Người dân chờ khám bệnh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Năm 2019 chưa hết, viện phí rục rịch tăng, trước mắt là ở Hà Nội. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký tờ trình gửi HĐND TP đề nghị ban hành nghị quyết về giá dịch vụ y tế mới ở kỳ họp sắp diễn ra trong tuần này.
Áp dụng với nhóm bệnh nhân chưa có BHYT
Theo dự thảo nghị quyết được gửi kèm theo tờ trình, UBND TP Hà Nội đề nghị điều chỉnh giá bằng cách đưa thêm chi phí tiền lương, các chi phí trực tiếp vào viện phí, với tiền khám bệnh, tiền giường và trên 1.900 dịch vụ y tế đang thực hiện tại tất cả các tuyến y tế của Hà Nội.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Bình, trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND TP Hà Nội, cho biết việc điều chỉnh lần này thực hiện theo khung của Bộ Y tế, chỉ áp dụng với người không có bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập.
Ông Bình cũng cho rằng hiện tại Hà Nội chỉ có 10% dân số chưa có thẻ BHYT, nên diện bị ảnh hưởng không rộng.
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, hiện tỉ lệ người khám ngoại trú vượt tuyến lên đến 30-60% bệnh nhân tại khu vực phòng khám. Khám ngoại trú vượt tuyến là dịch vụ y tế không được bảo hiểm chi trả, do đó việc điều chỉnh phí cũng ảnh hưởng tới nhóm bệnh nhân này.
Ngoài ra, theo khảo sát độc lập về mức độ hài lòng của người bệnh công bố giữa năm 2019, viện phí là mục xếp bét trong số 11 vấn đề được đưa ra lấy ý kiến người bệnh.
Viện phí sẽ còn tăng
Theo lộ trình được Bộ Y tế công bố trước đây, đến năm 2020 bắt đầu thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí y tế trong viện phí, hoàn thành chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho bệnh viện (tính theo số giường kế hoạch) sang hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng thông qua BHYT.
Theo đó, theo lộ trình riêng trong năm 2019 sẽ điều chỉnh bao gồm các mục: điều chỉnh viện phí theo lương cơ sở mới từ 1.390.000 đồng lên 1.490.000 đồng và tính chi phí quản lý vào viện phí, sang năm 2020 đưa khấu hao tài sản cố định vào viện phí.
Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, do liên tiếp có nhiều loại giá như giá điện, xăng tăng, chỉ số giá tiêu dùng tăng theo, Bộ Y tế đã có văn bản cho biết việc điều chỉnh viện phí sẽ tùy tình hình thị trường, nếu chỉ số giá tiêu dùng cao thì hoãn điều chỉnh viện phí sang năm 2020 và đến 2021 mới đưa khấu hao tài sản cố định vào viện phí.
Song thực tế cho thấy việc điều chỉnh viện phí vẫn rải rác diễn ra trong năm 2019 và tại Hà Nội, trong kỳ họp hội đồng nhân dân diễn ra tuần này cũng có mục về điều chỉnh viện phí.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia về y tế khuyến cáo do xã hội hóa y tế rộng rãi, giá nhiều dịch vụ tại bệnh viện công lập không thấp hơn nhiều so với bệnh viện tư, trong khi bệnh viện tư phải chi phí từ xây dựng cơ bản, đầu tư thiết bị, đào tạo nhân lực...
Viện phí bệnh viện công cần được tính đúng tính đủ, nhưng cũng phải kèm theo các yêu cầu như minh bạch chi phí công - tư trong các dịch vụ liên kết, xã hội hóa, phí ngầm trong y tế... Nếu không, viện phí thì cứ điều chỉnh mãi, trong khi các chi phí bất hợp lý làm gia tăng chi phí y tế vẫn còn nguyên.
Người bệnh qua đời vẫn... chạy thận
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có thống kê về những bất thường trong thanh toán chi phí tại cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, có 2 người bệnh đã tử vong tại nhà nhưng sau đó vẫn phát sinh chi phí chạy thận nhân tạo và thuốc tăng sinh hồng cầu trên hồ sơ bệnh án, đề nghị thanh toán bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định và Bệnh viện 115, tỉnh Nghệ An.
Ngoài ra, có 4 người bệnh đã tử vong nhưng vẫn thấy có chỉ định dịch vụ.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh có người bệnh tử vong ngày 2-6, nhưng từ ngày 3 đến 28-6 vẫn thấy kê 12 lượt chi phí khám chữa bệnh trên 8,5 triệu đồng. Có 26 người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người thân đã qua đời để khám chữa bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận