Chị Đinh Thị Sáu (trước khi mất) hạnh phúc bên chồng và con gái - Ảnh: GĐCC
Mẹ không cần con phải xuất sắc, xuất chúng. Mẹ chỉ cần con luôn được vui vẻ, tâm hồn con luôn được nhẹ nhàng thanh thản - giống như tên con vậy "Thanh Tâm"…
Hạnh phúc chia lìa
Trước ngày lìa xa cõi đời vì căn bệnh quái ác, người mẹ trẻ đã cố dốc chút sức lực còn lại để tự tay mình viết dài 11 trang giấy với gần 2.500 từ gửi gắm những người ở lại, trong đó có con gái bé bỏng.
Bức tâm thư xúc động của người mẹ mong mỏi tạo động lực cho con sống lạc quan trong cuộc sống.
Người mẹ trẻ ấy là chị (34 tuổi, quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), một thạc sĩ trẻ đầy tiềm năng của Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.
Từ khi biết mình bị bệnh ung thư vú di căn, sự sống chỉ còn tính bằng ngày, chị vẫn không hề buông xuôi, trái lại tâm hồn luôn tràn ngập niềm tin, khát khao được sống để nhìn thấy sự lớn khôn của đứa con thơ dại.
Mẹ rất hạnh phúc khi được làm mẹ của con. Ngày ngày được nhìn con lớn khôn mẹ hạnh phúc lắm. Ngày xưa khi con còn nằm trong bụng mẹ, đến ngày đến tháng con chẳng chịu ra làm mẹ ngóng trông từng ngày. Ai cũng bảo "bạn này rồi lì lợm lắm đây". Mà lớn lên cũng lì đó chứ, con lì và có chính kiến riêng của mình.
Con được 7 tháng tuổi, mẹ phát hiện bệnh và phải cắt sữa. Con đói không được uống sữa, nước mắt mẹ tuôn rơi, lòng mẹ quặn thắt mà không biết làm sao. Con gái yêu của mẹ lại hay ốm yếu và hay bị tiêu chảy vì bị dị ứng sữa. Mẹ biết lấy gì để cho con ăn con lớn!?
Thiếu vắng hơi ấm người cha từ lúc 3 tháng tuổi, cuộc sống khó khăn nhưng chị Sáu rất nghị lực vươn lên. Trong cuốn nhật ký để lại chị luôn lạc quan và tràn đầy niềm tin về cuộc sống - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bệnh tật và quá trình điều trị làm sức mẹ dần cạn kiệt. Nhưng mỗi lần nhìn thấy khuôn mặt thiên thần của con mẹ lại có động lực để bước tiếp.
Mẹ điều trị và nuôi bao hi vọng mình sẽ được lành bệnh, sẽ được ở bên chăm chút nuôi dưỡng, chứng kiến từng ngày con lớn khôn trưởng thành. Nhưng số phận nghiệt ngã đã muốn chia lìa mẹ và con.
Khi mẹ phát hiện, bệnh ung thư vú của mẹ đã di căn vào xương tủy rồi sau đó vào gan. Mẹ biết rằng ngày mẹ được ở bên con chỉ có thể được tính bằng tháng ngày.
Nói như thế không phải là mẹ mất niềm tin và buông xuôi đâu con. Mẹ vẫn hi vọng sẽ có phép nhiệm mầu đến với mẹ, ít ra thì cho mẹ sống thêm được ít năm nữa để con lúc đó cũng đã lớn khôn hơn vì lúc này đây con gái của mẹ mới chỉ hai tuổi rưỡi thôi.
Nói với con rằng "ai rồi cũng sẽ có mảnh ghép của riêng mình", chị Sáu căn dặn con gái sau này phải luôn làm chủ bản thân, không được bi lụy trong tình yêu cũng như cuộc sống. Chị khuyên con phải chăm chỉ đọc sách, có thể học thêm hội họa, đàn, nhảy múa, ca hát…và hãy sống yêu thương, chan hòa với tất cả mọi người.
Trong bức thư chị Sáu còn mong muốn sau khi qua đời con gái sẽ sống với bà ngoại và hai bác đến khi trưởng thành. Bởi chị lo xa rồi đây công việc bận rộn chồng sẽ không có thời gian chăm sóc con, rồi lo sợ nếu chồng đi thêm bước nữa con gái không được "mẹ mới" yêu thương.
"Đừng trách bố con nhé, đó là ý của mẹ. Mẹ đã xin phép bố để con ở với bà và hai bác". Và điều khiến chị luôn cảm thấy canh cánh trong lòng là mỗi khi nghĩ tới người mẹ năm nay bước sang tuổi 63.
Anh Nguyễn Trường Quân và con gái Bông quấn quýt bên nhau, từ ngày mẹ mất bé quấn ba hơn - Ảnh: D.PHAN
Những người ở lại…
Năm 2015, anh Nguyễn Trường Quân và chị Sáu kết hôn. Cuộc sống của gia đình nhỏ tưởng rằng sẽ êm đềm, bỗng nhiên chị Sáu bị phát hiện ung thư vú. Lúc ấy bé Bông (tên ở nhà của bé Nguyễn Thanh Tâm, con gái anh chị) mới tròn 7 tháng tuổi.
"Vợ tôi khá bình thản chấp nhận và không muốn ai biết điều này" - anh Quân nói.
Suốt những ngày sau khi phát bệnh, sức khỏe chị Sáu tụt dốc. Hai vợ chồng có được ngôi nhà ở Hóc Môn cũng đành bán đi để trang trải chi phí điều trị.
Những ngày đó gia đình chị Sáu may mắn được Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM (nơi chị công tác) góp tiền ủng hộ, rồi còn bố trí cho cả gia đình ở trong khu tập thể để tiết kiệm chi phí điều trị.
Sau một tháng kể từ ngày phát hiện bệnh, tế bào ung thư trong cơ thể chị Sáu chuyển sang giai đoạn 2 buộc phải phẫu thuật, những cơn đau hóa trị bắt đầu hành hạ chị.
Anh Quân và vợ trong những ngày hạnh phúc còn lại - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Dù được vào thuốc liên tục nhưng tế bào ung thư vẫn không có dấu hiệu ngừng phát triển. Cứ mỗi lần hóa trị vợ tôi lại một lần kiệt sức, ăn được miếng cháo lại nôn thốc ra.
Hơn hai năm chống chọi với bệnh tật với vô số lần hóa trị không hiệu quả, vợ tôi quyết định ngừng vào thuốc và chờ phép mầu từ số phận" - anh Quân nói.
Thế nhưng phép mầu ấy không đến với chị. Ngày 17-2-2019, chị Sáu trút hơi thở cuối cùng.
Anh Quân nói bức thư được chị Sáu âm thầm viết gửi lại con vào thời điểm trước khi qua đời khoảng 3 tháng. Lúc ấy chị đã nằm một chỗ, tế bào ung thư đã di căn vào xương, tủy, sức lực gần như suy kiệt. "Trước khi qua đời, vợ tôi day dứt nhất là bé Bông.
Sợ tôi không chăm được sẽ đưa bé về quê, rồi sợ tôi lập gia đình mới không lo được cho con nên cứ day dứt" - anh Quân tâm sự.
Sinh nhật 3 tuổi của bé Bông. Đó cũng là sinh nhật cuối cùng của cả gia đình chị Sáu bên nhau - Ảnh: GĐCC
Bây giờ cha con anh Quân đang sống những ngày lặng lẽ tại một căn nhà nhỏ ở xã Thới Tam Thôn (Hóc Môn).
Từ lúc mẹ mất, bé Bông (3 tuổi) suốt ngày quấn bố. Những lúc nhớ mẹ, bé lại ngước nhìn lên bàn thờ, nơi có di ảnh mẹ bất chợt hỏi "mẹ đâu rồi ba?" rồi tự trả lời "mẹ đang ở bệnh viện".
"Khi mẹ còn sống, mỗi lần mẹ đau Bông chạy lại ôm cổ mẹ hỏi mẹ bị đau à, mẹ uống thuốc đi. Rồi từ lúc mẹ mất, mỗi ngày cứ đến giờ ăn cơm Bông lại chạy tới đứng trước bàn thờ mời mẹ ăn cơm.
Hôm qua nghịch ngợm ngón tay bị đứt chút xíu Bông lại chạy vào mách mẹ con bị đứt tay đau lắm mẹ ơi" - ôm bé Bông vào lòng, anh Quân ngậm ngùi kể.
Trong bức thư gửi lại con gái, chị Sáu mong ước: "Cuộc đời mẹ đi ra từ lũy tre làng. Suốt bao nhiêu năm mẹ phấn đấu chỉ để con của mẹ được ra thành phố sinh sống, có điều kiện học hành phát triển tốt nhất".
Và niềm mong mỏi ấy giờ đây đang được những người ở lại vun đắp cho bé Bông từng ngày…
Sáu rất nghị lực và tự trọng
Người mẹ trẻ lúc còn khỏe khoắn tươi vui bên người thân - Ảnh: Gia đình cung cấp
Chị Nguyễn Thị Lan Hương - trưởng phòng tổ chức đào tạo Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM - cho biết chị Sáu được đánh giá là một người có nhiều tiềm năng của đơn vị.
"Sáu rất tự trọng và nghị lực. Nếu phải rơi vào trường hợp của Sáu, có lẽ không nhiều người nghị lực như vậy. Bệnh tật hành hạ nhưng tôi không thấy Sáu ủy mị suy sụp, nhiều hôm vẫn âm thầm chịu đựng, thức khuya hoàn thành công việc.
Khi sợ không thể chu toàn công việc, Sáu cũng viết thư cho phòng mong chia sẻ, rồi khi được cơ quan phát động ủng hộ, Sáu trách tôi vì không muốn phiền hà tới mọi người"- chị Hương nói.
Bà Hoàng Thị Tuyết (mẹ chị Sáu) rưng rưng: "Nó giỏi giang, chịu thương chịu khó lắm. Vậy mà...".
Bà Tuyết kể từ khi tròn 3 tháng tuổi chị Sáu đã thiếu vắng hơi ấm của bố. Rồi trên bước đường gian khổ ấy chị đã vượt qua bao trở ngại để học đại học, trở thành số ít sinh viên được nhận học bổng du học ở Trung Quốc rồi về nước làm việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận