Không chỉ riêng Nguyễn Công Trí, những Sỹ Hoàng, Võ Việt Chung, Đỗ Mạnh Cường, Trương Thanh Hải, Hoàng Hải và nhiều tên tuổi khác nữa - những nhà thiết kế thời trang đã có riêng thị trường lẫn khách hàng - đều chẳng mảy may quan tâm đến cái gọi là VIFF được tổ chức hằng năm của ngành may mặc thời trang VN. Ngay cả những thương hiệu thời trang dành cho cuộc sống thường nhật hằng ngày, từ đi làm, đi học đến đi chơi, có được chỗ đứng trong nhận thức người tiêu dùng như N&M, Blue Exchange, PT 2000, An Phước, Việt Thy... cũng vắng bóng tại VIFF.
Như là “luật bất thành văn”, các nhà thiết kế đã có thương hiệu riêng chỉ muốn xuất hiện và phô diễn trình độ thiết kế của mình ở những đêm diễn được đầu tư công phu, nhiều kinh phí, do họ tự bỏ tiền, hoặc tham gia các chương trình của Đẹp Fashion show, Elle show được tổ chức đều đặn từng năm. Còn với những thương hiệu thời trang dành cho những loại trang phục hằng ngày, dù chưa tổ chức cho mình một show riêng cũng không buồn đưa sản phẩm đến tham gia VIFF.
Vì sao một hội chợ chuyên ngành có nhiều cơ hội cho ngành dệt may bán được các sản phẩm lại thiếu vắng những thành phần doanh nghiệp tư nhân lẫn các nhà thiết kế chuyên nghiệp? Vì sao sau gần chục năm tổ chức, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là các doanh nghiệp nhà nước “tay bắt mặt mừng” trong hôm khai mạc, sản phẩm không có gì mới ngoài quần tây, áo sơmi quen thuộc?
Bà Đặng Quỳnh Đoan, giám đốc Công ty thời trang Việt Thy, doanh nghiệp từng tham gia VIFF cách đây hơn năm năm, cho rằng sở dĩ không còn nhiều doanh nghiệp muốn tham gia VIFF bởi “đã không tìm thấy cơ hội quảng bá thương hiệu đến với người tiêu dùng như kỳ vọng”. Trong đó, khâu tổ chức với những chuệch choạc, không kiểm soát được thành phần doanh nghiệp đúng ngành... đã làm nản lòng các doanh nghiệp. Hơn nữa, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ đã dần trở nên kênh giao tiếp tốt hơn với người tiêu dùng, chứ không cần phải đợi chờ cơ hội xuất hiện ở VIFF.
Thật tiếc khi một nơi kết nối đúng nghĩa, mở ra được nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh, tìm được khách hàng và nhà cung ứng cho các doanh nghiệp, vốn là những tiêu chí mà ban tổ chức VIFF đã từng kỳ vọng hướng đến, vẫn không thể kéo các doanh nghiệp đến với chính sân nhà của mình. Nơi mà VN đang tự hào nằm trong top 5 quốc gia cung cấp hàng may mặc cho hàng tỉ người trên toàn cầu cùng mặc!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận