Người dân Singapore được yêu cầu đeo khẩu trang, găng tay dùng một lần hoặc rửa tay bằng nước sát khuẩn khi đi bỏ phiếu hôm 10-7 - Ảnh: Reuters
“Khi tôi và những người khác bỏ phiếu vào thùng, đó là sự đầu tư cho một thế hệ, cho con cháu của tôi. Cuộc bầu cử này không chỉ đơn giản là việc đi bỏ phiếu, đó là chuyện người dân sẽ thiết lập một nền tảng cho thế hệ kế tiếp” - ông Peter Chou, 47 tuổi, nói với The Straits Times.
Kết quả sơ bộ ngày 10-7 cho thấy Đảng Hành động nhân dân (PAP) của Thủ tướng Lý Hiển Long giành được 83 ghế, Đảng Công nhân Singapore được 10 ghế.
Cuộc tổng tuyển cử sớm tại Singapore đã kết thúc trễ hơn dự kiến ban đầu. Tính đến 17h (giờ địa phương) ngày 10-7, đã có hơn 80% cử tri đi bỏ phiếu - tương đương hơn 2,1 triệu người.
Một chút bất ngờ đã xảy ra khi Cơ quan Bầu cử Singapore (ELD) thông báo sẽ kéo dài thời gian bỏ phiếu thêm 2 tiếng thay vì kết thúc vào lúc 20h như dự kiến để giãn bớt lượng người tại các điểm bỏ phiếu.
Bỏ phiếu giữa mùa dịch
Cuộc bầu cử ngày 10-7 diễn ra đúng 20 ngày sau khi Thủ tướng Lý Hiển Long đề nghị tổng thống Singapore giải tán quốc hội khi còn gần 300 ngày nữa mới kết thúc nhiệm kỳ.
"Mối bận tâm hàng đầu của tôi và các bạn mình là cơ hội việc làm sau đại dịch. Chúng tôi sợ không tìm được một công việc phù hợp" - Xuan Na, sinh viên 21 tuổi lần đầu tiên đi bỏ phiếu, chia sẻ với Hãng tin Reuters.
Để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, chính quyền Singapore đã tổ chức các khung giờ bỏ phiếu khác nhau, chẳng hạn thời gian từ 8h sáng đến 12h dành cho các cử tri lớn tuổi.
Trước khi ra khỏi nhà, người dân được yêu cầu kiểm tra tình hình tại điểm bỏ phiếu thông qua một trang web của chính phủ được cập nhật theo thời gian thực. Nếu có tình trạng xếp hàng đông người, cử tri được khuyên nên chờ ở nhà đến khi lượng người giãn bớt.
Một số lượng nhỏ các cử tri có triệu chứng mắc COVID-19 hoặc sốt từ 37,5 độ trở lên được yêu cầu đi bỏ phiếu trong khung giờ từ 19h đến 20h tại các điểm bỏ phiếu được chỉ định. Nhóm này cũng phải gọi điện báo cho chính quyền trước khi ra khỏi nhà và bị cấm sử dụng phương tiện công cộng.
Theo tính toán ban đầu, mỗi cử tri chỉ cần khoảng 5 phút để bỏ phiếu. Tuy nhiên, quy định người dân đến bỏ phiếu phải đeo găng tay dùng một lần đã khiến thời gian bị kéo dài và ùn ứ tại một số điểm trong sáng 10-7.
ELD sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi vì để các cử tri lớn tuổi xếp hàng chờ lâu và bỏ quy định đeo găng tay, thay bằng rửa tay sát khuẩn.
Thăm dò người dân qua lá phiếu
Theo giới quan sát, sẽ không ngạc nhiên nếu PAP của ông Lý Hiển Long tiếp tục chiếm thế đa số tại quốc hội, do PAP đã đăng ký tranh cử cho tất cả 93 ghế tại cơ quan lập pháp.
Trong khi đó, Đảng Công nhân Singapore, đảng đối lập duy nhất có ghế trong quốc hội vừa qua, chỉ tranh cử cho 21 ghế. Nhưng bất ngờ nhất vẫn là Đảng Tiến bộ Singapore khi đăng ký tới 24 ghế, trở thành đảng có số lượng ứng viên nhiều thứ hai chỉ sau PAP.
Giới phân tích nhận định việc ông Lý Hiển Long muốn tổ chức bầu cử sớm là có dụng ý. Ông muốn chứng minh cho thế giới thấy Singapore đã an toàn nhưng quan trọng hơn hết, Đảng PAP của ông muốn thăm dò người dân thông qua lá phiếu. Bất kỳ sự sụt giảm tỉ lệ ủng hộ nào dành cho PAP đều dẫn tới những thay đổi chính sách lớn của chính phủ trong thời gian tới.
Mỗi khu vực bầu cử có những vấn đề quan tâm riêng và nhóm cử tri khác nhau. Do đó, sự tăng lên hay giảm xuống tỉ lệ ủng hộ dành cho PAP tại các khu vực sẽ khiến ông Lý và dàn lãnh đạo đảng phải suy nghĩ tới việc có các chính sách mới.
Như trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011 sau khi chỉ giành được hơn 60% số phiếu, chính phủ của ông Lý đã phải áp đặt hạn ngạch lao động chuyên gia nước ngoài trong một số lĩnh vực để bảo vệ việc làm cho lao động trong nước.
Việc giải tán quốc hội và tổng tuyển cử sớm cho thấy sự nghiêm túc của ông Lý và đảng của ông trong việc lắng nghe các tín hiệu từ nhân dân, nhưng còn ý quan trọng khác là để tránh bất kỳ sai lầm nào trong thời điểm nhạy cảm sau dịch bệnh.
Về điều này, ông Lý giải thích rằng ông muốn có một chính phủ mới sẽ chèo lái đất nước một cách xuyên suốt sau đại dịch thay vì bị ngắt quãng nếu tiếp tục nhiệm kỳ cũ.
Định hình tương lai Singapore
Thủ tướng Lý đã từng gọi COVID-19 là "cuộc khủng hoảng của cả thế hệ" và để vượt qua được cuộc khủng hoảng này, để biết người dân đang cần gì và bất mãn với điều gì, không gì tốt hơn một cuộc tổng tuyển cử. Ông gọi đây là "một cuộc bầu cử trong khủng hoảng sẽ định hình tương lai của Singapore".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận