17/06/2023 19:30 GMT+7

Lãi suất tiết kiệm giảm, nhà đầu tư sẽ dồn vào chứng khoán, bất động sản?

Thị trường chứng khoán, bất động sản năm 2022 khiến nhiều nhà đầu tư thấy 'sợ'. Do vậy dù giảm lãi suất tiền gửi thì cũng khó có chuyện tất tay vào các kênh này như thời điểm dịch, theo chuyên gia.

Lãi suất tiết kiệm giảm, nhà đầu tư sẽ dồn vào chứng khoán, bất động sản? - Ảnh 1.

Chuyên gia cho rằng không quá lo ngại chuyện "all in" (tất tay) vào chứng khoán hay bất động sản... ngay cả khi kênh tiết kiệm kém hấp dẫn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lãi suất điều hành tiếp tục hạ từ 19-6 theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, đánh dấu đợt giảm thứ 4 liên tiếp từ đầu năm nay. Điều này sẽ tác động như thế nào tới nền kinh tế?

Khó giảm ngay lãi suất cho vay

Theo Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Đợt này, trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng sẽ xuống 4,75% một năm. Ngân hàng Nhà nước nói động thái này sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm lãi suất cho vay với khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, định hướng các tổ chức tín dụng "mạnh dạn" và "quyết liệt" hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân.

Một số ý kiến cho rằng xu hướng hạ mặt bằng lãi suất cho vay sẽ rõ hơn trong thời gian tới nhờ nỗ lực từ Ngân hàng Nhà nước và trong điều kiện thị trường cho phép khi cầu tín dụng yếu.

Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính) - lại không quá kỳ vọng đợt giảm lãi suất điều hành lần này có thể kéo nhanh lãi vay trên thị trường đi xuống.

Ông nói với Tuổi Trẻ: "Lãi vay như thế nào vẫn do thị trường quyết định. Nhìn lại ba lần giảm liên tiếp trước, thực tế vẫn giảm chưa đáng kể vì bản thân các ngân hàng cũng có nhiều cái "khó".

Chẳng hạn nợ xấu nhiều và có xu hướng gia tăng. Ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro dẫn đến chi phí tăng và dư địa để giảm lãi suất hẹp lại. Hầu hết những nước đang phát triển như Việt Nam đều có độ rủi ro cao trong kinh doanh, do vậy độ chênh giữa lãi suất huy động và cho vay lớn.

Nếu muốn cho vay giảm thì phải giảm huy động, dễ dẫn đến khó khăn trong việc hút tiền gửi. Dòng tiền sẽ chuyển sang tìm các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… khi khách hàng thấy tiền gửi "không ăn thua". 

Bản thân các ngân hàng cũng phải cạnh tranh rất lớn trong việc huy động tiền gửi, rất phức tạp. Chưa kể, nhiều nước trên thế giới duy trì lãi suất cao".

Do vậy theo ông Cường, giảm lãi suất điều hành dù có tác động ít nhiều nhưng sẽ "từ từ". Chưa kể thời điểm này dù có giảm lãi suất thì tăng trưởng tín dụng vẫn thấp bởi "doanh nghiệp vay cũng không biết làm gì".

Gốc rễ vấn đề, ông Cường cho rằng vẫn là ở câu chuyện tăng trưởng kinh tế, không thấy có cơ hội kinh doanh họ cũng không vay kể cả lãi suất thấp.

Lãi suất giảm, vẫn không lo rút tiết kiệm tất tay sang chứng khoán, bất động sản…

Nêu quan điểm, chuyên gia Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích CTCP chứng khoán Yuanta Việt Nam - cũng nói việc giảm lãi suất điều hành sẽ có độ trễ, khó có thể "ngay và luôn". "Ít nhất phải sang quý 3, khi áp lực chi phí vốn giảm, ngân hàng mới có thể giảm lãi suất cho vay", ông Minh chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Những lần nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương luôn tác động vào thị trường chứng khoán. "Như chúng ta thấy, chứng khoán là kênh được hưởng lợi ngay. Khi tiền gửi tiết kiệm bớt hấp dẫn, sẽ có sự dịch chuyển sang kênh khác", ông Minh nói.

Vậy vấn đề đặt ra liệu hạ lãi suất tiết kiệm có ảnh hưởng nhiều đến thanh khoản, cung tiền của các ngân hàng? Ông Minh cho rằng thời điểm hiện nay rất khác so với cách đây 2 năm. Do vậy, không quá lo ngại chuyện "all in" (tất tay) vào chứng khoán hay bất động sản... ngay cả khi kênh tiết kiệm kém hấp dẫn. 

"Nhà đầu tư vẫn còn sợ, bài học còn đó. Thực tế tiền gửi vừa qua của doanh nghiệp và người dân vào ngân hàng rất dồi dào", ông Minh nói.

Thêm nữa, ông Minh dự báo khả năng cao Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng các công cụ khác (cung tiền M2, dự trữ bắt buộc...) để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Do vậy các ngân hàng có dư địa để giảm lãi suất tiết kiệm, giảm lãi suất cho vay.

Cũng theo vị này, bản thân các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp kinh doanh tiền. Do vậy các biện pháp áp đặt sẽ dễ dẫn tới phản tác dụng.

"Hãy để thị trường quyết định, tôi cho rằng mấy tháng cuối năm lãi suất cho vay sẽ giảm. Họ cũng phải hạ để kéo khách hàng, kích thích tăng trưởng tín dụng trở lại", ông Minh dự báo.

Lãi suất giảm sẽ ‘cởi trói’ cho tăng trưởng tín dụngLãi suất giảm sẽ ‘cởi trói’ cho tăng trưởng tín dụng

Động thái giảm lãi suất huy động của nhiều ngân hàng được kỳ vọng sẽ sớm kéo lãi suất cho vay trong thời gian tới, mở đường cho tín dụng tăng trưởng trở lại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp