07/04/2020 08:14 GMT+7

Lạc quan nhưng không được lơ là

LAN ANH - HOÀNG LỘC
LAN ANH - HOÀNG LỘC

TTO - Không phát sinh ổ dịch, chỉ có 5 ca mới trong hai ngày 5 và 6-4, nhiều ca được điều trị khỏi, hàng ngàn người hết thời hạn cách ly về nhà... Các chuyên gia y tế cho rằng đó là tín hiệu khá lạc quan trong cuộc chiến chống COVID-19 ở Việt Nam.

Lạc quan nhưng không  được lơ là - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra thân nhiệt và lộ trình của người dân khi đi qua chốt kiểm dịch quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chiều 6-4, trong cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Lạc quan, phấn khởi nhưng không được lơ là, chủ quan...

Dịch có chiều hướng giảm

Trong ngày 6-4, Bộ Y tế công bố thêm 4 bệnh nhân COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân ở Việt Nam lên 245 người. Đây là ngày nhiều bệnh nhân nhất trong 3 ngày qua (4-4 có 3 bệnh nhân, 5-4 có 1 bệnh nhân). Đã có rất nhiều ý kiến bày tỏ nỗi vui mừng và sự mong mỏi Việt Nam sẽ dần khống chế được dịch.

Nhận xét về tình hình dịch những ngày qua, ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho rằng chiều hướng của dịch COVID-19 tại Việt Nam những ngày qua so với thời điểm cuối tháng 3 và những ngày đầu tiên của tháng 4 đang có chuyển biến tích cực.

Theo ông Phu, có nhiều lý do dẫn đến kết quả này. Thứ nhất, thời gian qua Việt Nam đã giảm dần việc cho phép các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam. Từ đó khiến số ca mắc COVID-19 xâm nhập từ nước ngoài giảm dần. 

Ngoài ra, 2 ổ dịch nội địa lớn nhất là quán bar Buddha (TP.HCM) và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã bước đầu kiểm soát được. Đặc biệt ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai không ghi nhận thêm bệnh nhân mới trong ngày 5-4, riêng ngày 6-4 có thêm 1 ca (bệnh nhân 242, nhưng dấu hiệu chưa rõ và đang cần điều tra dịch tễ rõ ràng hơn).

"Tuy nhiên hiện nay chúng ta chưa đánh giá được tình hình chung của dịch vì còn phải xem những ổ dịch lẻ tẻ tại cộng đồng, như trường hợp bệnh nhân Hàn Quốc ở Bình Dương và bệnh nhân người Thụy Điển - bệnh nhân số 237 - ra sao. Vì thế giai đoạn này vẫn phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, đặc biệt nhất là biện pháp giãn cách xã hội" - ông Phu nhận xét.

Tương tự, bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - khẳng định để đạt được thành quả bước đầu chống dịch trong những ngày qua, ngành y tế đã có hành động kiểm soát tốt "đầu vào" và "đầu ra" ở các khu cách ly tập trung. Kế đến Chính phủ, ngành y tế đã có sự tuyên truyền tốt đến tất cả mọi người dân, từ đó tạo ra sự phòng thủ cần thiết. Ngoài ra, chúng ta cũng phải ghi nhận sự nỗ lực của toàn xã hội trong việc dí theo các ca "lọt lưới", từ đó có thể khoanh vùng cách ly một cách triệt để.

Theo bác sĩ Khanh, đặc biệt hơn nữa là trong thời gian qua, việc triển khai công tác xét nghiệm trên diện rộng, quyết định cách ly xã hội được Chính phủ đưa ra. Chính những điều này đã làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng. "Tất cả những điều này là nguyên nhân làm giảm ca bệnh và ngày càng tạo bức tranh phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở nước ta sáng sủa hơn. Tuy vậy, theo tôi, vẫn rất cần phải duy trì các giải pháp này trong vòng vài tuần tới" - ông Khanh nhận định.

Lạc quan nhưng không  được lơ là - Ảnh 2.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Kiến nghị kéo dài giãn cách xã hội

Khẳng định đây mới chỉ là những thành quả bước đầu, bác sĩ Khanh khuyến cáo: để duy trì "tín hiệu lạc quan" và hướng đến đẩy lùi dịch bệnh, sắp tới nước ta vẫn phải tiếp tục cách ly xã hội; giám sát các đối tượng có khả năng phát tán bệnh và cuối cùng là chờ vào thời tiết thuận lợi, khuynh hướng sinh học của loại virus thay đổi sẽ giảm các ca nhiễm.

"Để đạt được điều trên, trách nhiệm cá nhân vô cùng quan trọng. Bởi nếu một người dù chưa bệnh nhưng nếu không chịu cách ly xã hội thì người đó có thể bị lây bệnh từ người khác rồi phát tán ra những người xung quanh. Và nếu như tất cả mọi người đều hiểu điều này để cùng đồng lòng thực hiện thì việc đẩy lùi dịch bệnh chỉ là vấn đề thời gian" - ông Khanh nhận xét.

Một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM thận trọng khi nói số ca bệnh giảm trong hai ngày qua và "đó mới chỉ hai ngày, và nếu tình hình này kéo dài được một tuần trở đi mới có thể đánh giá tình hình dịch bệnh thực chất nhất. Mọi người nên lạc quan là điều tốt nhưng với dịch bệnh COVID-19 phải hết sức thận trọng, tuyệt đối không được lơ là".

Theo vị này, ngoài các giải pháp thực hiện trong thời gian qua như kiểm tra đo thân nhiệt, xét nghiệm nhanh tại sân bay, tổ chức cách ly tập trung, khoanh vùng kiểm soát những người liên quan đến các ổ dịch..., ngành y tế TP.HCM đang rất thận trọng khi tiếp tục có giải pháp căn cơ hơn. Đó là thành lập thêm 62 chốt, trạm kiểm dịch ở các tuyến đường cửa ngõ ra vào TP, các bến tàu, bến xe, nhà ga để kiểm soát triệt để dịch bệnh.

Nói thêm về giải pháp trong thời gian tới, ông Trần Đắc Phu cho rằng việc giãn cách xã hội là biện pháp hiệu quả và rẻ tiền nhất trong phòng chống dịch COVID-19. "Trong thời điểm hiện nay khi dịch đã ở cấp độ 3 (lây lan ngoài cộng đồng), việc áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên cũng là biện pháp bắt buộc và có hiệu quả rõ ràng" - ông Phu nói.

Về việc có tiếp tục giãn cách xã hội sau ngày 15-4 (chỉ thị 16 của Thủ tướng hướng dẫn giãn cách đến 15-4), một chuyên gia về dịch tễ cho rằng còn tùy thuộc vào tình hình dịch. Nếu dịch giảm bền vững thì sau 15-4 có thể nới bớt những ngặt nghèo về đi lại.

Tại cuộc họp với Chính phủ chiều 6-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đánh giá kết quả khả quan bước đầu của công cuộc phòng chống dịch bệnh là nhờ vào vai trò rất quan trọng của hai giải pháp: cách ly xã hội và ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào. Ông Long cho rằng đây là hai chính sách có ý nghĩa quyết định. Ông Long kiến nghị Thủ tướng xem xét kéo dài thời gian áp dụng các chính sách này nếu thấy cần thiết.

Lạc quan nhưng không  được lơ là - Ảnh 3.

Công an huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) xử lý người không đeo khẩu trang nơi công cộng - Ảnh: T.T.N.

Một ca ủ bệnh đến 23 ngày

Trong số 4 bệnh nhân COVID-19 Bộ Y tế công bố chiều 6-4 có bệnh nhân số 243 tên Q.Q.T. (47 tuổi, ở Mê Linh, Vĩnh Phúc) từng đưa vợ đi khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 12-3.

Sáng cùng ngày, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thông tin về ca bệnh trên, lưu ý có thể đây là trường hợp có thời gian ủ bệnh hơn 14 ngày (cụ thể là 23 ngày).

"Cả tháng nay họp chúng ta đã nói về bài học có ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc sau 27 ngày mới dương tính, ở Mỹ tính trung bình là 22,5 ngày, dài nhất ở Vũ Hán là 39 ngày mới dương tính. Còn chúng ta bây giờ tìm thấy bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai khám từ ngày 12-3. Từ hôm đó về nhà không tiếp xúc với ai, thế nhưng 23 ngày sau dương tính với COVID-19" - ông Chung thông tin tại cuộc họp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia về dịch tễ cho rằng phải xem lại thời điểm bệnh nhân có triệu chứng. Chuyên gia này cũng cho biết đã đề nghị Hà Nội làm rõ thêm thời điểm sau 12-3 bệnh nhân có đi đâu và có nguy cơ lây từ nguồn lây nào khác hay không.

L.ANH

Bệnh nhân liên quan bar Buddha diễn tiến nặng

Sáng 6-4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã hội chẩn liên viện với khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM và đã có chỉ định cho bệnh nhân COVID-19 thứ 91 chạy máy ECMO.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - cho biết ngay sau đó êkip đặc nhiệm về ECMO của Bệnh viện Chợ Rẫy đã sang hỗ trợ thực hiện ECMO cho bệnh nhân ngay tại phòng cách ly áp lực âm khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Bệnh nhân 91 là nam, quốc tịch Anh, 43 tuổi, trú tại quận 2, TP.HCM, là phi công Hãng hàng không Vietnam Airlines. Ngày 8-3, ông là hành khách từ London (Anh) về Việt Nam trên chuyến bay của Vietnam Airlines số hiệu VN10, số ghế 5K. Ngày 16-3, ông là phi công trên chuyến bay VN272 từ TP.HCM đi Hà Nội và VN607 chiều Hà Nội - TP.HCM trong cùng ngày.

Từ ngày 13 đến 18-3, ông lưu trú tại TP.HCM và tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có bar Buddha. Sau đó ông bị sốt, ho và đến chiều 18-3 tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM khám, nhập viện và cho kết quả dương tính với virus gây bệnh COVID-19. Ngay từ khi nhập viện, ông đã bị sốt cao liên tục, suy hô hấp tăng dần, kết quả chụp X-quang phổi cho thấy phổi bị tổn thương và diễn tiến ngày càng xấu hơn.

THÙY DƯƠNG

Nâng cấp độ phòng chống dịch

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa có công điện hỏa tốc gửi các bệnh viện, sở y tế. Trong đó yêu cầu giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh cần nâng cấp các biện pháp phòng chống dịch. Tất cả người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được chỉ định xét nghiệm Covid-19 ngay hoặc cách ly, chuyển tuyến đúng.

Biện pháp này nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng trước tình hình dịch đang diễn biến mới rất phức tạp, đã có sự lây nhiễm từ cộng đồng vào cơ sở khám chữa bệnh và ngược lại.

Dịch COVID-19 sáng 7-4: Pháp tử vong 833 ca, Mỹ thêm 27.000 người nhiễm Dịch COVID-19 sáng 7-4: Pháp tử vong 833 ca, Mỹ thêm 27.000 người nhiễm

TTO - Pháp ghi nhận thêm 833 ca tử vong trong 24 giờ, mức tăng cao nhất từ đầu mùa dịch, trái ngược với các diễn biến tích cực khoảng 1 tuần qua. Thủ tướng Đức nhận định COVID-19 là thử thách lớn nhất của EU tới nay.

LAN ANH - HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp