13/10/2013 11:26 GMT+7

"Lá rách đùm lá nát"

ĐOÀN BẢO CHÂU - ĐỖ PHI
ĐOÀN BẢO CHÂU - ĐỖ PHI

TT - Dù nghèo nhưng hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Lập (70 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hồng (65 tuổi) vẫn ngày ngày chia sẻ gạo, nước tương cho những người còn khó khăn hơn mình trong khu xóm trọ nghèo nàn ở bến Phú Định (P.16, Q.8, TP.HCM).

iZslKJDp.jpgPhóng to
Bà Hồng cầm bằng khen “Người tốt việc tốt” kể lại câu chuyện từng giúp một bà cụ đi lạc tìm được người nhà - Ảnh: Đỗ Phi

Con trai duy nhất đã mất lúc mới 25 tuổi, không kịp đỡ đần gì cho cha mẹ. Không những vậy, tiền thuốc thang cho con khiến hai vợ chồng phải bán hết nhà cửa, sống trôi dạt thui thủi với nhau, ai thuê đâu làm đó. Không biết bao nhiêu lần họ phải chuyển nhà trọ vì thiếu tiền trả cho chủ. “Họa vô đơn chí”, đến đầu năm 2012, trên đường đi làm bà Hồng bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não. Với một bên đầu móp hẳn và chân phải gần như tê liệt, bà Hồng mất toàn bộ sức lao động. Gánh nặng gia đình chất chồng lên đôi vai già yếu, hom hem của ông Lập. Ông đi làm bảo vệ, rồi công ty giải thể ông phải lặn lội tới Bình Dương làm mướn mỗi ngày chắt bóp 20.000-30.000 đồng.

Tuy nhiên, “mình nghèo nhưng còn nhiều người khó hơn mình”, với tâm niệm đó, hai vợ chồng đã không ít lần giúp đỡ những người bất hạnh ở xóm trọ. Mới đây, thấy ông Đặng Văn Sơn (54 tuổi) trong xóm bị tháo khớp chân, phải chống nạng đi rất vất vả vì không có tiền mua xe lăn, bà Hồng đã nhiệt tình viết cho ông Sơn một lá đơn xin xe lăn, rồi hướng dẫn ông Sơn cặn kẽ cách thức, quy trình nộp đơn. Bà vui vẻ cho biết: “Hồi trước tôi có làm trong Hội phụ nữ phường cũng biết chút chút, thấy nhà chú Sơn khó khăn quá nên viết xin giùm thôi, có gì đâu!”.

Thỉnh thoảng hễ ông Lập làm công quả trong chùa được nhà chùa tặng gạo, nước tương là hai vợ chồng lại mang về chia cho hàng xóm. Ông Sơn cảm động kể lại: “Hôm trước đang lo không biết kiếm đâu ra tiền mua gạo thì cô chú gọi vào cho 5kg gạo với mấy chai nước tương, mừng quá trời! Vợ chồng tôi biết ơn cô chú lắm, cô chú cũng khó khăn bệnh tật, vậy mà có gì cũng nhớ tới nhà tôi!”. Mà quả thật, bữa cơm mỗi ngày của hai vợ chồng ông Lập chỉ có cơm chan nước tương, muối tiêu kèm vài cọng rau lang luộc.

Hơn 10 năm nay, ông Lập thường xuyên đi bốc thuốc nam làm công quả trong chùa. Nếu có người bệnh nặng không thể đi lại được, ông còn tới tận nhà bốc thuốc miễn phí. Nhà không có lấy một chiếc xe, đi đâu phải lội bộ rồi đón xe buýt, vậy mà không có trường hợp nào ông từ chối.

Bà Niềm Chí Káng (người Hoa, 52 tuổi) kể lại: “Má tôi bị bệnh tiểu đường nặng, nhà nghèo quá nên không dám đưa vô bệnh viện, có gì đều gọi chú Lập. Có lần má mệt lúc nửa đêm, rối quá tôi gọi cho chú, chú đón xe ôm chạy từ quận 8 qua quận Bình Tân nhà tôi cho thuốc. Nhờ vậy má mới tỉnh lại được”.

Từ hơn tháng nay da mặt bà Hồng sạm lại, đầu liên tục đau nhức vì thiếu thuốc, vậy mà ông vẫn chưa thể dắt bà đi khám lại vì “tiền nhà còn phải mượn nợ, huống gì thuốc thang”. Trong nhà, dưới ánh đèn huỳnh quang, những tấm bằng khen “Người tốt việc tốt” của bà vẫn sáng lấp lánh ở một góc nhỏ như một niềm an ủi lúc cuối đời của vợ chồng neo đơn...

ĐOÀN BẢO CHÂU - ĐỖ PHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp