Điều đó dẫn đến việc có một số lượng lớn trẻ em sống ở VN nhưng mang quốc tịch nước ngoài. Các em không được đến trường, không được pháp luật VN bảo hộ một cách tuyệt đối (*)...
Xoay quanh những vướng mắc pháp lý về vấn đề nêu trên, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với ông Nhâm Ngọc Hiển (phó trưởng phòng quản lý hộ tịch Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp). Ông Hiển cho biết:
- Trước đây số lượng cô dâu VN lấy chồng Hàn Quốc hằng năm chiếm tỉ lệ khá lớn, gần đây đã có dấu hiệu chững lại, giảm dần. Những năm trở lại đây, số lượng cô dâu Việt lấy chồng Trung Quốc có xu hướng gia tăng. Diện hợp pháp cũng có, bị bán cũng có, cũng không ít trường hợp trốn sang Trung Quốc kết hôn không hợp pháp. Vì vậy con số chính thức không thống kê được.
* Sau khi mục đích hôn nhân không đạt được, nhiều phụ nữ ôm con về VN mà không có bất cứ giấy tờ gì. Có hướng nào tháo gỡ vướng mắc cho những người này không, thưa ông?
- Vấn đề ở đây là cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cô dâu VN, khi kết hôn phải tuân thủ đúng quy định pháp luật để Nhà nước biết và có biện pháp bảo hộ, khi ly hôn, muốn về VN thì phải có bản án của tòa án, phải đấu tranh để có được quyền nuôi con, rồi mới đưa con về một cách hợp pháp với đầy đủ giấy tờ.
Đối với các trẻ em được đưa về VN cư trú không có giấy tờ, chúng ta chưa có bất cứ quy định nào để tháo gỡ, vẫn phải theo các nguyên tắc đăng ký của pháp luật hộ tịch.
Trên nguyên tắc, trẻ em sinh ra ở nước ngoài chỉ có thể được đăng ký khai sinh khi về VN cư trú trong trường hợp chưa có đăng ký khai sinh ở nước ngoài.
Trường hợp đã đăng ký khai sinh ở nước ngoài thì phải có giấy khai sinh, căn cứ vào giấy khai sinh đó, cơ quan có thẩm quyền VN sẽ thực hiện việc ghi chú khai sinh, sau đó cấp cho trẻ em giấy khai sinh của VN để sử dụng tại VN.
Nếu đã có quốc tịch nước ngoài thì vẫn được cấp giấy khai sinh của VN nhưng vẫn phải ghi quốc tịch của nước ngoài.
Trong trường hợp người mẹ muốn con có được quốc tịch VN để thuận tiện cho việc học hành, cư trú thì vẫn có thể làm thủ tục nhập quốc tịch VN cho con.
Nếu đứa trẻ không có giấy tờ tùy thân và không có quốc tịch VN nhưng vẫn sinh sống ở VN thì phải có hướng tháo gỡ để trẻ có giấy khai sinh, được đi học, được bảo đảm các quyền trẻ em khác. UBND các cấp phải có thống kê, báo cáo sở tư pháp, sở tư pháp sẽ phối hợp với các ngành có liên quan (công an, ngoại vụ) báo cáo UBND cùng cấp đề xuất hướng xử lý.
Trường hợp quá phức tạp, có thể báo cáo lên Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực để có giải pháp giải quyết.
* Theo quy định hiện nay, các cô dâu VN đăng ký kết hôn ở Trung Quốc thì chỉ cần xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Tuy nhiên sau khi kết hôn, nhiều cô dâu không thực hiện việc ghi chú kết hôn nên khi bỏ về VN không ly hôn được. Bộ Tư pháp có biện pháp gì để buộc các cô dâu hoặc phía Trung Quốc tuân thủ quy định về việc ghi chú hay không?
- Thông tư 22/2013/TT-BTP và nghị định 24/2013/NĐ-CP quy định trường hợp các cô dâu VN kết hôn ở nước ngoài sau đó về VN cư trú thì bắt buộc phải làm thủ tục công nhận (ghi chú) việc kết hôn, sau khi thực hiện thủ tục này thì việc kết hôn mới được pháp luật VN công nhận.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các cô dâu xin giấy xác nhận độc thân sau đó mang sang Trung Quốc làm thủ tục kết hôn và ở luôn bên đó. Sau khi họ xuất cảnh là phía cơ quan có thẩm quyền VN không biết họ làm gì, có kết hôn hay không, kể cả Đại sứ quán VN tại Trung Quốc vì họ không làm thủ tục gì tại đại sứ quán.
Có trường hợp lại về quê xin cấp giấy chứng nhận độc thân tiếp, trong khi pháp luật quy định giấy chứng nhận độc thân được cấp bất cứ khi nào đương sự có yêu cầu, với điều kiện phải nộp lại giấy chứng nhận độc thân cũ, nếu bị mất giấy cũ thì có thể làm bản cam kết. Họ chỉ cần cam kết là sẽ được cấp lại.
Trên thực tế, UBND cấp xã không thể xác định được họ có bị mất hay không, thế nên không kiểm soát được. Có trường hợp sang đó kết hôn rồi, lại về VN xin cấp Giấy xác nhận độc thân khác, cam kết là mất giấy cũ và chưa kết hôn.
* Không có quy định bắt buộc nào đối với việc ghi chú này sao, thưa ông?
- Pháp luật nước ngoài có quy định về việc tuyên thệ, cho phép công dân tuyên thệ và phải chịu trách nhiệm với lời tuyên thệ của mình, nếu sai sẽ phải chịu hậu quả khá nặng nề. Ở VN thì pháp luật cho cam kết, nói chung chung là sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng chịu trách nhiệm như thế nào thì lại chưa quy định rõ.
Vì thế, nhiều trường hợp cam kết không đúng, cam kết bừa, chúng ta không quản lý được. Hiện nay pháp luật mới quy định quyền đề nghị công nhận kết hôn, mà chưa quy định trách nhiệm của công dân, sau khi kết hôn, trong thời hạn bao lâu thì phải làm thủ tục ghi chú việc kết hôn. Do đó, pháp luật cũng chưa có chế tài việc không ghi chú.
* Năm 2013, Bộ Tư pháp có thông tư 22 quy định muốn xin giấy chứng nhận độc thân để kết hôn thì cả cô dâu và chú rể phải trải qua phỏng vấn ở sở tư pháp, nếu đạt mới được cấp giấy, từ đó xuất hiện tình trạng lách luật để được cấp giấy chứng nhận độc thân. Ông có ý kiến gì về tình trạng này?
- Xuất phát từ thực tế, có không ít trường hợp các cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài nhưng thực chất hai bên chưa biết nhiều về nhau, thậm chí mới chỉ quen biết nhau được 1-2 tuần, chỉ mới biết mặt, biết tên, đã làm thủ tục kết hôn.
Chính vì thế, để bảo đảm mục đích của hôn nhân, tăng cường sự hiểu biết giữa hai bên trước khi kết hôn, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của phụ nữ VN, theo ủy quyền của Chính phủ tại nghị định 24/2013/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn cụ thể trong thông tư 22/2013/TT-BTP thủ tục phỏng vấn đối với đương sự khi đề nghị cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Thông tư có quy định rõ trình tự, nội dung và yêu cầu phỏng vấn, trong một số trường hợp đặc biệt mới cần phỏng vấn cả hai bên. Nếu phỏng vấn không đạt yêu cầu thì đương nhiên không được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Quy định này nhằm “tiền kiểm” việc các cô dâu kết hôn với người nước ngoài, tránh tình trạng các cô dâu lấy chồng mà không biết gì về hoàn cảnh cá nhân, gia đình nhà chồng...
Chúng tôi cũng nhận được phản ảnh hiện nay có tình trạng lách luật, né luật, công dân VN xin giấy xác nhận độc thân sử dụng vào mục đích khác, sau đó mang thẳng qua nước ngoài để kết hôn. Vì vậy, khi làm thủ tục công nhận việc kết hôn sẽ bị phát hiện vi phạm, không được giải quyết.
Hoặc khi hôn nhân tan vỡ, họ ôm con về VN thì pháp luật VN không thể bảo hộ được quyền lợi cho họ, cũng như quyền lợi của đứa trẻ. Tình trạng này xảy ra nhiều ở Cần Thơ, Kiên Giang.
* Không có quy định nào để ngăn ngừa tình trạng lách luật, né luật để lấy chồng này sao, thưa ông?
- Tình trạng kết hôn giữa công dân VN với công dân Hàn Quốc, Trung Quốc hiện nay vẫn khá phức tạp.
Để bảo đảm quyền lợi của chính mình, công dân VN cần có ý thức tuân thủ pháp luật, cần phải ý thức được khi làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại nước ngoài thì mình phải có trách nhiệm xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đúng quy định, sử dụng giấy xác nhận đúng mục đích, có như vậy mới được Nhà nước tư vấn, hỗ trợ và có điều kiện để bảo hộ quyền lợi.
Ngoài ra, cần tự nâng cao nhận thức đối với cuộc sống sau hôn nhân, cần biết rõ về hoàn cảnh gia đình người chồng, về bản thân người đó, về phong tục, tập quán, đặc biệt là ngôn ngữ của khu vực mà mình sẽ sang sinh sống.
___________
(*): - Tuổi Trẻ từ 4 đến 9-8-2014.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận