Lãi suất huy động đã vượt 10%/năm - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Lãi suất huy động tiền gửi được niêm yết trên website của Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) đã lên đến 10,5%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng, lãnh lãi cuối kỳ. Với kỳ hạn 12, 18, 24 và 36 tháng, lãi suất huy động cũng lên mức 10%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất huy động tiền gửi online cũng đã đạt mức 9,95%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, áp dụng kể từ ngày hôm nay 28-11. Còn nếu gửi từ 6 tháng, lãi suất đã lên mức 9,9%/năm.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng đưa lãi suất huy động online cho khách hàng chưa có sổ tiết kiệm, tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi tại MSB lên mức 9,9%/năm với kỳ hạn 15 và 24 tháng. Nếu gửi kỳ hạn 12 tháng lãi suất cao nhất là 9,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng lãi suất cao nhất là 9,7%/năm.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa tăng lãi suất huy động vào hôm nay, đưa lãi suất huy động cao nhất lên 9,3%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng, với số tiền từ 3 tỉ đồng trở lên. Với các kỳ hạn từ 6 - 11 tháng, lãi suất huy động cũng đồng loạt lên mức 9%/năm.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) lãi suất huy động đã lên mức 9,4%/năm.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, do không bị giới hạn bởi trần lãi suất huy động nên nhiều ngân hàng đã đưa lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng lên mức 9%năm, còn các kỳ hạn từ 1 - 6 tháng lãi suất huy động ở mức kịch trần 6%/năm.
So với đầu tháng 11, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã tăng khá nhanh đẩy lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân lên mức 14 - 15%/năm, chưa kể chi phí mua bảo hiểm.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã có văn bản cho biết nhận được phản ánh của các hiệp hội doanh nghiệp, hội doanh nghiệp thành phố và hội doanh nghiệp ngành nghề trên địa bàn về việc khi "doanh nghiệp muốn vay vốn phải mua bảo hiểm mới được ngân hàng xem xét cho vay".
Việc làm này đã làm tăng thêm chi phí vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh các chi phí đầu vào đang có xu hướng tăng… Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm.
"Các tổ chức tín dụng phải rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp "ép" khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thật sự cần thiết khi cấp tín dụng cho khách hàng, bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho khách hàng đúng quy định", Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM chỉ đạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận