12/08/2010 07:28 GMT+7

Lại lừa đảo đi lao động ở Úc, Mỹ

Cảnh báo trên website của Đại sứ quán Mỹ
Cảnh báo trên website của Đại sứ quán Mỹ

TT - Những ngày qua, Tuổi Trẻ nhận được thông tin của nhiều người tố cáo Công ty TNHH một thành viên Đại Tây Dương (gọi tắt là Công ty Đại Tây Dương) lừa đảo đi hợp tác lao động ở Úc, Mỹ hoặc bao trọn gói thủ tục du học Mỹ, du lịch Pháp, Canada...

sGTG7flx.jpgPhóng to
Các nạn nhân đến trụ sở Công ty Đại Tây Dương để đòi lại tiền nhưng công ty đóng cửa im ỉm - Ảnh: H.T.V.

Theo đó, sau khi nhận hàng chục ngàn USD tiền đặt cọc của hàng chục người, giám đốc công ty không có chức năng xuất khẩu lao động này đã một đi không trở lại.

Nhận tiền cọc rồi... chuồn

"Bất kỳ người nào nói rằng họ đảm bảo chắc chắn việc cấp visa cho bạn hoặc có thể làm dịch vụ để lấy visa nhanh đều là lừa dối. Phòng lãnh sự xem những trường hợp giả mạo giấy tờ và những hành động phi pháp trong việc xin visa là vô cùng nghiêm trọng"

Ngày 27-1-2010, bà Nguyễn Thị Tươi cùng hai con là Nguyễn Thị Thoại Yến và Nguyễn Quang Thái từ Long An tới trụ sở Công ty Đại Tây Dương (5/3 Lê Đức Thọ, P.15, Q.Gò Vấp, TP.HCM) gặp giám đốc công ty Huỳnh Ngọc Hiếu ký hợp đồng hợp tác lao động đi hái trái cây ở Úc. Hợp đồng vừa ký xong, Công ty Đại Tây Dương yêu cầu bà Tươi đóng tiền cọc 4.000 USD. Bà Tươi trình bày do đường xa không dám mang theo tiền và xin công ty cho đóng sau. Nghe vậy, giám đốc Hiếu cho rằng bà Tươi làm như thế là thận trọng và lập tức cho xe công ty đưa bà Tươi về tận nhà để nhận tiền.

“Thấy công ty nhiệt tình tôi cũng mừng và yên tâm, nên khi về tới nhà tôi giao ngay 4.000 USD cho ông giám đốc, thậm chí còn đi mua giùm ổng hai bao gạo. Giờ nghĩ lại mới biết tụi nó nhiệt tình vì muốn chiếm đoạt tiền của tôi” - bà Tươi chua chát kể.

Theo hợp đồng đã ký, bên A (tức Công ty Đại Tây Dương) sẽ lo các thủ tục để hai người con bà Tươi đi hái trái cây tại thành phố Melbourne (Úc). Hợp đồng không hề đề cập các điều khoản về lương và thời gian công việc... Thời gian để hoàn tất các thủ tục là 95 ngày, nếu không thực hiện được các điều khoản trong hợp đồng thì công ty sẽ hoàn lại tiền cọc. Nhưng sau đó Công ty Đại Tây Dương đã không làm đúng theo cam kết, bà Tươi nhiều lần tới công ty đòi lại tiền cọc thì giám đốc Hiếu đều vắng mặt.

Đến ngày 30-6-2010, ông Hiếu chịu gặp mẹ con bà Tươi lập biên bản cam kết thanh lý hợp đồng và hứa sẽ hoàn lại tiền, nhưng từ đó đến nay bà Tươi đến công ty nhiều lần vẫn không đòi được tiền. Ông Hiếu “lặn” biệt tăm, điện thoại cũng không liên hệ được.

Cũng với chiêu trên, vào các ngày 26 và 27-3, ông Hiếu tiếp tục ký kết hợp đồng hợp tác lao động với các lao động Nguyễn Thiên Tân, Nguyễn Thị Huyền Trang và Trần Đình Hậu. Hợp đồng lần này ông Hiếu cam kết các lao động sang Úc làm việc được hưởng mức lương 1.600 USD, được bao đi lại, ăn ở, thời gian lưu trú là 30 tháng, làm việc theo ca tám giờ/ngày... Tổng chi phí là 7.000 USD, đặt cọc trước 1.000 USD khi ký hợp đồng.

Sau khi nhận tiền cọc, ông Hiếu cam kết đến 5-8 (riêng anh Hậu là 15-7) sẽ hoàn tất thủ tục cho các lao động, nhưng thời hạn hợp đồng đã qua từ lâu và đến nay nhóm người này không thể gặp mặt hay liên lạc được với ông Hiếu...

Công ty lừa đảo

Điều kiện để đi lao động ở Úc, Mỹ rất khó

Tại thị trường Úc, người lao động cần có kinh nghiệm 3-6 năm trong các lĩnh vực, trình độ ngoại ngữ tương đương chứng chỉ IELTS 4.0 trở lên. Riêng thị trường Mỹ, phải thông thạo ngoại ngữ. Người lao động muốn đi lao động tại hai thị trường này phải trực tiếp phỏng vấn qua các đại sứ hay tổng lãnh sự của các nước nói trên.

Hầu hết các nạn nhân nói trên cho biết họ tìm đến Công ty Đại Tây Dương để ký hợp đồng đi Úc làm việc do đọc thông tin quảng cáo trên mạng của công ty này.

Ngoài chiêu lừa người muốn đi xuất khẩu lao động, Công ty Đại Tây Dương còn cho nhiều người muốn đi du học, du lịch ăn “quả đắng”.

Do có nhu cầu đi du học ở Mỹ, ngày 2-12-2009, qua thông tin trên mạng, chị Chí Mỹ Nhi (Đồng Nai) đến ký hợp đồng đi du học Mỹ với Công ty Đại Tây Dương. Theo đó, Công ty Đại Tây Dương nhận tư vấn và làm các thủ tục du học Mỹ cho chị Nhi với tổng chi phí 7.000 USD, chị Nhi đặt cọc trước 1.000 USD, thời gian hoàn thành hợp đồng kể từ ngày ký là 60-90 ngày. Nhưng đến nay mộng du học trên đất Mỹ của chị Nhi vẫn chỉ là... mộng, trong khi giám đốc Hiếu đã biệt tăm với số tiền đặt cọc.

Chị Nguyễn Thị Lan Phương có người thân ở Pháp muốn bảo lãnh chị qua Pháp chơi ba tháng. Khi đi làm thủ tục thì điều kiện ràng buộc để quay lại VN của chị Phương không đáp ứng được nên không xin được visa. Tin tưởng Công ty Đại Tây Dương làm được các thủ tục “phức tạp” này, ngày 9-4-2010 chị Phương đã giao 2.000 USD tiền cọc cho giám đốc Hiếu, nhưng từ lúc nhận tiền cọc của chị Phương đến nay ông Hiếu đã “lặn” mất tăm...

Ngoài việc lừa tiền của hàng chục nạn nhân, ông Hiếu còn mang theo của họ cả hộ chiếu và chứng minh nhân dân gốc.

Ngày 9-8-2010, chúng tôi có mặt tại trụ sở Công ty Đại Tây Dương khi có hàng chục nạn nhân tìm đến đây đòi tiền nhưng công ty đã đóng cửa và không hoạt động nhiều ngày nay. Chúng tôi gọi điện cho ông Hiếu theo năm số điện thoại di động mà người lao động cung cấp nhưng không liên lạc được!

Ông Nguyễn Thành Long, trưởng Công an P.15, Q.Gò Vấp, cho biết công ty này đóng cửa nhiều ngày và giám đốc có hiện tượng bỏ trốn. Công an Q.Gò Vấp cho biết nhiều nạn nhân đã nộp đơn tố cáo Công ty Đại Tây Dương lừa đảo. Công an Q.Gò Vấp xác minh địa chỉ thường trú của ông Hiếu (69 Hồ Biểu Chánh, P.12, Q.Phú Nhuận) thì chính quyền địa phương cho biết ông Hiếu đã đi khỏi nơi cư trú mà không khai báo.

Ngày 2-7 vừa qua, Công an Q.Gò Vấp đã liên hệ và mời được ông Hiếu lên làm việc. Theo đó, ông Hiếu thừa nhận sai phạm và cam kết sau 10 ngày (kể từ ngày làm việc với công an - PV) sẽ gặp gỡ các nạn nhân để giải quyết và khắc phục vụ việc. Tuy nhiên, sau đó ông Hiếu đã không thực hiện lời hứa và có dấu hiệu bỏ trốn. Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, đội phó đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Q.Gò Vấp, cho biết sẽ tiếp tục điều tra, xác minh vụ việc.

Công bố quy tắc ứng xử trong xuất khẩu lao động

Sáng 11-8, Hiệp hội Xuất khẩu lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã công bố “Bộ quy tắc ứng xử dùng cho các doanh nghiệp VN đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài” cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động khu vực phía Nam.

Bộ quy tắc gồm 12 điều bao quát các nội dung như: quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn về đào tạo, tuyển chọn, tổ chức đưa lao động đi nước ngoài, các quy định về ký hợp đồng, tranh chấp trong lao động, xây dựng văn hóa kinh doanh... Trong đó chú trọng đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài...

Cảnh báo trên website của Đại sứ quán Mỹ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp