Quang cảnh hội nghị - Ảnh: TRUNG TÂN
Đó là nhận định của ông Trần Xuân Hải - phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, tại hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng "đen" do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng 8-3 tại tỉnh Gia Lai.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Đăk Nông, hiện trên địa bàn tỉnh có 186 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trong đó có 38 cơ sở với 38 đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan đến tín dụng "đen".
Các đối tượng chủ yếu dùng tờ rơi tiếp thị với nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người vay như vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay…
Ông Trần Xuân Hải, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TRUNG TÂN
Trái lại, người vay phải trả lãi suất rất cao từ 282-365%/năm, nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con.
Đến lúc đó, nhóm người này sẽ có nhiều thủ đoạn đòi nợ hết sức manh động, gây sức ép đối với người đi vay và nhân thân của họ như đe dọa, khủng bố tinh thần, đổ chất thải, chất bẩn vào nơi ở, nơi sinh hoạt của người vay, tụ tập đông người tại nơi làm việc, kinh doanh, sản xuất của họ và người thân để gây sức ép, thuê các đối tượng hình sự, để đe dọa…
Một băng nhóm từ Hải Phòng vào Đắk Lắk hoạt động tín dụng "đen" bị công an triệt xóa - Ảnh: TRUNG TÂN
Về thực trạng tín dụng "đen", ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), nhận định tín dụng "đen" ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và an ninh trật tự của người dân.
Theo phản ảnh của đại diện công an tỉnh, thành, tín dụng "đen" chủ yếu xuất phát từ các nhu cầu vốn không hợp pháp như lô đề, cờ bạc, cá độ...
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết nạn tín dụng đen 4 năm trở lại đây diễn biến rất phức tạp - Ảnh: TRUNG TÂN
Theo thống kê, trong 4 năm trở lại đây, trên toàn quốc đã có 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng "đen" bao gồm 56 vụ giết người, 398 vụ gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản…; trong đó khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỉ đồng do vỡ nợ dây chuyền.
Vay tín dụng đen vì ngại thủ tục của ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7.211.457 tỉ đồng, tăng gần 14%, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 1,78 triệu tỉ đồng, tăng 21,4%...
Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người dân, nhất là khách vay cần tiền để giải quyết nhu cầu chính đáng, các ngân hàng đã rất nỗ lực cải thiện, giảm nhiều thủ tục vay vốn.
Điển hình Agribank đang triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng với khoảng 5.000 tỉ đồng. Món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng. Thủ tục xét duyệt, giải ngân chỉ trong ngày.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều người dân e ngại thủ tục ngân hàng phức tạp nên vẫn tìm đến tín dụng 'đen'. Có nhiều người phải bán nhà để trả nợ vì lãi suất vay quá cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận