27/07/2023 19:15 GMT+7

Lại rộ lên trò lừa đảo ‘đầu tư siêu lợi nhuận’, ‘làm việc tại nhà’

Lợi dụng tâm lý muốn kiếm tiền và nhu cầu đầu tư tích lũy trong giai đoạn kinh tế khó khăn, các đối tượng lừa đảo đang giăng bẫy người dùng bằng chiêu thức ‘việc làm tại nhà’ hoặc ‘đầu tư siêu lợi nhuận’.

Đủ chiêu trò mời gọi đầu tư siêu lợi nhuận hòng lừa đảo người dùng - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Đủ chiêu trò mời gọi đầu tư siêu lợi nhuận hòng lừa đảo người dùng - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, chiêu trò lừa đảo mời gọi đầu tư siêu lợi nhuận hoặc tuyển dụng việc làm tại nhà, việc làm online, việc nhẹ lương cao tái bùng phát thời gian gần đây. Dù không phải là thủ đoạn mới nhưng vẫn khiến nhiều người cả tin, dẫn đến bị lừa, thậm chí bị chiếm đoạt tài sản lên đến hàng tỉ đồng.

Đủ chiêu mạo danh lừa đảo mời gọi đầu tư

Kịch bản thường gặp với hình thức lừa đảo này là các đối tượng mạo danh thương hiệu, logo, hình ảnh nhận diện để tạo lập các trang điện tử, tài khoản Facebook, Telegram, Zalo, ứng dụng (app)... Tinh vi hơn, các đối tượng còn sử dụng hình ảnh, video, con dấu, chữ ký và tên tuổi các lãnh đạo, chuyên gia uy tín để tạo ra các hợp đồng, giấy cam kết, công văn… giả mạo.

Sau đó, chúng tiếp cận người dùng bằng những lời mời gọi công việc online hoặc các gói đầu tư cam kết siêu lợi nhuận, rồi lôi kéo họ thực hiện các khoản thanh toán hoặc đầu tư không hợp pháp, nhằm chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lên tiếng cảnh báo hiện đang có văn bản giả mạo văn bản của tổ chức này công bố thành lập quỹ đầu tư hòng lừa đảo nhà đầu tư.

Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng lên tiếng cảnh báo người dân về chiêu trò lừa đảo mạo danh, kêu gọi tham gia ký kết hợp đồng hợp tác gói đầu tư siêu lợi nhuận.

Theo đó, kẻ lừa đảo sử dụng con dấu giả và cắt ghép chữ ký lãnh đạo sở này kêu gọi đầu tư siêu lợi nhuận qua hợp đồng hợp tác, các nhóm chat trên các nền tảng mạng xã hội.

Đặc biệt, từ đầu tháng 7-2023, trên không gian mạng nở rộ hình thức lừa đảo trực tuyến thông qua cài đặt app mạo danh Chính phủ, Tổng cục Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các ngân hàng, quỹ đầu tư, dịch vụ tài chính…

Các đối tượng tiếp cận người dùng, mời kết bạn qua các ứng dụng mạng xã hội và gửi đường link tải ứng dụng giả mạo (tập tin .apk) và đề nghị người dùng cài đặt ứng dụng

Sau khi người dùng cài đặt, các đối tượng sẽ yêu cầu người dùng cấp quyền hỗ trợ (Accessibility) cho app mạo danh hoặc nạp tiền vào app này. Đây chính là điểm mấu chốt để những đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Chiêu thức này đã và đang gây ra hệ lụy vô cùng lớn, không chỉ ảnh hưởng uy tín của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, mà còn gây tâm lý hoang mang cho người dùng. Chưa kể, không ít người dùng bị các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt số tiền lớn, lên đến vài tỉ đồng.

Cần cảnh giác với yêu cầu kết bạn trên mạng

Theo các chuyên gia an ninh mạng, người dùng cần nâng cao cảnh giác trước những yêu cầu kết bạn bất ngờ trên các nền tảng mạng xã hội, chat... từ những người không quen biết. Đặc biệt, người dùng nên cẩn trọng trước những bẫy đầu tư siêu lợi nhuận hay lời mời làm việc online tại nhà. Không hành động (thanh toán dịch vụ bằng thẻ quà, tài khoản ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền khẩn, đầu tư dịch vụ tài chính cá nhân…) theo sự dẫn dụ của các đối tượng xấu, lạ mặt để tránh mất tiền.

Người dùng không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc tập tin .apk; không nhấn vào đường link lạ hay quét mã QR lạ, đáng nghi từ các email, tin nhắn không rõ nguồn gốc…

Khi có nhu cầu sử dụng, người dùng chỉ cài đặt ứng dụng từ các kho ứng dụng chính thống, cụ thể là Google Play (hệ điều hành Android) và App Store (hệ điều hành iOS). 

Khi thực hiện hoạt động giao dịch thanh toán, chuyển trả, đầu tư - tích lũy các dịch vụ tài chính cá nhân… qua app, người dùng chỉ thao tác trên các app chính thống được tải từ App Store hoặc Google Play.

Đặc biệt, người dùng tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, mã xác thực (OTP), thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân… cho bất kỳ ai, ngay cả người thân và bạn bè. Mọi hành vi đề nghị cung cấp mật khẩu và OTP đều là lừa đảo.

Bên cạnh đó, trước khi đầu tư hay giao dịch bất kỳ sản phẩm, dịch vụ tài chính nào, người dùng nên thận trọng và chủ động kiểm tra, đối chiếu các thông tin về sản phẩm, dịch vụ tại các website, tài khoản chính thống trên mạng xã hội (có tick xanh) hoặc liên hệ trực tiếp hotline của thương hiệu để được tư vấn cụ thể và chi tiết trước khi “xuống tiền”.

Vay tiền "đáo hạn ngân hàng": Chiêu lừa đảo cũ, nhiều nạn nhân mớiVay tiền 'đáo hạn ngân hàng': Chiêu lừa đảo cũ, nhiều nạn nhân mới

Thời gian gần đây, hoạt động cho vay tiền để đáo hạn ngân hàng diễn ra khá sôi động. Lợi dụng hoạt động này, nhiều kẻ đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp