09/01/2018 13:00 GMT+7

La Gi là 'la di', Cư Kuin là 'chư quynh'

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
ĐỖ THÀNH DƯƠNG

TTO - Nhân việc phụ trách chuyên mục giải đáp thắc mắc của các em học sinh trên một tờ báo, chúng tôi có nhận được câu hỏi của một học sinh ở tỉnh Bình Thuận: Thị xã LA GI của em đọc là "la ghi" hay "la di"?

La Gi là la di, Cư Kuin là chư quynh - Ảnh 1.

La Gi là một thị xã thuộc tỉnh Bình Thuận; đầu năm 2017, La Gi được công nhận là đô thị loại III, đô thị lớn thứ nhì tỉnh Bình Thuận - sau TP Phan Thiết. 

Từ chữ viết "La Gi" đã dẫn đến hai cách phát âm khác nhau cùng song hành tồn tại là "la ghi" và "la di", đặc biệt với người ở các vùng miền khác, cũng như nhiều phát thanh viên các đài phát thanh, truyền hình trung ương đều đọc địa danh La Gi là "la ghi".

La Gi đọc đúng là "la di"

Từ Y sang Gi

Hiện nay, một số địa danh bắt đầu bằng yếu tố "yang" (thần, trời) ở các vùng miền núi nói chung trên đất nước ta đã được chuyển thành "gi" trên chữ viết, như cầu Yang Sơn → Giang Sơn (Đắk Lắk), xã Yang Li → Giang Ly (Khánh Hòa), thác Yang Bay → Giang Bay (Khánh Hòa)...

Trên đất nước ta còn một số địa danh khác cũng chứa từ tố "gi" như "cầu Bà Gi" ở An Nhơn (Bình Định), cửa biển Đề Gi ở Phù Cát (Bình Định); nhưng sự lẫn lộn trong phát âm các địa danh này không xảy ra, hầu hết mọi người đều đọc là "cầu bà di", "cửa biển đề di".

Trở lại với địa danh La Gi, về xuất xứ có ý kiến cho rằng xưa kia nó thuộc vùng đất của người Chăm, mang tên là La-dik; dưới thời phong kiến được phiên âm thành La Di, cùng có yếu tố "La" đứng đầu tương tự một số địa danh bản địa khác như La Gàn, La Dạ, La Ngâu, La Ngà...

Đến thời Pháp thuộc, trên bản đồ và trong các văn bản hành chính, vì người Pháp đọc chữ "d" thành "đ" (đê), nếu viết đúng âm Hán Việt "La Di", người Pháp sẽ đọc là "la đi"/la di/ vì vậy họ viết thành La Gi để đọc cho gần đúng với ngữ âm của dân bản địa là "la di"/la zi/ và hình thức địa danh về mặt ký tự được cố định từ đó đến nay.

Còn về mặt ngữ âm, một cách kiểm tra đơn giản nhất là thử thêm hai dấu huyền cho địa danh thành "Là Gì", chắc chắn ai cũng phải đọc là "là dì"/là zì/ chứ chẳng ai đọc "là ghì"/là ɣì/, và khi bỏ dấu huyền đi thì sẽ đọc "la di"/la zi/. Vậy, địa danh La Gi đọc đúng phải là "la di".

Tiếng Việt mà thành Tiếq Việt sẽ đứt gãy văn hóa dần dần

TTO - Tiếng Việt không còn đơn thuần là ngôn ngữ, nó là phương tiện truyền tải văn hóa, chính trị, kinh tế, giao thương, và luật lệ.

Krông Păk: viết và đọc chưa chuẩn xác

Tương tự, một địa danh khác hay bị phát âm sai là tên huyện Cư Kuin (Đắk Lắk). Khi thông tin về vụ "Bệnh viện tắc trách, nữ sinh lớp 10 bị cưa chân" tại huyện Cư Kuin năm ngoái, hầu hết các phát thanh viên đều đọc là "cư-cu-in". 

Tên gốc của địa danh Cư Kuin theo tiếng Ê Đê là Čư Kuiñ, trong đó phụ âm Č ghi âm "ch" và phụ âm ñ là ghi âm "nh", nên địa danh này tuy viết là Cư Kuin nhưng đọc đúng phải là "chư quynh".

Ở Đắk Lắk, một số địa danh được phiên âm thẳng sang chữ quốc ngữ như Chư Yang Sin (Čư Yang Sin: núi của thần Sin [Ý của TS Đoàn Thị Tâm - ĐH Tây Nguyên]) - tên núi, tên vườn quốc gia, đồng thời được lấy làm tên tạp chí của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

Cũng ở Đắk Lắk, địa danh huyện Krông Păk đang bị viết và đọc chưa chuẩn xác. Đúng tên của huyện theo ký tự của dân tộc Ê Đê bản địa phải viết là Krông Pač, phiên chuyển sang chữ quốc ngữ là Krông Pách và phải được đọc là "cờ-rông-pách", chứ không phải như hiện nay trên các văn bản hành chính đều viết Krông Pắc/ Krông Păk/ Krông Pắk và đa số đều đọc "cờ-rông-pắc".

Muốn tiếng Việt chuẩn, phải bỏ từ địa phương

TTO - Tranh luận câu chuyện chuẩn mực trong sách giáo khoa, bạn đọc Nguyễn Minh cho rằng từ ngữ trong sách phải là từ toàn dân. Dùng từ địa phương chỉ có 'hại' cho học sinh.

Ya Ly không phải Ia Ly!

Ở tỉnh Gia Lai có địa danh Ya Ly/za li/ - tên một xã, nơi có đập thủy điện lớn - gần đây đã bị chuyển thành Ia Ly/i-a-li/ cũng không phù hợp. 

Ya Ly mang trong mình huyền thoại về mối tình bi kịch của đôi trai gái Jrai là chàng Rốc và nàng H’Li. "Yali" nghĩa là "nước mắt nàng H’Li" đã chết vì khóc thương nhớ người yêu không trở về, dòng nước mắt của nàng chảy thành thác.

Trong hệ thống ngôn ngữ Jrai bản địa - khác với tiếng Việt cả "i" và "y" là hai hình thức chữ viết của cùng một nguyên âm /i/ - tiếng Jrai có 23 phụ âm, trong đó "y"/z/ là phụ âm mặt lưỡi, có khả năng đứng đầu âm tiết, còn "i"/i/ là một nguyên âm hẹp trong 11 nguyên âm. 

Thật đáng tiếc, người phiên chuyển đã nhầm lẫn trong việc ký chuyển chữ viết phụ âm đầu "y"/z/ thành nguyên âm chính "i"/i/ áp đặt rặt theo chữ quốc ngữ, dẫn đến đọc sai tên địa danh, vốn là "za-li" (Ya Ly) thành "i-a-li" (Ia Ly); đồng thời đánh mất đi một huyền thoại lãng đãng khói sương gắn liền với một địa danh!

Để giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, các cơ quan chức năng nên ấn định chuẩn xác hình thức chữ viết ghi âm các địa danh còn đang phân vân như trên, trong trường hợp cần thiết có thể phiên chuyển các địa danh trên về mặt ký tự cho phù hợp với cách đọc phổ thông để tạo sự chuẩn xác, thuận lợi cho việc giao tiếp trong đời sống và lĩnh vực hành chính.

Viết "tự sướng", "lộ hàng" làm vẩn đục hay phát triển tiếng Việt?

TTO - "Chụp hình tự sướng là cụm từ làm vẩn đục và nhơ nhuốc tiếng Việt nhất từ trước đến nay",  "Truyền thông xài từ lộ hàng thì đúng là sỉ nhục phụ nữ"...

Ngáo đá, lộ hàng, chảnh chó... sáng tạo hay méo mó tiếng Việt?

TTO - Những từ mới do giới trẻ nghĩ ra và dùng phổ biến hiện nay như nổ, chảnh, quậy, phượt, ngáo đá, diễn sâu, chém gió, ném đá, soái ca, sửu nhi... nên được coi là sự sáng tạo hay làm méo mó tiếng Việt?

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp