹ, người thân của người đã chết là đau lòng, còn nói vài lời xin lỗi trước tòa, hay thái độ ăn năn hối cải của người vi phạm cũng chỉ trong chốc lát là xong.
Bản án tuyên xong, đến thi hành án, có ai ngồi hết mức án của mình đâu, vì chấp hành kỷ luật tốt thể nào chả được giảm, đấy là còn chưa kể đặc xá tha tù trước thời hạn.
Thực tế đã có một người lái xe, làm chết nhiều mạng người nhưng chỉ thụ án vài năm tù rồi ra, vì anh ta đã khắc phục được hậu quả. Như vậy, người giàu, có tiền là làm việc gì cũng xong hết.
Chỉ có người chết là oan khuất mà thôi!
Có tội danh giết người?
Hậu quả nghiêm trọng thì người bị nạn và gia đình người bị nạn phải gánh chịu. Có hay không tình trạng án nhẹ quá dẫn đến việc người ta không sợ?
Về mặt chủ quan, ai cũng cho rằng người phạm tội không muốn việc chết người xảy ra, nhưng thực ra khi họ lái xe trên đường một cách chủ quan, ví như xe hết hạn đăng kiểm, biết xe không còn an toàn nhưng vẫn đi thì có thể coi là hành vi muốn giết người không?
Tôi đọc báo về vụ xe Camry tông chết 3 người ở Ái Mộ, Hà Nội. Sau đó, đọc báo thấy lời khai ban đầu của người lái xe. Anh ta nói rằng anh ta đã uống rượu, rồi anh ta lấy cua rộng, dẫn đến lấn đường, rồi gây tai nạn.
Nhưng tôi xem cái clip quay ngược chiều anh ta lái xe, thấy chiếc xe chạy với tốc độ như điên hàng trăm mét thì không thể nói là mất bình tĩnh hay đạp nhầm chân ga được.
Bởi chẳng có điều gì xảy ra trước đó làm anh ta mất bình tĩnh. Chạy tốc độ cao như thế, lấn đường như thế, liệu có thể gây ra hậu quả chết người không?
Tôi cho rằng đến người không biết lái xe cũng tự biết rằng đi vào làn đường ngược chiều với tốc độ bình thường cũng đã là gây nguy hiểm cho người khác, chứ không cần phải chạy với tốc độ nhanh như vậy.
Vậy có thể coi đó là hành vi có thể gây nguy hiểm cho người khác, có thể gây chết người và có dấu hiệu của tội giết người hay không? Tại sao tất cả những vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng, đau xót vô cùng cũng chỉ là vi phạm an toàn giao thông mà không phải là tội khác?
Không ai muốn chăm chăm đi bắt tội người khác. Nhưng khi một người nào đó cố tình gây nguy hiểm đến tính mạng người khác thì liệu các cơ quan tố tụng có thể xem xét thật kỹ các tình tiết, thái độ của người điều khiển phương tiện trước khi gây ra tai nạn để mà đưa ra tội danh phù hợp với những người này hay không?
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Bạn đọc có thể trao đổi với tác giả qua mục bình luận dưới bài viết này hoặc gửi về email: [email protected]. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận