21/05/2018 09:36 GMT+7

Lại mòn mỏi chờ chuyển mạng giữ số

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Người dùng di động tại Việt Nam chưa được chuyển mạng di động, giữ nguyên số dù quy định đã có hiệu lực hơn 4 tháng. Việc giảm giá cước di động liên mạng đã được thực hiện nhưng người dùng cũng chưa được hưởng lợi…

Lại mòn mỏi chờ chuyển mạng giữ số - Ảnh 1.

Nhiều khách hàng mong sớm được sử dụng dịch vụ đổi mạng di động, giữ nguyên số. Trong ảnh: tại quầy giao dịch một nhà mạng ở TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Theo thông tư 35 của Bộ Thông tin và truyền thông, từ ngày 8-1-2018 là thời điểm bắt đầu cung cấp dịch vụ chuyển mạng di động nhưng được giữ nguyên số. Đây được coi là bước thuận lợi để thúc đẩy cạnh tranh, bởi người tiêu dùng có thể dễ dàng chuyển đổi nhà cung cấp.

Chờ... Cục Viễn thông

Đến nay đã hơn 4 tháng trôi qua nhưng vẫn chưa thấy một công bố chính thức nào về việc thực hiện quy định trên. 

Tại thời điểm quy định bắt đầu có hiệu lực, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và truyền thông đưa ra lý do: "Trung tâm chuyển mạch quốc gia vẫn trong thời gian thử nghiệm, chưa có đánh giá cuối cùng để thực hiện chính thức, vì thế các nhà mạng chưa được triển khai".

Lúc đó, Cục Viễn thông cũng cho biết sẽ trình lãnh đạo bộ kế hoạch chính thức cho phép trung tâm chuyển mạch quốc gia vận hành chính thức. 

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, các nhà mạng đều cho biết đã sẵn sàng cho việc cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số, nhưng phải... chờ Cục Viễn thông phát lệnh.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó tổng giám đốc VinaPhone, tự tin cho biết với khách hàng có nhu cầu chuyển đến mạng VinaPhone sẽ được thực hiện rất nhanh. 

"Chúng tôi dự kiến thời gian hoàn thiện các thủ tục đăng ký chuyển mạng chỉ trong vòng 30 phút kể từ khi khách hàng đến đăng ký tại các điểm giao dịch của VinaPhone. Tổng thời gian chuyển mạng giữ số từ khi đăng ký đến khi hoàn thành việc chuyển mạng được quy định trong quy trình cung cấp dịch vụ" - ông Giang nói.

Những nhà mạng đang hoạt động tại Việt Nam sẽ tham gia chuyển mạng giữ số là: MobiFone, VinaPhone, Viettel, Vietnamobile. Theo sách trắng công nghệ thông tin truyền thông VN 2017, thị phần thuê bao di động của bốn nhà mạng này chiếm đến 97,9%. 

Như vậy, tuyệt đại đa số người dùng di động Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi dịch vụ chuyển mạng giữ số được cung cấp.

Không quá 7 ngày để chuyển mạng giữ số

Theo quy định, thời gian hoàn thành quá trình chuyển mạng tối đa 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu chuyển mạng của thuê bao đăng ký chuyển mạng đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Nguyên tắc là nhà mạng chuyển đi cắt dịch vụ sau đó nhà mạng chuyển đến mới mở dịch vụ.

Dự kiến nếu muốn chuyển mạng giữ nguyên số, các thuê bao di động phải thanh toán cho nhà mạng chuyển đến một khoản cước dịch vụ.

Sau khi chuyển mạng thành công, nhà mạng cũ sẽ cắt dịch vụ đang cung cấp cho thuê bao, nhà mạng mới sẽ mở dịch vụ. Khoảng thời gian giữa lúc cắt và mở dịch vụ không quá 6 giờ…

Giảm cước kết nối nhưng không giảm giá

Từ ngày 1-5-2018, theo thông tư 48/2017 của Bộ Thông tin và truyền thông, giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa hai mạng di động sẽ được giảm khoảng 20% so với mức cũ.

Cụ thể, trường hợp gọi đến số thuê bao của nhà mạng Viettel, mạng di động gọi đi phải trả cho Viettel 400 đồng/phút; gọi đến số thuê bao của các nhà mạng MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile, Gmobile, mạng di động gọi đi phải trả cho các nhà mạng này 440 đồng/phút. 

Trước đây, giá cước kết nối được quy định dao động từ 500-550 đồng/phút. Như vậy, giá cước kết nối mới đã giảm khoảng 100 đồng/phút so với giá cũ. Việc này khiến nhiều người kỳ vọng sẽ kéo theo việc giảm giá cước thoại ngoại mạng.

Theo Cục Viễn thông, tính đến hết tháng 2-2018, VN có tổng cộng hơn 119,5 triệu thuê bao di động đang hoạt động. 

Giả sử mỗi thuê bao chỉ cần phát sinh 10 phút các cuộc gọi liên mạng thì các nhà mạng đã tăng thêm lợi nhuận lên: 100 đồng/phút x 10 phút x 119,5 triệu thuê bao = 119,5 tỉ đồng. 

Tất nhiên số phút gọi thực tế của người dùng chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều, đồng nghĩa với lợi nhuận mà các nhà mạng thu về cũng tăng lên rất lớn.

Tuy nhiên, giải thích tại sao cước kết nối giảm nhưng không thể giảm giá cho người tiêu dùng, đại diện một nhà mạng cho rằng cước kết nối đi các nhà mạng khác giảm nhưng cước họ thu được khi các nhà mạng khác kết nối đến cũng giảm theo nên thành ra "chúng loại trừ nhau". 

Theo cách lập luận của nhà mạng này, họ phải làm cho số lượng cuộc gọi đi liên mạng tăng lên nhiều hơn thì mới được hưởng lợi theo quy định trên, từ đó mới tính tới chuyện có san sẻ với khách hàng của mình hay không.

Đại diện nhà mạng MobiFone cho biết: "Căn cứ vào mức giá cước kết nối mới, trong thời gian tới MobiFone sẽ tiếp tục ban hành thêm nhiều gói cước thoại ưu đãi hơn cho khách hàng". 

Điều đó có nghĩa là nhà mạng nhiều khả năng sẽ không những không giảm trực tiếp cước thoại mà còn nhân dịp đó tung ra thêm nhiều gói cước mới hơn (tất nhiên sẽ có khuyến mãi để gọi là có giảm giá). 

Khi đó, nhà mạng có tiếng giảm giá cho khách hàng (cũng là nhằm thu hút họ sử dụng dịch vụ mới của nhà mạng) vừa đảm bảo lợi nhuận của mình không ngừng tăng trưởng.

Theo nhận định của ông Trần Viết Quân - giám đốc Công ty ứng dụng di động Xanh: "Việc giá cước kết nối giảm từ ngày 1-5 có thể được xem là cơ hội để các nhà mạng tìm cách tăng nguồn thu bù trừ cho doanh thu thẻ cào bị sụt giảm mạnh trong thời gian qua (do ngừng khuyến mãi nạp tiền 50% cho thuê bao trả trước, ngừng cho phép dùng thẻ cào để thanh toán các dịch vụ nội dung số, trò chơi trực tuyến - pv). 

Với tham vọng doanh thu không ngừng tăng lên của mình, không dễ gì các nhà mạng đặt quyền lợi khách hàng lên trên "nồi cơm" của họ". 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu áp lực thị trường lớn hơn, chuyển mạng giữ số được đẩy nhanh, các nhà mạng sẽ phải chịu áp lực giảm giá trực tiếp cho người tiêu dùng.

Giá cước liên mạng hiện ra sao?

Hiện tại, giá cước một cuộc gọi liên mạng mà người dùng phải trả được tính bằng giá cước kết nối liên mạng + các chi phí khác + lợi nhuận của nhà mạng.

Trong khi đó, cước phí cuộc gọi di động ngoại mạng của các gói cước cơ bản của các nhà mạng lớn hiện nay dao động từ 1.380 đồng/phút đến hơn 2.000 đồng/phút tùy loại gói cước (với thuê bao trả trước) và khoảng 890-1.000 đồng/phút (thuê bao trả sau).

Nếu giá cước kết nối liên mạng được giảm khoảng 100 đồng/phút từ ngày 1-5-2018, theo các chuyên gia, điều này có thể khiến các nhà mạng tìm cách khuyến mãi để tăng lượng cuộc gọi đi liên mạng của khách hàng mình nhiều hơn để tăng lợi nhuận.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp