Ông Donald Trump nhún nhảy theo ca khúc Y.M.C.A - Ảnh: Mandel Ngan / AFP
"Anh bạn trẻ ơi, có một nơi anh có thể tới. [...] Họ có mọi thứ cho anh vui chơi ở đó. Anh có thể qua lại với tất cả các cậu trai".
Đó là lời ca khúc Y.M.C.A, một bản disco kinh điển của nhóm The Village People từ thập niên 1970. Chúng ta đang ở một sàn nhảy của cộng đồng LGBT ư? Không. Chúng ta đang ở trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump.
Ông Trump đang làm gì với ca khúc này vậy? Ông từng cấm người chuyển giới tham gia quân đội, từ chối visa cho một cặp đôi đồng tính trong phái đoàn của Liên Hiệp Quốc, nhưng giờ lại chọn một bài hát với nội dung về tìm kiếm bạn tình đồng giới.
Có người châm biếm rằng ông đã dùng sai bài. Nhưng không, ông Trump không dùng sai. Bản nhạc có vẻ cường điệu ấy phù hợp hoàn toàn với hình ảnh luôn làm quá của một người từng là ngôi sao truyền hình thực tế như Trump.
Sự nực cười, bất nhất chính là cá tính thu hút đám đông của ông. Và dùng một bản disco xập xình trái ngược hoàn toàn với quan điểm của mình là cách để ông tạo nên một ấn tượng áp chế, đến nỗi nhiều người quên bẵng đi họ thực sự cần gì.
Về phần Joe Biden, nếu như Trump bị The Village People "réo tên" đòi ngưng dùng nhạc của họ, thì Biden lại liên tục được từ Eminem tới Taylor Swift tự nguyện "hiến" nhạc để đi tranh cử. Nhưng bản nhạc chủ đề mà Biden lựa ra là một ca khúc mới tinh do JoJo thể hiện.
The Change, một bản ballad đầy nội lực, thông điệp cũ kỹ nhưng lúc nào cũng đúng, dù không gây sốt như Y.M.C.A mà Trump chọn, nhưng lại tạo nên vẻ đáng tin cậy cho Biden, người đi theo hình tượng một chính khách đúng chuẩn, không sáng nắng chiều mưa, không cuồng ngôn và không thích làm trò hề như đối thủ của ông.
Sau George Washington, kể từ thời John Adams tranh cử với Thomas Jefferson, âm nhạc đã trở thành một quân bài chính trị của những ai ôm mộng làm người đứng đầu nước Mỹ. Đôi khi nói rằng nó là quân át chủ bài cũng không sai.
Giữa tổng thống quá cố John F. Kennedy và danh ca Frank Sinatra từng có một tình bạn làm thay đổi thế giới. Sinatra không chỉ là tay rắc rối giới thiệu Marilyn Monroe cho John F. Kennedy, phải nói chính ông đã từng dùng sức ảnh hưởng của mình để giúp tạo nên hình ảnh một Kennedy phong nhã đại diện cho giới tinh hoa.
Trong một buổi biểu diễn, ông chỉ vào Kennedy và giới thiệu với khán giả của mình đây chính là "vị tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ".
Ông còn cất công cho người chỉnh sửa lời bản hit High hopes của mình để làm ca khúc chủ đề cho chiến dịch tranh cử của Kennedy, trong đó tâng bốc người bạn thân không tiếc lời: "Mọi người đều bầu cho Jack, vì anh có mọi thứ người khác thiếu" (Jack là biệt danh của Kennedy).
Nhờ Sinatra, Kennedy trở thành vị tổng thống trong mơ trong văn hóa đại chúng thời ấy. Trong buổi gala trước khi nhậm chức, Kennedy phát biểu rằng ông nợ vị danh ca.
Đâu phải ai cũng quan tâm tới chính trị đến mức ngồi xem bằng hết những cuộc đấu khẩu giữa các ứng cử viên? Cho nên trong nhiều trường hợp, âm nhạc là con đường ngắn nhất, lại còn ít tốn kém, để tìm kiếm sự đồng cảm của công chúng.
Mấy ngày trước khi bầu cử chính thức, ông Trump gây bão truyền thông với điệu nhún nhảy như "dân chơi"... nghiêm túc trên giai điệu Y.M.C.A sôi động.
Chẳng biết ân oán giữa ông và TikTok sâu sắc thế nào nhưng điệu nhảy hài hước một cách tỉnh bơ của ông đã trở thành "trend" mới nhất trên trang mạng xã hội này, rất nhiều người dùng đã cùng "đi đu đưa đi" với ông.
Và giả sử không tái đắc cử nhiệm kỳ tới, ông Trump có thể cân nhắc lấn sân âm nhạc. Với tố chất giải trí của mình, biết đâu ông chẳng là hiện tượng tiếp theo mà TikTok lăngxê thành công sau Lil Nas X?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận