Tổng thống John Magufuli đánh giá kinh tế quan trọng hơn mối đe dọa từ COVID-19 - Ảnh: AFP
Tổng thống John Magufuli là một trong số rất ít nhà lãnh đạo trên thế giới hoài nghi mức độ lây nhiễm nguy hiểm của dịch COVID-19. Ông cho rằng nhờ cầu nguyện và ăn chay nên mới loại trừ được dịch.
Không cần giãn cách xã hội
Từ đầu dịch, Tổng thống John Magufuli đã kêu gọi "củng cố đức tin và cầu nguyện" thay vì chỉ phụ thuộc vào khẩu trang.
Trong một lần đi lễ nhà thờ ở thủ đô Dodoma hồi tháng 3-2020, ông nhận định "có nhiều đe dọa về virus corona này nhưng đó chỉ là chứng bệnh cỏn con, chúng ta sẽ đánh bại nó nhân danh Chúa".
Ông kêu gọi đồng bào "tránh tụ họp không cần thiết" nhưng khuyến khích họ tiếp tục lao động và đến nhà thờ, đền thờ cầu nguyện.
Hầu hết các nước châu Phi chống dịch nghiêm ngặt như phong tỏa, giới nghiêm. Ngược lại, Tanzania chỉ đóng cửa trường học. Các cửa hàng và giao thông tiếp tục hoạt động bình thường.
Từ tháng 4, giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Phi Matshidiso Moeti đã lưu ý Tanzania chậm trễ thực hiện các quy định về giãn cách xã hội như cho phép tập trung thờ phượng và trì hoãn phong tỏa thủ đô kinh tế Dar es Salaam trong lúc chính phủ đã biết nơi đó là ổ dịch.
Từ ngày 1-6, các sinh viên Tanzania trở lại giảng đường mà không có bất kỳ biện pháp giãn cách nào ràng buộc.
Ủng hộ ngừa bệnh bằng thảo dược
Trung tuần tháng 5, Tổng thống Magufuli khoe con trai ông bị nhiễm COVID-19 đã tự cách ly, rồi cuối cùng khỏi bệnh nhờ hít hơi nước tỏa ra từ chanh và gừng. Ông đã kêu gọi ngừa bệnh tại nhà bằng cách thường xuyên uống trà chanh với gừng.
Tanzania là một trong những nước đầu tiên nhập khẩu thuốc ngừa COVID-19 bằng thảo dược của Madagascar. Thành phần của thuốc chưa được công bố rõ, nhưng trong đó 62% là chất chiết xuất từ cây thanh hao hoa vàng (Artemisia annua - hoạt chất dùng để bào chế thuốc điều trị sốt rét).
Nơi rửa tay dành cho người vào chợ ở thủ đô Dodoma hôm 18-5 - Ảnh: AP
Không cung cấp số liệu COVID-19
Ngày 22-4, Tổng thống Magufuli trách cứ Bộ Y tế thúc đẩy "hoảng loạn" khi cứ nói đến số ca nhiễm mới.
Vài ngày sau, ông lưu ý có thể "có phá hoại" trong phòng thí nghiệm quốc gia. Ông khẳng định đã cho xét nghiệm một quả đu đủ, một con chim và một con dê, cuối cùng tất cả đều có kết quả dương tính.
Phát biểu trên Đài truyền hình TBC, ông tỏ thái độ nghi ngờ: "Có nhầm lẫn về kỹ thuật hoặc thuốc thử nhập khẩu có vấn đề. Cũng có khả năng các kỹ thuật viên được trả tiền để đánh lạc hướng".
Sau đó, Tanzania quyết định từ ngày 29-4 không cung cấp số liệu COVID-19 nữa (lúc đó đã có 480 ca nhiễm và 16 ca tử vong). Chỉ duy nhất quần đảo bán tự trị Zanzibar tiếp tục cập nhật thông tin COVID-19.
Ngày 4-5, Bộ trưởng Y tế Ummy Mwalimu ra lệnh đình chỉ công tác đối với giám đốc phòng thí nghiệm và trưởng phòng kiểm soát tiêu chuẩn trong thời gian chờ điều tra.
Vài ngày sau, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Liên minh châu Phi (CDC) tuyên bố công nhận kết quả xét nghiệm ở Tanzania vì kết quả rất tuyệt vời.
Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong khẳng định CDC châu Phi giữ vai trò quan trọng trong đào tạo và cung cấp các bộ kit xét nghiệm rất đáng tin cậy.
Năm 2019, WHO từng chỉ trích Tanzania vì không cung cấp thông tin chi tiết về dịch Ebola.
Kenya lo ngại cách chống dịch của Tanzania nên xét nghiệm nghiêm đối với tài xế xe tải đến Namanga (biên giới Tanzania và Kenya) - Ảnh: REUTERS
Các đảng đối lập cũng phản ứng
Từ tháng 4, Đảng Vì dân chủ và tiến bộ (CHADEMA) - đảng đối lập chính ở Tanzania - đã chỉ trích chính phủ thiếu minh bạch và thái độ không thừa nhận dịch bệnh.
Chủ tịch đảng Freeman Mbowe than phiền: "Không có minh bạch và khi mọi người không có thông tin, tin đồn thất thiệt sẽ chiếm chỗ. Chính phủ không thể coi đại dịch này là chuyện bí mật".
Ông Zitto Kabwe - lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Vì thay đổi và minh bạch (ACT) - trao đổi với Hãng tin AFP: "Tôi không hài lòng khi chính phủ thiếu nghiêm túc, thiếu minh bạch về số ca nhiễm và ca tử vong cũng như thái độ phủ nhận dịch bệnh của tổng thống".
Cuối tháng 5, Bộ Ngoại giao Tanzania đã triệu tập đại diện Mỹ Inmi Patterson (Mỹ không có đại sứ tại nước này từ năm 2016) để phản đối thông báo trên trang web của đại sứ quán Mỹ cảnh báo du khách về nguy cơ gia tăng số ca nhiễm COVID-19 theo cấp số nhân ở Tanzania.
Bộ Ngoại giao tuyên bố đây là thông tin "sai sự thật và có thể gây hoang mang cho người dân Tanzania và người nước ngoài".
Ca nhiễm đầu tiên ở Tanzania được công bố ngày 16-3. Đến nay, WHO ghi nhận Tanzania đã có 509 ca nhiễm và 21 ca tử vong.
Ông John Pombe Joseph Magufuli (61 tuổi) thuộc Đảng Cách mạng (Chama Cha Mapinduzi) cầm quyền. Trước khi được bầu làm tổng thống vào ngày 5-11-2015, từ năm 2010 ông đã phụ trách một số bộ. Ông đã có bằng tiến sĩ hóa học tại Đại học Dar es-Salaam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận