09/03/2014 17:43 GMT+7

Lạ miệng "cà sóc" kiến vàng

TIẾN THÀNH
TIẾN THÀNH

TTO - Không phải món ăn làm từ các loại... cà, “cà sóc” là tên gọi tiếng Bahnar với kiến vàng trộn đu đủ xanh, ớt chín và lá é - một món ăn dân dã, lạ miệng của đồng bào Jrai, Bahnar ở vùng “chảo lửa” Krông Pa và chốn núi rừng Kbang, Gia Lai.

ErhWF5Sb.jpgPhóng to
Kiến vàng và trứng kiến được rửa sạch trước khi làm cà sóc - Ảnh: Tiến Thành

Giữa trưa nắng gắt ở làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang, tôi tình cờ thấy mấy người xúm quanh một người phụ nữ Bahnar đang sàng sẩy thứ gì đó màu nâu đất mà từ xa nhìn giống hệt mùn cưa.

“Chị Alếp đang sẩy kiến vàng làm cà sóc đấy. Ăn ngon lắm”, anh Đinh Bli - cán bộ xã liền giải thích.

Lại gần thì quả thật trên cái sàng tre là hàng vạn con kiến vàng bóng nhẫy cuộn vào nhau cùng trứng kiến non. Từ khi đặt chân lên Tây nguyên, tôi đã nghe và thử nếm đặc sản muối kiến vàng ở vùng chảo lửa Krông Pa nhưng đây là lần đầu tiên được chứng kiến cảnh người đồng bào sơ chế kiến vàng. Một cảm giác tò mò, thích thú và lạ lẫm.

Theo Bli, mùa khô là mùa săn kiến vàng vì kiến làm tổ rất nhiều. Và ở làng Leng, có thể tìm thấy tổ kiến vàng trên bất cứ cây mít, cây trứng cá... nào.

“Kiến vàng mùa này rất béo, sạch sẽ và thơm hơn so với mùa mưa”, Bli vừa cười, vừa nói rồi đưa tay bốc lên một nhúm kiến cho vào miệng. “Ôi thơm lắm. Cứ thử đi, ăn kiến sống cũng ngon lắm!”.

Câu nói của Bli khiến tôi tò mò và cũng thử một nhúm. Vị chua chua thanh thanh đọng trên đầu lưỡi, rồi tan dần thành vị ngọt ở cuống họng.

eXc8ZLTH.jpgPhóng to
Giữa trưa chị Đinh Thị Alếp sàng sẩy kiến vàng để chế biến món cà sóc - Ảnh: Tiến Thành
WIG8lD5Q.jpgPhóng to
“Cà sóc” kiến vàng trộn với lá é sẽ tăng thêm vị bùi cho món ăn - Ảnh: Tiến Thành

Theo lời chị Đinh Thị Alếp thì kiến vàng có thể chế biến ra rất nhiều món ngon. Nào là canh kiến vàng, kiến vàng rang trộn với lá é, muối ớt ăn cùng cơm hay chấm thịt bò khô.

“Nhưng món đơn giản mà cả làng mình ai cũng đều thích là cà sóc” - chị Alếp nói. Rồi, chị nhanh tay gọt trái đu đủ xanh, bào thành sợi nhỏ trộn với kiến vàng còn sống, sau đó dùng chày giã thật nhuyễn. Để thêm độ bùi của món ăn, chị còn cho nhiều ớt tươi và lá é. Chưa đầy 10 phút chế biến, đã có ngay một tô “cà sóc” bày trước mặt mọi người.

Và theo thói quen ăn uống ở đây, ai cũng đều dùng tay bốc từng nhúm để thưởng thức. Có thể cảm nhận rất rõ cái vị chan chát của đu đủ hòa với vị chua thanh của kiến vàng, vị cay xè của ớt và vị thơm bùi của lá é. Bốc một nhúm lần đầu tiên ăn thử, thực khách chắc chắn sẽ muốn bốc lần hai, rồi lần ba, lần bốn… cho tới khi cái tô nhựa trống trơn.

Điều thú vị của món cà sóc, theo Bli, là chỉ ăn vào buổi trưa. “Vì sau khi lên rẫy mệt mỏi, hay những cuộc hội hè ở buôn làng, món cà sóc kiến vàng có thể giải nhiệt, giải rượu rất hiệu quả”, anh nói.

Quả thiên nhiên thật kỳ diệu, đã sản sinh ra cái món khoái khẩu đậm chất hoang dã cho đồng bào ở chốn đại ngàn Đông Trường Sơn này.

TIẾN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp