Theo thống kê của Tuổi Trẻ Online dựa trên báo cáo tài chính 28 ngân hàng (không gồm Agribank), lợi nhuận trước thuế ngành này quý 1-2024 đạt hơn 72.090 tỉ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn lợi nhuận sau thuế đạt hơn 57.440 tỉ đồng, tăng khoảng 9,6%.
Toàn ngành ghi nhận tăng trưởng, nhưng "niềm vui" không đến với tất cả khi 9/28 nhà băng có lợi nhuận đi lùi.
Quán quân lợi nhuận ngân hàng nhưng tăng trưởng tín dụng âm
Dẫn đầu lợi nhuận toàn hệ thống vẫn là Vietcombank cùng tổng lợi nhuận trước thuế đạt 10.718 tỉ đồng, giảm hơn 4% so với cùng kỳ.
Có thể thấy "ông lớn" khởi động quý đầu năm không quá nhiều thuận lợi khi thu nhập lãi thuần giảm 1% so với cùng kỳ.
Các nguồn thu ngoài lãi thuần như kinh doanh ngoại hối, dịch vụ, mua bán chứng khoán kinh doanh của Vietcombank đều không bằng năm trước.
Cuối tháng 3-2024, dư nợ tiền gửi khách hàng tại Vietcombank giảm hơn 3% sau một quý, còn hơn 1,34 triệu tỉ đồng. Dư nợ cho vay cũng âm nhẹ, chỉ hơn 1,23 triệu tỉ đồng so với mức hơn 1,24 triệu tỉ đồng đầu năm.
Huy động lãi suất thấp kỷ lục, chi phí vốn của ngân hàng giảm xuống, nhưng việc "đẩy" vốn ra nền kinh tế không dễ dàng khiến tăng trưởng tín dụng "ông lớn" ì ạch.
Nguồn: BCTC
Vị trí "á quân" bảng xếp hạng không đến từ một "Big4" khác, mà là Techcombank - nhà băng tư nhân phát triển nhanh nhất tại Việt Nam năm 2023 (theo đánh giá từ Brand Finance).
Cụ thể, quý 1-2024, Techcombank lãi trước thuế 7.801 tỉ đồng, tăng gần 39%. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt gần 8.500 tỉ đồng, tăng 30%.
Cuối tháng 3-2024, tiền gửi khách hàng tại Techcombank đạt hơn 458.000 tỉ đồng, tăng chưa tới 1% so với đầu năm. Trong khi cho vay khách hàng đạt 552.577 tỉ đồng, tăng tới 7,8%.
BIDV và VietinBank lần lượt tăng trưởng gần 7% và 4% so với quý 1-2023. Trong đó, BIDV đạt lợi nhuận trước thuế 7.389 tỉ đồng, còn Vietinbank đạt 6.210 tỉ đồng.
Tại BIDV, số dư tiền gửi khách hàng tăng gần 2% trong quý 1, đạt hơn 1,73 triệu tỉ đồng. Trong khi cho vay đạt chưa tới 1%.
Ở VietinBank, số dư tiền gửi cũng chỉ nhích hơn 1%, lên hơn 1,42 triệu tỉ đồng vào cuối tháng 3, trong khi tăng trưởng tín dụng tăng gần 2,8%.
Theo dữ liệu của WiGroup, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân toàn hệ thống tại ngày 19-4-2024 là 4,55% - mức thấp kỷ lục trong vòng 20 năm.
Việc "thừa tiền trong kho" ở nhiều ngân hàng lớn như cuối 2023 sẽ khó lặp lại khi lãi suất rất thấp. Trong thông báo từ NHNN, đến cuối tháng 1-2024, tiền gửi của dân cư đạt 6,498 triệu tỉ đồng, giảm 0,53%. Còn tiền gửi các tổ chức đạt 6,676 triệu tỉ đồng, giảm tới 2,41% so với cuối năm 2023.
Những ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận "chóng mặt"
Dù tăng trưởng tín dụng toàn ngành nói chung còn ì ạch, nhưng quý 1 vẫn ghi nhận nhóm ngân hàng có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái như: LPBank (+84%), VPBank (+64%), HDBank (+47%), SHB (+11%), NamABank (+31%)…
Xếp thứ 7 trong bảng xếp hạng, lợi nhuận trước thuế VPBank đạt 4.181 tỉ đồng, tăng 64% so với quý 1-2023. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 3.141 tỉ đồng, tăng tới 90% cùng kỳ.
Theo lãnh đạo VPBank, lợi nhuận tăng mạnh do nhiều yếu tố. Trong đó, thu nhập lãi thuần hợp nhất tăng gần 19% do chi phí lãi giảm (lãi suất huy động về thấp giúp ngân hàng giảm chi phí vốn).
Báo cáo tài chính cho thấy cả tăng trưởng tín dụng và huy động tiền gửi khách hàng của VPBank đều quanh mức 3%.
Không chỉ thu nhập lãi thuần, các nguồn thu từ ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư của VPBank cũng tích cực…
Lãnh đạo NamABank cũng cho biết thu nhập lãi thuần trong quý 1 tăng trưởng tốt với 10%, trong khi dự phòng rủi ro tín dụng giảm... Nhờ vậy lãi trước thuế đạt 999 tỉ đồng, tăng 31%.
Trong khi, MBBank (-11%), ACB (-5%), VIB (-7%), Eximbank (-24%), ABBank (-68%), PGBank (-24%), Vietbank (-63%), SaigonBank (-35%)… nằm trong nhóm ngân hàng có tăng trưởng đi lùi trong quý 1-2024.
Cá biệt, NCB còn báo lỗ 42 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn dương 5,5 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận