Loài chim có khả năng tỏa hương quyến rũ bạn tình - Ảnh: Alamy
Theo trang Tech Times, một loài chim đặc biệt ở vùng bắc Thái Bình Dương có khả năng đặc biệt, ngửi giống vỏ cam quýt để thu hút bạn tình khi vào mùa sinh sản.
Con đực hấp dẫn hơn con cái
Loài chim thú vị này là Aethia cristatella - một loài trong họ Alcidae. Chúng phân bố trên toàn miền bắc Thái Bình Dương, đặc biệt ở vùng biển Bering.
Chim dài từ 28-17cm, sải cánh rộng từ 34-50cm, nặng từ 195-330g, trong đó con cái thường nhỏ hơn con đực một ít và có một chiếc mào đặt trưng trên đầu. Chim kiếm ăn bằng cách lặn trong vùng nước sâu, ăn nhuyễn thể và một loạt các động vật biển nhỏ.
Từ lâu, các nhà khoa học nhiều lần tranh cãi xem chim có khướu giác hay không. Đến nay, chim Aethia cristatella là một bằng chứng xác đáng cho thấy chúng không chỉ sở hữu khứu giác mà còn có thể tạo ra một loại mùi đặc trưng giúp thu hút bạn tình.
Cả con đực và con cái đều có mùi, nhưng mùi ở con đực nồng nặc và đặc trưng hơn, thể hiện sự chủ động của phái mạnh. Mùi của chúng giống như mùi vỏ cam vỏ quýt.
Đặc biệt, những con chim nặng mùi hơn thường khỏe hơn và ga lăng hơn. Đây có thể là tiêu chí chọn chồng của các "chị em" nhà chim.
Nghiên cứu được nhà sinh học biển Hector Douglas (Mỹ) cùng đồng nghiệp thực hiện trong hơn 10 năm nay để hiểu thêm cơ chế dùng mùi "tỏ tình" của chúng.
Bí mật nằm ở đâu?
Chim có thể tiết ra một loại adehyde đặc trưng - Ảnh: Getty Images
Theo trang IFL Science, năm 2002, trong một lần du thuyền khắp phá đảo Koniuji, Alaska, Mỹ, nhà sinh học biển Hector Douglas bỗng nhiên ngửi thấy mùi như vỏ quýt đâu đó trong không khí. Nhìn xung quanh, ông phát hiện một đàn chim Aethia cristatella bay ngang.
Douglas ngay lập tức bị thu hút bởi loài chim này và đặt ra giả thuyết liệu có phải mùi vỏ cam quýt là của chúng? Douglas và đồng nghiệp xin phép bắt giữ hơn chục con chim về nuôi riêng biệt trong phòng thí nghiệm.
Ông và đồng nghiệp bắt đầu tiến hành nghiên cứu về loài chim này. Mục tiêu là xác định mùi hương của chúng mạnh nhẹ như thế nào và dùng để làm gì.
Kết quả, nhóm nghiên cứu phát hiện mùi thơm này được tiết ra qua lông cổ, nhưng tiết đậm đặc hơn ở con đực. Mùi hương được tạo ra bởi hợp chất aldehyde - chất thường có trong vỏ trái cây có mùi và cũng được sử dụng để sản xuất nước hoa.
Với con người, mùi thơm thường gây ra ấn tượng ban đầu, với chim Aethia cristatella cũng thế. Ngoài ra, loài chim này còn "đọ" mùi hương của nhau xem có hợp để "nên vợ nên chồng" với nhau hay không.
Không chỉ giúp tìm kiếm bạn tình, nhóm nghiên cứu của Douglas cho rằng mùi thơm này còn giúp chim giảm bớt phần nào tác động của những loài ký sinh trên cơ thể như ve hay muỗi.
Nghiên cứu về sinh thái học hành vi cũng cho biết chim Aethia cristatella là loài tiết ra hương thơm mạnh nhất trong thế giới động vật khiến bạn tình khó có thể cưỡng lại sức hút của chúng.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Behavioral Ecology.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận