09/12/2024 11:19 GMT+7

Lại nói về chuyện bị ép mua bảo hiểm

Vấn đề vay vốn ngân hàng "phải" mua bảo hiểm lại một lần nữa nóng lên trong những ngày gần đây khi Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo nghị định 88 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Lại nói về chuyện bị ép mua bảo hiểm - Ảnh 1.

Nhân viên tư vấn cho khách mua gói bảo hiểm nhân thọ kèm bảo hiểm sức khỏe tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Trong đó, quy định phạt 400 - 500 triệu đồng nếu các ngân hàng gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ dưới mọi hình thức.

Đáng lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện bị ép mua bảo hiểm khi vay vốn được nhắc đến, mà năm 2023 vấn đề này đã được đẩy lên cao trào khi hàng loạt khách hàng tố ngân hàng "gài" họ vào thế buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ, khiến chi phí phải trả thực tế khi vay vốn bị đội lên.

Sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc với hàng loạt động thái như Ngân hàng Nhà nước và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thiết lập đường dây nóng nắm bắt và xử lý các phản ánh liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm tại ngân hàng.

Tiếp đến, Bộ Tài chính ban hành thông tư 67, cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay cho khách hàng.

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó quy định cấm ngân hàng gắn việc bán bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Thế nhưng, như phản ánh của Tuổi Trẻ những ngày qua, rốt cuộc người dân vẫn bị "ép" mua bảo hiểm với nhiều chiêu mà theo họ là tinh vi hơn như viện lý do để không giải ngân, nài nỉ, "nhờ hỗ trợ" hay cho... người thân đứng tên để lách luật. 

Không những thế, có ngân hàng còn yêu cầu người vay phải đóng phí bảo hiểm hai năm liên tiếp, chứ không dừng lại ở năm đầu tiên.

Trên thực tế, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dù quy định phạt 400 - 500 triệu đồng nếu các ngân hàng gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ chưa áp dụng vào thực tế, nhưng nhiều ngân hàng đã chuẩn bị nhiều chiêu ứng phó.

Chẳng hạn như khi ký hợp đồng mua bảo hiểm, ngân hàng mời khách hàng vào phòng có ghi âm, ghi hình để lưu bằng chứng và khách hàng cũng phải ký cam kết về việc tự nguyện mua bảo hiểm khi vay vốn... để tránh việc sau khi giải ngân khách hàng... tố ngược ngân hàng ép mua bảo hiểm, đòi hủy hợp đồng và trả lại tiền, cũng như tránh việc ngân hàng bị cơ quan quản lý phạt vì ép người vay mua bảo hiểm.

Vậy, cách nào khả dĩ nhất để giải quyết bài toán khó này? Tất nhiên sẽ rất khó có lời giải hoàn hảo nhưng nên bắt đầu từ việc chuẩn chỉnh từ khâu tư vấn.

Người mua buộc phải được tư vấn đầy đủ cả những điểm lợi và bất lợi trong hợp đồng và phía ngân hàng phải có công cụ để hậu kiểm, thậm chí chế tài nếu có tình trạng tư vấn cho có, ép buộc người vay mua bảo hiểm.

Thậm chí ngân hàng cần công bố công khai lãi suất cho vay trong trường hợp người vay mua và không mua bảo hiểm, niêm yết trên website để họ tính toán, cân nhắc.

Như vậy mới đảm bảo được tính minh bạch và ngân hàng cũng tránh được việc người vay tố bị ép mua bảo hiểm khi vay vốn như thời gian qua.

Lại nói về chuyện bị ép mua bảo hiểm - Ảnh 1.Bị ép mua bảo hiểm, tài khoản số đẹp, cách nào tố cáo?

Ngân hàng Nhà nước cấm nhưng người đi vay tiếp tục bị ép mua bảo hiểm thì cách gì để tố cáo mà không làm ảnh hưởng đến khoản tiền đang cần vay tại ngân hàng đó?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp