Cây mai “lá ngọc cành vàng” khi ra hoa sẽ có lá, cành non, hoa màu vàng nhạt như như màu ngọc quý sang trọng - Ảnh: PHAN VĂN QUÝ
Đó là nhờ việc lai tạo giống một cách tự nhiên. Theo những nhà vườn trồng mai ở Huế, những giống mai đột biến cho hiệu quả kinh tế cao hơn bởi sự độc, lạ và đặc biệt là có sức sống khỏe, chống chịu với thời tiết.
Giống mai tưởng chừng chỉ có trong… truyền thuyết
Những ngày này, giới chơi mai cảnh ở Huế đang vô cùng ngạc nhiên và tò mò trước thông tin có một nhà vườn bán giống mai chỉ có trong truyền thuyết - mai "lá ngọc cành vàng". Đó là vườn mai của anh Phan Văn Quý (xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy) với những chậu mai cho ra lá, ngọn, búp mai có màu vàng nõn như màu ngọc quý. Khi mai ra hoa, toàn bộ cây mai sẽ chỉ có một màu vàng duy nhất từ ngọn, lá, hoa.
Anh Phan Văn Quý bên một chậu mai “lá ngọc cành vàng” - Ảnh: NHẬT LINH
Theo anh Quý, giống mai này được anh phát hiện ở tỉnh Quảng Trị trong một lần được người ta thuê đến chăm sóc vườn mai. "Ban đầu tôi không để ý, thấy đẹp nên chỉ chụp ảnh lại. Đến tối về lại Huế, tôi mới suy nghĩ đúng là có giống mai lạ quá lạ. Cây mai này cao khoảng 5m nhưng lá, cành, ngọn, hoa đều là màu vàng" - anh Quý kể.
Hôm sau, anh Quý gọi một số người bạn chơi mai cảnh ở Huế đến để hỏi và cho họ xem ảnh. Một người trong nhóm này nói rằng cây mai này rất có thế là mai "lá ngọc cành vàng" - một loại mai mà dân gian đồn đoán rằng đã từng được vua triều Nguyễn cho trồng trong Đại Nội. Có thể bằng một cách thần kỳ nào đó, giống mai quý này đã lưu lạc từ cung cấm ra vùng Quảng Trị.
Tuy nhiên, đó chỉ là nhận định của dân gian chứ chưa ai khẳng định từng có giống mai lạ đến vậy xuất hiện ở Huế.
"Vậy là tôi lặn lội ra Quảng Trị để xin mua cây mai này về cho bằng được. Ban đầu, chủ mai một mực không bán mà chỉ cho tôi vài cành mai về ghép. Sau này, thấy tôi có duyên với loài mai quý nên người chủ này đã cho tôi khoảng 1.000 hạt mai về làm giống"- anh Quý kể.
Ngọn, lá của cây mai “lá ngọc cành vàng” có màu vàng như màu ngọc quý - Ảnh: NHẬT LINH
Những cành mai "lá ngọc cành vàng" được anh Quý về ghép với thân của cây hoàng mai. Khoảng 1 năm sau, cây mai ghép "lá ngọc cành vàng" cho ra hoa, ngọn, lá màu vàng ngọc với mùi hương đặc trưng khiến anh Quý vô cùng mừng rỡ. Tuy nhiên, 1.000 hạt giống của cây mai thì chỉ sống và lên ngọn được vỏn vẹn… 2 cây.
"Chính vì vậy, loại mai này đã quý nay càng quý hơn" - anh Quý nói.
"Quảng hương mộc mai"
Cũng là một loài mai cảnh mới ở Huế nhưng "quảng hương mộc mai" khác với mai "lá ngọc cành vàng" ở chỗ có hương thơm vô cùng đặc biệt, khác hẳn với mùi hương dịu nhẹ của mai vàng thông thường. Loài mai này được ông Nguyễn Đình Lam (chủ một nhà vườn ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) phát hiện và nhân giống.
Ông Nguyễn Đình Lam đang chăm sóc 1 chậu “quảng hương mộc mai” - Ảnh: NHẬT LINH
Ông Lam kể rằng vào năm 2002, ông lặn lội về tận vùng Truồi mua một cây mai đột biến có hoa nở 9 cánh để đem chưng. Hết tết, ông đem giống của cây mai này ra vườn của mình trồng. Đến năm 2008, trong một lần thăm vườn mai ông Lam phát hiện có một mùi hương đặc biệt phát ra từ khu trồng mai con.
"Một cây mai trong số nhóm cây con nở hoa cho mùi hương rất đặc biệt. Mùi đậm đà, thoảng thơm tựa như hoa mộc. Thấy lạ nên tôi đã trồng riêng cây mai này để lấy hạt đem nhân giống" - ông Lam kể.
“Quảng hương mộc mai” cho ra hoa có cánh dày, màu đậm, có mùi hương như hoa mộc - Ảnh: NHẬT LINH
Thế rồi một hôm, có một vị trụ trì một ngôi chùa ở Huế ghé thăm vườn nhà ông Lam. Thấy cây mai lạ có mùi thơm như hoa mộc, vị trụ trì này đã đặt tên cho cây là "quảng hương mộc mai".
Ngoài cho hương thơm độc đáo, "quảng hương mộc mai" còn cho hoa có màu vàng đậm, nhiều cánh, lá non hơi đượm hồng và dễ trồng, dễ ra hoa hơn hoàng mai.
"Trong số hàng trăm cây quảng hương mộc mai được tôi ươm trồng trong vườn, từng ghi nhận có cây cho ra hoa đến 18 cánh" – ông Lam nói.
Kết quả của sự đột biến gen
Cả ông Lam và anh Quý đều cho rằng hai loài mai mới trên đều là kết quả của sự đột biến gen. "Có thể con ong, con bướm trong lúc lấy phấn hoa đã vô tình thụ phấn cho hoa mai. Vậy nên mới sinh ra những loại mai mới độc, lạ đến như vậy" - ông Lam nói.
Chính vì sự độc lạ này đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Anh Phan Văn Quý cho biết từ khi đưa "lá ngọc cành vàng" vào kinh doanh, rất nhiều người đã ủng hộ loài mai mới này. "Giá của cây "lá ngọc cành vàng" đắt gấp đôi so với hoàng mai cùng kích cỡ. Cây đắt nhất tôi từng bán có giá khoảng 145 triệu đồng" - anh Quý nói.
Mai đột biến… rất quý
Thạc sĩ Đỗ Đình Thục - trưởng bộ môn hoa viên cây cảnh, khoa nông học Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế - cho biết "quảng hương mộc mai" và mai "lá ngọc cành vàng" là hai loại mai đột biến mới của Huế. Theo ông Thục, là mai đột biến nên có giá trị cao không chỉ bởi sự độc, lạ mà còn ở sức sống mãnh liệt.
Quá trình hình thành sự đột biến, theo ông Thục có thể do thời tiết ở Huế rất thất thường, khắc nghiệt nên nhiều loại mai đã bị biến đổi. "Mai đột biến khác với mai thường biến ở chỗ những dấu hiệu đột biến trên phải được duy trì trên ba năm.
Ví dụ như mai "lá ngọc cành vàng", sau 3 năm cứ mỗi lần rụng lá như vậy thì lá non mọc lên vẫn duy trì được màu vàng ngọc đó. Chính vì vậy nên chúng rất quý bởi tỉ lệ để cho ra một loài mai đột biến mới là rất thấp" - ông Thục nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận