Sách Tranh dân gian Nam Bộ là nghiên cứu trong khoảng chục năm của tác giả Huỳnh Thanh Bình. Quá trình này gắn bó với thời gian bà nghiên cứu về tranh kiếng Nam Bộ (2013), tranh tường các chùa Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long (2020).
Nhu cầu thực hành tín ngưỡng
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, tác giả Huỳnh Thanh Bình cho biết đặc điểm chung của dòng tranh dân gian Nam Bộ là gắn bó với việc thực hành nghi lễ truyền thống, thờ tự tôn giáo (tranh cúng ông Táo, tranh cuộn Phật giáo...).
Ngoài ra cũng có loại tranh gắn bó với việc chiêm đoán vận mệnh, xem xét chuyện kiết hung của thế nhân (tranh xăm hình, tranh minh họa sách Cao Ly đồ hình...).
Trong sách có nhắc đến loại tranh mộc bản.
Theo tác giả, đây là một ví dụ cụ thể cho dòng tranh dân gian Nam Bộ đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người dân Việt Nam.
Chúng thường được sử dụng trong các lễ tiết thường niên và những lễ nghi cầu cúng không định kỳ.
Vào dịp Tết Nguyên đán, theo tập tục, người ta thường sử dụng tranh mộc bản bùa nêu - trấn trạch (tục gọi là "bùa nêu ông Cọp") để trấn giữ sự bình yên cho gia đình và xua đuổi điều xấu, ma quỷ trong những ngày Tết.
Hay bộ tranh cúng ông Táo, tục gọi là tranh "cò bay - ngựa chạy" gắn với tập tục tiễn ông Táo vào ngày 23 tháng chạp và rước ông Táo vào ngày cuối năm đến nay vẫn được mọi nhà thực hành.
Tương tự, bộ tranh đồ thế cũng được sử dụng trong lễ cúng Hành khiển - Hành binh trong dịp Tết và trong lễ Nhương căn - Đổi đốt, cúng tạ ơn thần độ mạng cho trẻ con dưới 12 tuổi...
"Qua thời gian, tranh in mộc bản thủ công được thay thế bởi các bộ tranh in công nghiệp. Chính vì vậy, việc sưu tầm gặp nhiều khó khăn, riêng bộ tranh đồ thế cúng cho người bị coi là mắc "bệnh Đàng dưới hay Đàng trên" đến nay cũng mai một hẳn do tệ tục mê tín này ngày càng bị dẹp bỏ" - tác giả Huỳnh Thanh Bình nói.
Hình ảnh Phật trong tranh dân gian Nam Bộ
Theo bà Huỳnh Thanh Bình, ngày nay một số tranh dân gian Nam Bộ như tranh thờ, vật phẩm cúng tế, minh họa các văn bản chiêm đoán vận mệnh... được liệt vào mê tín.
Chính vì vậy, chúng khó được coi là "tác phẩm mỹ thuật" theo đúng nghĩa của từ này.
Song ở đó lại là một tập hợp các cảnh vật tự nhiên, các cảnh đời đa tạp cho ta những chỉ báo về nhiều sự việc, sự vật của một thời quá vãng, nhìn ở góc độ hội họa.
Có thể kể đến hình tướng chư vị thần linh, ma quỷ, chư Phật, Bồ tát; hình tướng của các hạng người sĩ - nông - công - thương cùng những hình thái lao động, sinh hoạt của họ trong bối cảnh tự nhiên và xã hội xưa cũ...
Tranh cuộn Phật giáo là một ví dụ cụ thể hơn. Đây là loại tranh vẽ trên giấy các đối tượng được lễ bái trong các nghi lễ của Phật giáo như chư Phật, Bồ tát, Minh Vương, Long thần Hộ pháp, Tiêu Diện Đại Sĩ...
Sự thịnh hành của tranh cuộn Phật giáo gắn bó mật thiết với các bộ môn nghi lễ Phật giáo đem ra thực hành ở các cuộc lễ theo yêu cầu tín ngưỡng của công chúng như tuần tiết, ma chay, trai đàn thí thực/cúng cô hồn...
Bà Huỳnh Thanh Bình nói: "Theo thời gian, loại tranh vẽ trên giấy "bổi" dễ hư hỏng này luôn được thay thế bằng những bức vẽ mới nên đến nay những gì chúng tôi sưu tầm được là những tranh vẽ có niên đại cổ nhất từ 1940, 1950, 1960.
Trong những thập niên gần đây, loại tranh này được thay thế bằng tranh in, đặc biệt gần đây là loại tranh in canvas và hiflex. Rất hiếm chùa còn bảo quản loại tranh cuộn truyền thống".
Tác giả Huỳnh Thanh Bình sinh năm 1985, hiện công tác tại Bảo tàng TP.HCM.
Bà đã xuất bản một số sách liên quan đến đời sống văn hóa, tâm linh ở Việt Nam và thế giới như: Tranh kiếng Nam Bộ,
Biểu tượng thần thoại về chư thiên và linh vật Phật giáo, Tranh tường Khmer Nam Bộ...
Sách Tranh dân gian Nam Bộ của Huỳnh Thanh Bình là sưu tập gồm 5 loại tranh bắt nguồn từ nếp tưởng tượng và các tín lý đã bắt rễ trong đời sống tâm linh như: tranh mộc bản, tranh minh họa vẽ trên giấy, tranh cuộn Phật giáo, tranh kiếng, tranh gói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận