01/07/2011 04:14 GMT+7

Lại ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Từ cuối tháng 5 đến ngày 30-6, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu kỷ lục: 28 người, trong đó có chín ca ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp (ngộ độc methanol), nguy cơ tử vong cao.

jwafiSR7.jpgPhóng to
Một bệnh nhân ngộ độc methanol đã qua cơn thập tử nhất sinh nhưng vẫn trong trạng thái lơ mơ, mắt nhìn mờ - Ảnh: Ngọc Hà

Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân cấp cứu vẫn còn “khiêm tốn” so với số bệnh nhân thực tế bị ngộ độc methanol trong cộng đồng. Có người uống ít, chất độc không kịp phát tác, người mềm ra, đau đầu, nghĩ là say rượu bình thường vì có khi chỉ ngủ một giấc, cảm giác ngộ độc nhẹ sẽ qua nhanh.

Mù mắt, hôn mê sâu...

Bệnh nhân ngộ độc methanol phải cấp cứu cũng có nhiều người biểu hiện giống với ngộ độc rượu thông thường: say xỉn, hôn mê, nhiễm toan (nhiễm axit trong máu)... Song theo các bác sĩ Trung tâm chống độc, tất cả trường hợp nhiễm độc methanol thì biểu hiện bệnh nặng nề hơn hẳn: hôn mê sâu hơn, nhiễm sâu hơn, khó thở, tụt huyết áp, nhiễm toan đều nặng nề hơn.

Methanol khi vào cơ thể không chuyển hóa và đào thải bình thường được mà chuyển thành những chất gây độc hệ thần kinh, gan, thận với những biến chứng nặng nề nhất: suy thận, vô niệu, suy gan, viêm gan, vàng da, viêm gan nhiễm độc, hôn mê, viêm thần kinh thị giác dẫn đến mù...

Ngày 30-6, tại phòng điều trị đặc biệt có hai bệnh nhân ngộ độc methanol do uống rượu. Ông P.H.S. (48 tuổi, Khâm Thiên, Hà Nội) nằm bất động trên giường trong trạng thái mê man, cử động chậm chạp. Theo anh H. - con trai ông S., ông S. bị bệnh gút nên nhiều tháng nay không hề uống rượu. Ba hôm trước, thấy bệnh tình đỡ, ông mua một chai vodka về nhâm nhi.

Bất ngờ chiều 28-6, khi đi làm về anh H. phát hiện bố mình nằm gục bên mâm cơm liền chuyển gấp đi cấp cứu. Ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ bệnh cảnh tai biến do bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê sâu, nhưng các kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy ông S. bị ngộ độc cồn công nghiệp do rượu.

Nằm kế giường của ông S. là chị N.T.N. (22 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội). Do buồn chuyện gia đình, tân cử nhân Trường ĐH M (Hà Nội) mua một chai vodka nhỏ về uống. Chỉ sau hơn một giờ N. cảm thấy khó thở, nôn liên tục và được nhập viện trong tình trạng kích thích giãy giụa.

Điều đau lòng, nhiều bệnh nhân được cứu sống, điều trị dài ngày rồi ra viện, nhưng biến chứng viêm dây thần kinh thị giác gây lòa thì không thể phục hồi.

Triển khai phác đồ “đón đầu”

Thực tế, methanol có trong các sản phẩm như dung dịch sản xuất sơn, dung dịch tẩy rửa (như dung dịch lau rửa máy photocopy, rửa cửa kính ôtô, dung môi làm sạch gỗ...), chất chống đông lạnh...

Methanol không phải là loại thực phẩm, vì vậy việc sử dụng các loại rượu có nồng độ methanol vượt mức quy định (ngưỡng cho phép là <0,1%, nghĩa là trong 1.000ml rượu chỉ có dưới 1ml methanol) có thể gây ngộ độc. Methanol có nhiệt độ bốc hơi thấp hơn rượu. Người làm rượu thường cho loại cồn khô này vào khi chưng cất, khi pha rượu (từ cồn) hay chế rượu thuốc để làm rượu chóng ra hơn, dậy mùi hơn.

Do số lượng bệnh nhân ngộ độc methanol nhiều bất thường nên trung tâm phải đưa ra một kế hoạch điều trị khẩn cấp khá đặc biệt. Nếu chờ kết quả định lượng methanol chắc chắn rồi mới điều trị thì nguy cơ tử vong rất cao.

Rút kinh nghiệm từ đợt ngộ độc rượu methanol ở các tỉnh phía Nam ba năm trước, trung tâm quyết định lọc máu liên tục ngay khi bệnh nhân nhập viện suy hô hấp nặng, nhiễm toan do rượu, chứ không chờ đến kết quả xét nghiệm định lượng methanol trong máu. Tất cả các trường hợp chẩn đoán lâm sàng này sau đó đều có kết quả nồng độ methanol trong máu cao.

TS Phạm Duệ khẳng định việc xác định liều lượng rượu nên sử dụng là bao nhiêu sẽ giúp người dùng tránh được nguy cơ ngộ độc và các biến chứng nặng nề do rượu. Giới hạn dùng với rượu mạnh (40-45O) không quá 30ml/ngày, với bia không quá 750ml/ngày.

Đã có bệnh nhân tử vong do ngộ độc methanol

TS Nguyễn Kim Sơn - phó giám đốc Trung tâm chống độc - khẳng định trong số những bệnh nhân ngộ độc methanol do uống rượu phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai tháng 6-2011 đã có một trường hợp tử vong. Đó là anh N.T.T. (40 tuổi, quận Hoàng Mai) được chuyển viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu và tử vong không lâu sau đó do ngộ độc methanol quá nặng, suy đa phủ tạng, không thể cứu chữa.

Theo gia đình, do đang xây nhà mới nên anh T. có mua một can rượu vodka về cho cả thợ và chủ uống. Anh T. uống nhiều và là người bị ngộ độc nặng nhất phải chuyển cấp cứu.

Điểm đặc biệt là bệnh nhân ngộ độc methanol năm nay đều không hề tìm đến những loại có giá thành rẻ tại các cơ sở rượu lậu, rượu tự nấu, rượu tại quán nước... Đa số bệnh nhân bất ngờ ngộ độc khi đã tìm đến loại rượu có “thương hiệu” là vodka Hà Nội.

“Rượu nhà máy có những quy chuẩn chặt chẽ, không thể có methanol nồng độ cao tồn dư như vậy. Chắn chắn đã xuất hiện cơ sở làm giả rượu vodka. Đáng chú ý nạn nhân phần lớn đến từ khu vực Hoàng Mai (Hà Nội). Do đó, trung tâm đã báo với đơn vị kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp rà soát, truy tìm cơ sở sản xuất, phân phối rượu giả hiệu vodka Hà Nội gây độc cho người dân thủ đô hơn một tháng qua” - TS Phạm Duệ cảnh báo.

Do vậy, trong thời gian này, người tiêu dùng nên chọn mua rượu vodka ở những cửa hàng uy tín để tránh xảy ra chuyện đáng tiếc.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp