22/10/2023 13:02 GMT+7

Lãi suất huy động về 2,8%/năm, sắp có đợt đua hạ lãi suất mới?

Tình trạng nợ xấu tăng nhẹ, việc Ngân hàng Nhà nước giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 34% xuống 30% và áp lực từ lạm phát, tỉ giá gây cản trở đà giảm lãi suất có thể tiếp tục xa hơn.

Nhiều doanh nghiệp đã vay được vốn với lãi suất giảm hơn, tuy nhiên vẫn còn những bất cập - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhiều doanh nghiệp đã vay được vốn với lãi suất giảm hơn, tuy nhiên vẫn còn những bất cập - Ảnh: TỰ TRUNG

Sắp có thêm đợt giảm đồng loạt lãi suất tiền gửi?

Cuối tuần qua Vietcombank hạ lãi suất với các kỳ hạn tiền gửi từ 1 tháng trở lên, từ ngày 20-10.

Với khoản tiền gửi 1 tháng, Vietcombank trả lãi suất 2,8%, 6 tháng đến dưới 1 năm 4,1%. Mức lãi suất cao nhất được niêm yết 5,1% với các khoản tiền gửi trên 1 năm.

Đến thời điểm này, Vietcombank có mức lãi suất huy động thấp nhất trong nhóm "Big 4". Cả Agribank, BIDV và VietinBank trả lãi suất cho kỳ hạn trên 6 tháng là 4,3%, cao nhất trên 1 năm là 5,3%.

Trên thị trường, ngoài PVCombank, NCB... duy trì lãi suất trên 6% kỳ hạn 6 tháng, hầu hết nhà băng đã đưa lãi suất về dưới mức này.

Tại báo cáo vừa công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết các ngân hàng vẫn đang hạ lãi suất theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Đến giữa tháng 10-2023, lãi suất huy động 12 tháng nhóm ngân hàng thương mại quốc dân là 5,3%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn (ACB, MBB, VPB, TCB) là 5,38%, còn nhóm ngân hàng thương mại khác là 5,7%, theo thống kê của KBSV.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn thị trường tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM - dự báo thị trường có thể sắp bước vào đợt hạ lãi suất huy động mới.

Tuy nhiên, ông Huân cũng cho rằng giảm lãi suất có thể sẽ tập trung hơn ở nhóm "big 4". Dòng vốn ngân hàng lớn này dồi dào, trong khi các ngân hàng khác vẫn sẽ giảm nhưng thận trọng hơn để giữ chân khách hàng.

Ông cũng cho biết về lý thuyết lãi suất tiền gửi giảm sẽ khiến một phần dòng tiền hướng đến các kênh đầu tư khác, chảy ra nền kinh tế, tìm kiếm cơ hội sinh lời cao hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, do vậy lượng tiền gửi vào ngân hàng vừa qua vẫn tăng...

Lãi suất cho vay ra sao?

Lãi suất cho vay bao giờ cũng có độ trễ nhất định so với huy động. Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, vừa qua nhiều doanh nghiệp đã vay được vốn với lãi suất giảm hơn, tuy nhiên vẫn còn những "tâm tư".

Ông Nguyễn Ngọc Luận - tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở TP.HCM - nói lãi suất giảm chủ yếu ở kỳ hạn vay ngắn 3-6 tháng, dao động khoảng 6-8%. Còn vay trung hạn một số nơi vẫn khoảng 10-13%.

"Tiếp cận mới thấy khó khăn, với chúng tôi, nếu vay dưới 6 tháng thì không kịp vòng quay sản xuất. Trong khi sản lượng tiêu thụ chậm, lợi nhuận nào để gánh lãi suất hơn mười mấy %, chưa kể đủ thứ điều kiện", ông Luận nói.

Thực tế nhiều doanh nghiệp than với khoản vay sản xuất, đầu tư "dài hơi", lãi suất vẫn ở mức cao. Ông N.V.M. - chủ một dự án xây dựng tòa nhà văn phòng ở Hà Nội - nói ngân hàng vừa giảm lãi suất cho vay dài hạn từ 14% xuống 12% nhưng đi kèm mua "gói" này "gói" kia. "Việc vay tới 12% vẫn quá cao, doanh nghiệp không làm gì để có lãi như vậy cả. Tôi nghĩ 10% sẽ hợp lý hơn", ông M. nói.

TS Nguyễn Hữu Huân cho biết ngân hàng cũng có những cái khó khi vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 34% xuống 30% từ 1-10-2023.

"Do chi phí cho các khoản vay dài hạn cao hơn, nên việc giảm cho vay cũng khó hơn", ông Huân nói. Về dư địa giảm lãi suất cho vay, theo vị chuyên gia, chỉ có một số ngân hàng lớn có dư địa để đưa về 5-6% với kỳ hạn dưới 6 tháng. 

Ngoài ra mức lãi suất khi áp dụng thực tế còn tùy tính chất quy mô doanh nghiệp, độ tín nhiệm và các yếu tố khác…

Báo cáo KBSV cũng cho biết lãi suất cho vay vừa qua đã giảm khi các nguồn huy động chi phí cao đáo hạn.

Tuy nhiên KBSV cũng chỉ ra tình trạng nợ xấu tăng nhẹ, việc Ngân hàng Nhà nước giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 34% xuống 30% và áp lực từ lạm phát, tỉ giá gây cản trở đà giảm có thể tiếp tục xa hơn.

Giảm lãi suất là cần thiết và thể hiện quyết tâm của ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ nền kinh tế, nhưng theo ông Huân, nút thắt lớn hơn cần giải quyết đó là doanh nghiệp không vay được vốn. "Nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện, không chứng minh được tài sản đảm bảo", ông Huân nói. 

Thêm nữa khi kinh tế còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn.

Gói hỗ trợ lãi suất giải ngân chỉ 1,7%, tại sao?Gói hỗ trợ lãi suất giải ngân chỉ 1,7%, tại sao?

Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng đánh giá lý do quan trọng là cả bên vay và cho vay đều e ngại bị đánh giá trục lợi chính sách. Ông cho rằng chính sách hỗ trợ cần thực tế hơn và nên tập trung vào giãn, giảm thuế.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp