19/05/2016 10:10 GMT+7

Lá phiếu Hồ Chí Minh

QUỐC MINH
QUỐC MINH

TTO - Kế hoạch ban đầu, cuộc bầu cử tổ chức vào ngày 23-12-1945, nhưng sau chuyển sang ngày 6-1-1946 cho các ứng cử viên địa phương có thêm thời gian chuẩn bị.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh để bổ sung việc tổ chức thực hiện. Trong đó có sắc lệnh 71 và 72 ban hành ngày 2-12-1945 về thủ tục ứng cử, tăng thêm số đại biểu cả nước.

“Dân to hơn quan à?”

Trong hoàn cảnh đất nước đang có hơn 90% dân số mù chữ, nhiều đồng bào cảm nhận sự kiện bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1946 là một cái gì đó thay đổi rất mới mẻ, thiêng liêng, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ nó được tiến hành thế nào...

Ông Hoàng Giáp (sinh năm 1924, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo binh 523, sư đoàn 304, tham chiến ở Điện Biên Phủ) kể lại, nhiệm vụ quan trọng của tầng lớp trí thức và tất cả những ai biết chữ ở thời điểm cuối năm 1945 ấy là tuyên truyền cho đồng bào còn chưa biết về bầu cử hiểu và tham gia cuộc tổng tuyển cử.

Chưa bao giờ được bỏ phiếu hay từng nghe về nền dân chủ này, nhiều người cứ hỏi tới hỏi lui vẫn không thể hiểu lá phiếu là gì.

Ông Hoàng Giáp phải ví von cho đồng bào hiểu rằng việc bỏ phiếu bầu cử Quốc hội cũng giống như chọn ra các vị quan trước đây. Nhưng thay vì họ do triều đình phong chức, nay sẽ do chính nhân dân phong chức.

Và nếu các “quan” này làm việc không tốt thì nhân dân có quyền truất phế họ, thay bằng người khác. Nhiều cụ già ớ ra: “Vậy dân còn to hơn cả quan à?”. “Vâng, đúng là như thế” - ông Giáp cười, gật đầu.

Bác Hồ đã giải thích ngắn gọn tinh thần dân chủ: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do chọn lựa những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà.

Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Ông Hoàng Giáp còn nhớ chính mình và bạn bè đã nhiều lần đọc lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quốc dân tham gia bầu cử vào ngày 6-1-1946 cho đồng bào không biết chữ nghe: “Ngày mai, mồng 6 tháng giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”.

Ông Giáp bảo ông đọc mà nước mắt ứa ra khi xướng lên chữ “quyền dân chủ” vốn quá xa lạ trong hoàn cảnh dân tộc lầm than, khốn cùng đến phải mù chữ, chết đói.

Ngày dân chủ đầu tiên

Đêm ngày 5, rạng sáng ngày 6-1-1946, nhân dân Hà Nội và nhiều địa phương khác đón chào một ngày mới đặc biệt thiêng liêng: buổi bình minh đầu tiên của nền dân chủ nước nhà.

Giáo sư Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học, kể: Đúng 7g sáng, Hồ Chủ tịch vui vẻ đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội ở thùng phiếu tại nhà số 10 Hàng Vôi, Hà Nội (phố Lý Thái Tổ hiện nay).

Sau đó, Bác còn đi thăm nhiều địa điểm bầu cử khác trong không khí tưng bừng, hân hoan ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu và ô Đống Mác.

Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên phó cục trưởng Cục Cảnh vệ - vợ của ông Lê Văn Lương, vẫn nhớ rõ những kỷ niệm không thể quên này: “Bác đi đến đâu, nhân dân cũng ùa đến hân hoan, vỗ tay chào đón.

Một vị Chủ tịch nước được lòng dân tin yêu như thế mà vẫn đi bỏ phiếu bầu cử như người công dân bình thường”. Nhiều người cao tuổi còn lưu truyền kỷ niệm về những mẩu chuyện thú vị, đầy ý nghĩa giữa Bác và cán bộ, nhân dân ở các điểm bỏ phiếu.

Bác căn dặn mọi người phải đảm bảo sự đúng đắn, trung thực và bí mật của lá phiếu dân chủ đầu tiên.

“Sáng hôm ấy, tôi vẫn còn nhớ cả thành phố Hà Nội rực màu cờ đỏ, sao vàng và băngrôn, khẩu hiệu tuyên truyền cổ động bầu cử. Không khí xúc động, thiêng liêng như trong lễ Quốc khánh mồng 2 tháng 9 năm 1945.

Nhiều đồng bào lao động sau nạn đói khủng khiếp vẫn còn rách rưới, gầy yếu lắm nhưng vẫn cố xoay xở được bộ đồ tươm tất để đi đến điểm bỏ phiếu. Hầu như tất cả đồng bào từ trẻ nhỏ đến thanh niên, già cả đều rời nhà, xuống phố.

Người chưa đến tuổi bỏ phiếu thì háo hức đứng xem người đã đủ tư cách bầu cử. Không khí cứ như một ngày lễ trọng đại mà người dân nước Việt chưa bao giờ được hưởng” - ông Hoàng Giáp tâm sự.

Báo Cứu Quốc số ra ngày 7-1-1946 còn tường thuật tại một vài địa điểm như khu Ngũ Xá, lực lượng chống phá Việt Minh cũng cố tìm cách ngăn chặn sự kiện lịch sử này. Chúng mang vũ khí đi ngăn chặn ở đầu phố, không cho người dân tiếp cận điểm bỏ phiếu.

Tuy nhiên, đồng bào không chịu về mà kéo sang khu Nguyễn Thái Học gần đó để làm nghĩa vụ công dân bầu ra Quốc hội của mình. Kết quả, 172.765 trong tổng số 187.880, tức 91,95% cử tri của cả 74 khu phố nội thành và 118 làng ngoại thành Hà Nội đã đi bỏ phiếu.

Sáu trong 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đạt số phiếu cao nhất với 169.222 lá phiếu, chiếm 98,4%.

Thủ đô Hà Nội và cả nước tràn ngập niềm vui dân chủ đầu tiên...

Bút tích Bác Hồ trên báo Quốc Hội
Bút tích Bác Hồ trên báo Quốc Hội

Không miễn ứng cử

Khi nghe tuyên truyền về trách nhiệm chọn người tài, đức ra lo việc nước, 118 chủ tịch các ủy ban nhân dân và nhiều đại biểu làng xã đã chân thành công bố một bản kiến nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Xúc động trước tình cảm đồng bào tin tưởng mình, nhưng Bác Hồ đã gửi thư trả lời rất rõ ràng: “Tôi rất cảm động được đồng bào quá yêu mà đề nghị tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi khác cử tôi vào Quốc hội.

Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của tổng tuyển cử đã định.

Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử nơi nào nữa. Xin cảm tạ các đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới”.

Thậm chí, ngay trên báo Quốc Hội số ngày 6-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nói rõ về quyền lợi phụ nữ tham gia bầu cử, một quyền mà ngay nhiều nước dân chủ nhưng việc đầu phiếu vẫn chưa dành cho nữ giới. Bài báo có tựa Hồ Chủ tịch nói về phụ nữ được đăng ở vị trí trang trọng của trang nhất.

___________

Kỳ tới: Lá phiếu máu ở miền Nam

Không như Hà Nội, lá phiếu bầu cử ở Sài Gòn đã thấm máu của những người đòi hỏi quyền dân chủ vì quân Pháp đang hung hãn giành lại thành phố này.

QUỐC MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp