Khu vực nhà ga Vành đai 3 thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ do các nhà thầu phụ bị tổng thầu nợ tiền thi công - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Theo đó đến 1-10 phải xong hết 10 ga nhỏ, 31-12 phải hoàn thành ga Cát Linh và khu Depot. Mục tiêu cuối cùng đến 31-12-2016 hoàn thành phần xây lắp dự án.
Với mốc tiến độ trên, một lần nữa tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông lại bị vỡ so với tiến độ khai thác toàn tuyến từ 31-12-2016 mà Bộ GTVT đưa ra đầu năm nay.
Trước đó, tại lễ ra quân và phát động thi đua hoàn thành dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau Tết Nguyên đán 2016 vào ngày 3-3, đại diện Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (tổng thầu EPC) cam kết nguyện dốc hết sức để xây dựng công trình có chất lượng tốt nhất với tốc độ nhanh nhất.
Tại buổi lễ này Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu hoàn thành xây lắp dự án vào tháng 9-2016 để đưa tàu vào chạy thử và từ 31-12-2016 khai thác toàn tuyến. Tiến độ này cũng được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra trước đó.
Tại cuộc làm việc của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa ngày 13-6, lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt cho biết khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành 74%, gồm 100% trụ cầu khu gian (419 trụ) và 100% xà mũ các nhà ga (112 xà mũ), 100% công tác đúc dầm (806 phiến) và lao lắp được 778/806 phiến; 10/12 nhà ga cơ bản hoàn thành đến tầng ke ga đang lắp đặt dàn mái thép và xây dựng trang trí nội thất, ga Cát Linh và ga Vành đai 3 đang thi công cột và sàn tầng 2.
Dự án đã giải ngân vốn ODA (vay Trung Quốc) được 241,76 trong số 419 triệu USD (58%).
Được biết đến thời điểm này, so với tiến độ yêu cầu, một số hạng mục còn lại của dự án đang bị chậm 1 - 5 tháng.
Bên cạnh đó, cùng với việc thi công cầm chừng, chậm thanh toán cho thầu phụ, tổng thầu EPC vẫn chưa chưa chấp nhận chốt giá trị điều chỉnh cuối cùng của dự án, trong khi dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC.
Một trở ngại nữa là nguồn vốn vay bổ sung 250,62 triệu USD từ Trung Quốc để tăng tổng mức đầu tư từ 522 triệu USD lên 868 triệu USD vẫn chưa được chốt chính thức.
Ngoài ra, chủ trương của Bộ GTVT về thay đổi công nghệ điều khiển đoàn tàu của dự án theo hợp đồng EPC là công nghệ "ATC - Automatic Train Control" sang công nghệ "CBTC - Communication Based Train Control" tiên tiến hơn, tương đồng công nghệ với các dự án đường sắt đô thị khác của Hà Nội và TP.HCM đang triển khai cũng ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận