25/02/2024 11:28 GMT+7

Lãi tiết kiệm giảm sâu: Nỗi khổ của bên cầm tiền

BÔNG MAI
và 1 tác giả khác

Trong khi lãi suất tiết kiệm rơi xuống đáy trong vòng 20 năm trở lại đây, nhiều người muốn đầu tư ở kênh khác nhưng sợ rủi ro.

Lãi suất tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lãi suất tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lãi suất huy động thấp kỷ lục, chị Nguyên Minh (Hà Đông, Hà Nội) nhẩm tính sẽ rút một phần lớn tiền tiết kiệm đem đầu tư.

Đầu tư đâu cũng thấy khó

Chỉ mới hơn một năm trước, ba cuốn sổ tiết kiệm với các kỳ hạn khác nhau với tổng trị giá hơn 2 tỉ đồng đem về cho chị mức lãi suất bình quân hơn 10%/năm. Tính sơ qua, chị nhận về được hơn 100 triệu đồng tiền lãi với kỳ hạn 6 tháng.

Nhưng mọi thứ bắt đầu khác, khi thời hoàng kim của tiền gửi ngày càng xa cách. Cũng với số tiền 2 tỉ đồng, nếu gửi Vietcombank kỳ hạn 6 tháng, lãi lúc đáo hạn chỉ nhận về khoảng 30 triệu đồng.

Do lãi suất tiền gửi quá thấp, chị Nguyên Minh dự định dùng nửa phần tiền đang có đầu tư chứng khoán. Chị tính: năm ngoái VN-Index tăng hơn 12%, giả sử năm nay đi ngang so với năm ngoái thì vẫn "ăn đứt" gửi tiết kiệm.

Nhưng kiểu đầu tư "3 chữ cái", đội nhóm hô hào đầy rủi ro, chị Minh quyết tâm đầu tư một cách căn bản nhất bằng cách đọc các báo cáo chiến lược đầu tư. Từng là cử nhân kinh tế, đang làm kế toán công ty xây dựng, nhưng chị vẫn thấy "cực" vì mệt mỏi.

"Đọc xong thấy ngành nào cũng tiềm năng, nhưng vẫn không biết nên mua con gì", chị Minh tâm sự.

Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều người đang có tiền nhàn rỗi nằm trong ngân hàng. "Đồng tiền đứng yên là đồng tiền "chết", nhưng không biết phải làm sao cho nó "sống". Thời buổi này đầu tư khó quá", anh Minh Tiến (32 tuổi) than thở.

Do lãi suất rẻ, nhiều người chọn kênh chứng khoán. Theo dữ liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), tháng đầu năm 2024 ghi nhận gần 125.200 tài khoản do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ của năm trước.

Sau nhiều phiên tăng điểm, khép lại phiên giao dịch cuối tuần này, chỉ số VN-Index chìm trong sắc đỏ, rớt hơn 15 điểm (-1,25%), mức giảm mạnh nhất so với các thị trường khác ở châu Á trong cùng ngày, lùi về mốc 1.212 điểm khiến không ít nhà đầu tư hoang mang.

Đầu tư kiểu ăn xổi, rủi ro dài

Ông Đỗ Bảo Ngọc - phó tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam - cho biết thị trường sẽ không tăng mãi; khi đà hưng phấn kéo dài, áp lực cung gia tăng và nhịp điều chỉnh giảm là không tránh khỏi.

Nếu nhà đầu tư vội vã "ôm tiền" từ tiết kiệm đổ sang chứng khoán trong bối cảnh lãi suất thấp mà không hiểu được vị thế tài chính và điều kiện đầu tư của mình thì sẽ tổn thất.

Ở kênh trái phiếu, nhiều người vẫn đang khóc ròng.

Chị H. (Hà Nội) chia sẻ đã rót 6 tỉ đồng mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, những tưởng có lãi tốt, nhưng kết quả là lãnh đạo doanh nghiệp này bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khiến chị điêu đứng, hai năm rồi gốc còn không được trả huống chi lãi, cũng chưa biết chính xác bao giờ được nhận lại tiền của mình.

Năm nay, nỗi lo doanh nghiệp không đủ sức trả nợ đúng hẹn cũng đè lên nhà đầu tư - chủ nợ.

Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cho biết áp lực đáo hạn vào năm 2024 - 2025 tương đối lớn, khi nhiều trái phiếu đáo hạn vào năm ngoái được gia hạn thêm 1-2 năm, với giá trị hơn 36.900 tỉ đồng.

Giá trị trái phiếu đến hạn vào năm nay và năm tới lần lượt hơn 278.200 tỉ đồng và hơn 294.400 tỉ đồng, trong đó có khoảng 40% là trái phiếu bất động sản.

TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn thị trường tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM - đánh giá nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm áp đảo về lượng tiền giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đa số có xu hướng đầu cơ, rút ra - rút vô nhanh, ngắn hạn, chứ không phải đầu tư lâu năm và bền vững như nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư.

Việc "lướt sóng" kiếm lợi nhuận khiến dòng tiền không ổn định, chỉ cần bị tác động tâm lý là khiến thị trường nhanh chóng biến động mạnh, có ngày tăng - giảm hơn 5%.

Đối lập, ở những thị trường phát triển, nhà đầu tư có xu hướng đồng hành lâu dài với doanh nghiệp, quan tâm lợi nhuận công ty, cổ tức được chi trả.

Ở Việt Nam, nhiều người mua cổ phiếu chỉ quan tâm tới giá tăng - giảm thế nào trong ngắn hạn, nhiều khi chỉ biết mã cổ phiếu chứ không nhớ tên công ty.

Ông Nguyễn Thế Minh, giám đốc phân tích của Chứng khoán Yuanta, chia sẻ: "Muốn ở lại lâu dài và kiếm lợi nhuận bền vững từ thị trường, nhà đầu tư cần xác định lối đầu tư, cách phân bổ tài sản".

"Chú trọng doanh nghiệp tốt, vốn hóa lớn, nền tảng cơ bản vững chắc, thanh khoản tốt, đồng hành chủ doanh nghiệp, tài sản của mình cũng tăng theo sự tăng trưởng của doanh nghiệp", ông Minh chia sẻ phương pháp đầu tư.

Khi người gửi tiền phải trầm tưKhi người gửi tiền phải trầm tư

Phải giảm lãi suất để người làm ăn có thể vay vốn ngân hàng - lời kêu gọi vang lên trong cả năm 2023, cuối cùng cầu đã được, ước đã thấy: lãi suất đã giảm sâu, cả lãi tiền gửi và lãi tiền vay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp