Mức lãi suất cơ sở này đang thay thế lãi suất huy động kỳ hạn 12 - 13 tháng, làm căn cứ để ngân hàng cộng thêm biên độ, từ đó định ra mức lãi vay cuối cùng mà khách hàng phải trả.
Theo ghi nhận của chúng tôi, lãi suất cơ sở tại nhiều ngân hàng cổ phần đang neo ở mức 8,5 - 9%/năm, dù mức lãi suất huy động cao nhất chỉ còn 5,8 - 6%/năm.
Giảm lãi suất huy động, tăng lãi suất vay!
Vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh với kỳ hạn một năm tại một ngân hàng cổ phần lớn, chị An (TP.HCM) cho biết suốt sáu tháng qua lãi vay cố định ở mức 10%/năm. Cũng trong thời gian này, lãi suất huy động giảm rất mạnh. Do vậy, chị An liên hệ với ngân hàng với kỳ vọng được giảm lãi vay xuống mức "dễ thở" hơn trong kỳ điều chỉnh lãi suất vào tháng 9 này.
Thế nhưng, trái với kỳ vọng của chị An, nhân viên tín dụng thông báo do đã hết thời gian ưu đãi nên lãi suất vay từ tháng 9 không những không giảm mà sẽ tăng lên mức 12,5%/năm.
Chị An bức xúc cho biết lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này chỉ còn 6,1%/năm, cộng với biên độ khoảng 3,5%/năm, cao lắm chị chỉ phải trả lãi vay khoảng 9,6%/năm, tức vẫn giảm hơn mức cũ 0,4%/năm.
Thế nhưng, lãi cho vay của ngân hàng này lại tăng từ 10% lên 12,5%/năm, tức hơn gấp đôi lãi suất huy động cao nhất. "Khi tôi chất vấn, nhân viên tín dụng cho biết ngân hàng lấy mức lãi suất cơ sở để làm căn cứ cộng thêm biên độ chứ không căn cứ mức lãi suất huy động kỳ hạn 12, 13 tháng như trước đây", chị An bức xúc kể.
Chị Nguyễn Hồng Minh (ngụ quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết cứ nghĩ ngân hàng thừa tiền và lãi suất huy động giảm còn 6%/năm, lãi suất cho vay cũng giảm theo, nào ngờ lãi vay vẫn rất cao.
Chị này kể cần vay thêm 1,6 tỉ đồng để chuyển đổi sang căn nhà rộng hơn. Thế nhưng, lãi suất cho vay được ngân hàng báo là 11,6%/năm nếu có tài sản đảm bảo, còn không có tài sản đảm bảo thì 12,5%/năm.
"Ngân hàng còn nói đây là mức lãi suất ưu đãi được cố định trong 24 tháng. Sau thời gian này, lãi suất sẽ thả nổi được tính bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3 - 3,5%/năm tùy theo ngân hàng.
Nói chung, lãi vay vẫn quanh mức 12%/năm khiến khách hàng như tôi vô cùng chật vật trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút như hiện nay" - chị Minh than thở.
Dùng "tiểu xảo" để tăng lãi suất cho vay!
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, một số ngân hàng TMCP áp dụng nhiều chiêu hấp dẫn để thu hút khách hàng. Chẳng hạn, một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội đưa ra mức lãi suất cho vay cực mềm chỉ 5,9%/năm và 7,7%/năm đối với cho vay mua nhà.
Thế nhưng, mức này chỉ được cố định trong 3-6 tháng sau khi giải ngân. Và sau đó, lãi suất sẽ được thả nổi bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3,5%/năm. Như vậy, lãi vay quẩn quanh đâu đó 12,5%/năm.
Đó cũng là trường hợp mà chị An gặp phải. Theo bảng lãi suất cơ sở tại ngân hàng mà chị An vay, được ban hành ngày 8-8, mức lãi suất cơ sở áp dụng cho kỳ hạn 10 - 12 tháng lên đến 9,3%/năm.
Nếu vay trung dài hạn, mức lãi cơ sở lên đến 9,8%/năm. "Như vậy, sau khi cộng thêm biên độ 3,2%/năm, mức lãi suất cho vay lên tới 12,5%/năm cho kỳ hạn một năm. Tôi té ngửa vì như vậy khác gì cộng biên độ hai lần", chị An bức xúc.
Tuy nhiên, không riêng gì ngân hàng này, theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các ngân hàng đều lấy mức lãi suất cơ sở làm căn cứ để cộng thêm biên độ thay vì mức lãi suất huy động.
Trong khi đó, ngay tại các ngân hàng lớn, biểu lãi suất cơ sở được áp dụng khá cao dù lãi suất huy động đã giảm mạnh. Có ngân hàng chia lãi suất cơ sở này theo từng mục đích vay và thời gian giải ngân.
Chẳng hạn, vay mua bất động sản, lãi suất cơ sở áp dụng với các khoản giải ngân từ năm 2023 là 10,5%/năm, nếu giải ngân từ năm 2019 - 2022 là 11,5%/năm và giải ngân trước 2019 là 12%/năm.
Có ngân hàng áp dụng một mức lãi suất là 9%/năm, nhưng cũng có ngân hàng chia theo từng kỳ hạn vay. Ví dụ, nếu vay 12 tháng sẽ áp dụng lãi suất cơ sở là 9,3%/năm, vay trên 12 tháng thì áp dụng lãi suất cơ sở 9,8%/năm.
Trong khi đó, từ cuối tháng 3-2023 đến nay, lãi suất huy động đã giảm đáng kể, từ mức 9 - 10%/năm xuống còn dưới 6%/năm. Tại các ngân hàng lớn gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, VPBank..., lãi suất huy động cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 5,8%/năm.
Còn kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng, phổ biến trên thị trường cũng quanh mức 5 - 5,5%/năm tùy ngân hàng. Như vậy, lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng cổ phần đang cao gấp hai lần lãi suất huy động cùng kỳ hạn!
Lãi suất huy động chưa thể hiện đủ chi phí vốn?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các ngân hàng cho rằng phải tính theo lãi suất cơ sở vì lãi suất huy động chưa thể hiện đầy đủ chi phí vốn của ngân hàng. Theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM, dù huy động 10 đồng nhưng ngân hàng chỉ có thể cho vay được 8 đồng, còn 2 đồng đưa vào dự trữ bắt buộc.
Chẳng hạn, ngân hàng huy động lãi suất 6%/năm, nhưng chi phí huy động vốn thực lên đến 6,2 - 6,5%/năm, chưa kể nhiều chi phí phát sinh khác như chi phí dự trữ thanh khoản. Hơn nữa, các ngân hàng rất khó huy động dài hạn mà chủ yếu huy động ngắn hạn, trong khi tỉ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ còn 34% (áp dụng từ 1-10-2022).
Như vậy, huy động 10 đồng vốn ngắn hạn, ngân hàng chỉ cho vay được 3-4 đồng trung dài hạn và sắp tới còn giảm nữa, chi phí vốn càng bị đội thêm. "Do lãi suất huy động không thể hiện đầy đủ chi phí vốn nên ngân hàng mới xây dựng lãi suất cơ sở, trong đó có cộng thêm một số chi phí vốn thực", vị này nói.
Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận không loại trừ trường hợp ngân hàng lạm dụng điều này để giữ lãi suất cho vay ở mức cao. Nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi vì thông tư 06 vừa có hiệu lực từ ngày 1-9 cho phép khách hàng vay vốn để trả nợ ngân hàng khác, buộc các ngân hàng phải "nhìn trước ngó sau". "Bởi nếu lãi suất cho vay quá cao, khách hàng hoàn toàn có thể chuyển đến ngân hàng khác để vay", vị này nói.
Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng bản thân các ngân hàng cũng phải tự điều chỉnh lãi suất nhằm đảm bảo cân bằng giữa hai mục tiêu là hiệu quả kinh doanh và hấp dẫn khách hàng, nhất là trong bối cảnh đã có ngân hàng chấp nhận cho vay tín chấp để lấy khách hàng.
"Trong bối cảnh 'đang phải chữa bệnh thừa tiền', các ngân hàng cũng chịu áp lực phải điều chỉnh lãi suất cho vay về mức hợp lý. Những ngân hàng nào vẫn neo lãi suất cho vay ở mức cao sẽ phải giảm lãi suất cơ sở để kéo lãi suất cho vay xuống mức mà khách hàng chấp nhận được", vị này khẳng định.
Chờ tất toán các khoản huy động lãi suất cao
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần thừa nhận đang thừa tiền do tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 2% so với hạn mức được cấp là 9%. Áp lực trả lãi huy động với ngân hàng rất lớn, do huy động nhưng không cho vay được.
Cũng theo vị này, ngân hàng cũng đã giảm 2-3%/năm lãi vay cho khách hàng hiện hữu chứ chưa thể giảm mạnh lãi suất cho vay do vẫn còn những khoản huy động với lãi suất 10%/năm từ tháng 11-2022 chưa tất toán xong.
Tuy nhiên, với lãi suất huy động cao nhất chỉ còn 6%/năm, ngân hàng này sẽ tính toán cân đối để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Tùng - phó tổng giám đốc Vietcombank, từ đầu năm đến nay ngân hàng này đã ba lần giảm lãi suất cho vay, với tổng số tiền giảm lãi vay lên đến hơn 2.000 tỉ đồng.
Trong đó, những khoản vay phục vụ dự án sản xuất kinh doanh của khách hàng tốt, ngân hàng này áp dụng lãi vay chỉ 5%/năm. Với các khoản vay mua nhà hay vay tiêu dùng khác, lãi suất quanh mức 9%/năm.
Ngân hàng cần giải ngân 1 triệu tỉ đồng
Phát biểu tại cuộc làm việc về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì vào cuối tuần trước, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - thừa nhận ngành ngân hàng "đang chữa bệnh thừa tiền".
Theo mục tiêu đề ra, tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 khoảng 14 - 15%. Nhưng tính đến ngày 29-8, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỉ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm ngoái tăng 9,87%). Toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận